Sự kiện

EVNCPC- 40 năm xây dựng và phát triển: Trưởng thành trên dải đất “trắng điện”

Thứ tư, 30/9/2015 | 09:56 GMT+7
Tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) là Công ty Điện lực miền Trung, được Bộ trưởng Bộ Điện và Than ký quyết định thành lập số 1867 QĐ/TCCB-3  ngày 07-10-1975, gồm các cơ sở điện lực do chính quyền Sài Gòn xây dựng, của SIPEA do Pháp quản lý, nhà máy điện Quảng Trị thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, nhà máy điện Quảng Bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


Công nhân Công ty Điện lực Quảng Trị (Tổng Công ty Điện lực Miền Trung) kiểm tra an toàn về điện phục vụ nuôi trông thủy sản tại xã Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Công ty có nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, kinh doanh điện năng và quản lý đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên.   

Vượt qua những năm tháng khó khăn

Trong suốt những năm chiến tranh, miền Trung là vùng giao tranh ác liệt, không có công trình điện quy mô lớn nào được xây dựng, chỉ có các cơ sở điện lực nhỏ bé, phân tán phục vụ ánh sáng đô thị và nhu cầu khu quân sự. Ngay khi mới thành lập, Điện lực miền Trung với cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, sản lượng điện thương phẩm chưa đầy 100 triệu kWh. Những năm từ 1975 đến 1985, điện miền Trung cực kỳ khó khăn, luôn chống đỡ đối phó trước tình hình thiếu điện ngày càng nghiêm trọng. Vốn đầu tư chỉ bằng 3,4% vốn đầu tư của ngành điện lực toàn quốc; không đủ để tăng cường cơ sở vật chất nguồn, lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Về nguồn điện, chỉ mới xây dựng đưa vào hoạt động nhà máy điện Đồng Hới 14MW, còn lại chủ yếu là tiếp nhận, lắp đặt các tổ máy phát điện diesel được điều động từ miền Nam ra, miền Bắc vào và phục hồi các máy hỏng hiện có, nhưng cũng chỉ đủ để bổ sung cho các máy đã hỏng phải thanh lý qua các năm. Thủy điện Phú Ninh được xây dựng và đi vào vận hành năm 1984, gắn liền với công trình Đập thủy lợi Phú Ninh, một “đại công trường” của đất nước vào thời điểm đó nhưng cũng chỉ có công suất 1,6 MW, so với nhu cầu sử dụng điện của miền Trung thì cũng chỉ như “giọt muối bỏ bể”. Về lưới điện, đã xây dựng mới đường dây 35kV Huế- Đồng Hới và một số đường dây và trạm biến áp 15 kV, còn lại chỉ đủ vốn để cải tạo sửa chữa lưới điện trong các khu vực thành phố, thị xã đã quá tải, cũ nát để duy trì khả năng cấp điện. Những năm 70, miền Trung luôn trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, nhiều khu vực lớn trên địa bàn là vùng “trắng điện” hoàn toàn. Dù đã rất nỗ lực, công tác sản xuất cung ứng điện vẫn luôn bị động, phải thực hiện lịch đóng cắt điện luân phiên; và do chất lượng lưới điện kém nên sự cố thường xuyên xảy ra, công tác quản lý vận hành hết sức khó khăn. Mặt khác, do thiếu nguồn nên rất hạn chế cấp điện cho phụ tải mới, đã kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương và ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Trung.

Trong khi chưa tìm ra phương án cơ bản để giải quyết điện cho miền Trung thì tháng 2-1988, Hội đồng Bộ trưởng quyết định ngừng thi công công trình nhiệt điện Đà Nẵng, càng gây tâm lý căng thẳng vốn có từ trước do thiếu điện tại địa bàn. Trước nỗi bức xúc đó, Công ty Điện lực 3 đã tổ chức hội nghị với Chủ tịch các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên để đánh giá tình hình và cùng kiến nghị lên Bộ Năng lượng và Hội đồng Bộ trưởng, đề nghị giải quyết nhanh chóng các phương án cung cấp điện trước mắt cũng như lâu dài cho miền Trung. Với đề xuất của Công ty Điện lực 3 lúc bấy giờ, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã xác định với lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố miền Trung gồm 3 giải pháp: Củng cố, tăng cường nguồn điện diesel hiện có; kéo lưới điện truyền tải từ Nam ra, Bắc vào; xây dựng tại chỗ các nhà máy điện có công suất đủ mạnh, trước mắt tập trung xây dựng công trình thuỷ điện Ialy (720 MW) để phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời tham gia vào lưới Bắc- Nam, làm cầu nối cho lưới điện thống nhất cả nước.

Điện làm thay đổi diện mạo Miền Trung


Công nhân Công ty Điện lực Quảng Ngãi (Tổng Công ty Điện lực Miền Trung) đầu tư xây dựng lưới điện phân phối cấp điện lưới Quốc gia cho các hộ dân huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Triển khai thực hiện ba giải pháp này, công cuộc kiến thiết hệ thống nguồn và lưới điện tại miền Trung chuyển biến mạnh mẽ, hàng loạt các công trình nguồn và lưới điện được xây dựng. Một giai đoạn đầy sôi động đã khởi đầu, cả miền Trung trở thành một công trường lớn. Từ Vinh, đường dây 220kV-110kV được kéo vào Đà Nẵng, khởi công tháng 11-1987 và hoàn thành tháng 8-1990. Đây là một công trình có ý nghĩa rất quan trọng, khởi đầu cho tiến trình kết nối lưới miền Trung vào lưới điện quốc gia, tiến đến thống nhất lưới điện trên phạm vi toàn quốc, góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện ở các tỉnh miền Trung. Tại lễ khởi công công trình đường dây 110kV Huế - Đà Nẵng, ngành điện đã vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến dự và đổ mẻ bê tông đầu tiên khởi công xây dựng công trình. Tháng 1-1992, điện lưới 110kV từ phía Bắc tiếp tục vào đến Quảng Ngãi. Hàng loạt công trình được thi công và đưa vào vận hành, như: Đường dây 110kV Đa Nhim - Nha Trang đóng điện năm 1992 và năm 1993 cấp điện đến Bình Định; tháng 1-1994 đóng điện đường dây 110 kV Nha Trang - Tuy Hoà, đưa điện từ Đa Nhim cung cấp cho tỉnh Phú Yên; năm 1988 đến 1990 bổ sung 74 tổ máy diesel, tăng 69 MW; tháng 9-1990 hoàn thành xây dựng thuỷ điện Đrây H’Linh (12MW); tháng 5-1991 khánh thành thủy điện An Điềm (5,4 MW); tháng 11-1993 khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Ialy (720 MW); tháng 12-1994, Nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn (66 MW) chính thức đi vào sản xuất và hoà lưới điện quốc gia.

Cùng với việc củng cố các nguồn điện diesel, xây dựng các nhà máy thủy điện, các đường dây và trạm 220, 110kV, đường dây 500kV - một công trình lịch sử của đất nước được khởi công tháng 4-1992 đến tháng 5-1994 hoàn thành giai đoạn 1. Vào lúc 19 giờ 7 phút ngày 27-5-1994 tại trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, Bộ Năng lượng đã tổ chức hòa mạng thành công hệ thống điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, kết nối hệ thống điện Việt Nam qua đường dây 500 kV; tiếp đến vào ngày 19-9-1994, miền Trung được nhận điện từ hệ thống điện quốc gia qua trạm 500kV Đà Nẵng. Ngày 12-11-1994 trạm 500kV Pleiku, đường dây và trạm 220 – 110 kV Quy Nhơn - Pleiku cũng đã hoàn thành, các tỉnh Tây Nguyên, Nam miền Trung nhận điện qua trạm 500kV Pleiku.

Đến giai đoạn này, diện mạo ngành điện tại miền Trung đã đổi thay rõ rệt. Công cuộc kiến thiết hệ thống điện miền Trung đã có được những thành công bước đầu; miền Trung đã được kết nối lưới điện quốc gia, nguồn điện tại chỗ cũng đã được tăng cường khá mạnh. Từ cơ sở này, hoạt động điện lực tại miền Trung từ đây sang một trang mới. Khi đã cơ bản giải xong bài toán về nguồn điện cho toàn miền thì bấy giờ một vấn đề khác cần tiếp tục giải quyết là đưa điện về nông thôn, miền núi, xóa “trắng điện”, bắt đầu hành trình điện khí hóa nông thôn miền Trung-Tây Nguyên. Chủ trương điện khí hóa nông thôn cũng được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII và lần thứ IX của Đảng. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không hề đơn giản bởi địa bàn rộng, địa hình phức tạp, năng lực thi công của các đơn vị xây lắp trong giai đoạn này vẫn còn nhiều hạn chế.

Bắt đầu từ xã Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị được chọn thí điểm mô hình điện khí hóa nông thôn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ năm 1995, sang năm 1996, sau khi đánh giá kết quả mô hình thí điểm, khu vực miền Trung được đầu tư gần 200 tỷ đồng đưa điện về trung tâm 120 xã trên địa bàn. Từ năm 2000 đến nay là giai đoạn đầu tư phát triển mạnh mẽ của hệ thống lưới điện miền Trung, nhiều dự án điện được đầu tư xây dựng: Dự án năng lượng nông thôn RE I, RE I mở rộng, RE II vốn vay Ngân hàng Thế giới; các dự án mở rộng lưới điện các xã nông thôn, miền núi; dự án thành phần lưới điện phân phối nông thôn RD... Đặc biệt, trong các năm 2007-2010, EVNCPC tích cực triển khai thực hiện và hoàn thành dự án cấp điện các thôn buôn chưa có điện các tỉnh Tây Nguyên, cấp điện cho các hộ đồng bào các tỉnh Tây Nguyên. Dự án có vốn đầu tư 1.122  tỷ đồng, cấp điện cho 852 thôn buôn, 62.646 hộ đồng bào tại 04 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông. Và vừa mới đây, dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư đã được hoàn thành đóng điện ngày 28-9-2014. Dự án được thực hiện vượt tiến độ đề ra, được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp dự lễ khánh thành và biểu dương nỗ lực của Tổng công ty. Đây là một dự án lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vừa đáp ứng sự mong mỏi, khát khao của chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn về một nguồn điện ổn định, đầy đủ phục vụ các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Công thương và EVN giao, Tổng công ty tiếp tục thực hiện dự án cấp điện Cù Lao Chàm- Quảng Nam bằng cáp ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 484,81 tỷ đồng; trong đó, theo cơ chế vốn đã được Chính phủ phê duyệt, ngân sách Trung ương hỗ trợ 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của Tổng công ty. Dự kiến năm 2016, dự án sẽ được hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành.

Với những nỗ lực đó, diện mạo nguồn và lưới điện khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong những năm qua đã có những đổi thay nhanh chóng. Số liệu thống kê năm 1976, tổng công suất đặt diesel và thủy điện nhỏ là 75,4MW, cùng với công suất nhận từ lưới điện quốc gia khoảng 4 MW, thì đến nay, công suất cực đại toàn hệ thống điện miền Trung-Tây Nguyên đã đạt 2.213 MW, tăng hơn 25 lần. Đường dây các cấp điện áp năm 1976 là 1.668 km, đến nay đã gần 120.000km, tăng gần 70 lần. Sản lượng điện thương phẩm những ngày đầu thành lập chỉ chưa đầy 100 triệu kWh, năm 2015 dự kiến khoảng 13,35 tỷ kWh, tăng hơn 130 lần. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đạt bình quân trên 13%/năm, là một động lực quan trọng để kinh tế các địa phương chuyển mình, phát triển. Trên địa bàn 13 tỉnh thành phố miền Trung và Tây Nguyên hiện đã có 100% số huyện, 99,43 số xã, 98,54% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, cao hơn mức bình quân chung của cả nước và hoàn thành vượt mức yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Những bước tiến trong công tác dịch vụ khách hàng
 
Công nhân Công ty Điện lực Gia Lai kiểm định công tơ giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh hoạt động đầu tư nguồn và lưới điện, EVNCPC tiếp tục hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, thực hiện chương trình tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Chất lượng dịch vụ khách hàng được nâng cao, chỉ số tiếp cận điện năng được cải thiện. Vừa qua, trong tháng 7-2015, EVNCPC đã thành lập và ra mắt Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung, giao tiếp đa phương tiện và tương tác hai chiều, là bước tiến mới của EVNCPC trong công tác dịch vụ khách hàng. Bên cạnh đó, từ năm 2014, Tổng công ty đã ứng dụng rộng rãi hóa đơn điện tử trong thanh toán tiền điện, đa dạng hóa các hình thức thu, hợp tác với ngân hàng triển khai các hình thức thu qua ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, ATM và Internet Banking...; triển khai nhắn tin thông báo tiền điện và lịch tạm ngừng cung cấp điện qua email, tin nhắn SMS… EVNCPC cũng triển khai các cách làm mới như hỗ trợ khách hàng đăng ký sử dụng điện bằng thiết bị cầm tay: Nhân viên điện lực dùng máy tính bảng, điện thoại thông minh đến nhà khách hàng để làm các thủ tục cấp điện mới, lập hợp đồng mua bán điện, thu tiền, gạch nợ trực tuyến mà không yêu cầu khách hàng phải đến trụ sở đơn vị Điện lực, đã được khách hàng đánh giá rất cao.

Thực hiện Lộ trình phát triển lưới điện thông minh đã được Chính phủ phê duyệt, EVNCPC cũng đã đạt được một số kết quả bước đầu, đặc biệt trong hợp phần hiện đại hóa hệ thống đo đếm. Từ năm 2002, EVNCPC đã nghiên cứu sản xuất thành công công tơ điện tử, từng bước phát triển và tích hợp các công nghệ đo xa qua sóng RF, tích hợp công nghệ đọc tự động RF-Spider, hiện đã được lắp đặt sử dụng trên toàn huyện đảo Lý Sơn, thí điểm tại một số khu vực tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Với tỷ lệ lớn, hơn 30% số công tơ trên lưới điện đã được thay thế bằng công tơ điện tử, cùng với các công nghệ hiện đại đã được tích hợp nêu trên, sản phẩm này đã mang lại hiệu quả tốt về nhiều mặt: Tăng độ chính xác trong khâu ghi chỉ số, hỗ trợ đọc chỉ số công tơ từ xa qua sóng RF, đọc tự động qua hệ thống RF-Spider, nhập số liệu nhanh chóng vào chương trình CMIS 2.0, góp phần giảm tổn thất điện năng và tăng năng suất lao động.

EVNCPC cũng đã phát triển hệ thống đo xa MDMS, đến cuối năm 2014 đã lắp đặt được 16.208 điểm đo đối với khách hàng có sản lượng trung bình từ 5.000kWh/tháng trở lên, các trạm biến áp chuyên dùng có sản lượng 50.000 kWh trở lên, các khách hàng bán buôn điện nông thôn và một số trạm công cộng có sản lượng lớn cần theo dõi, phân tích tổn thất điện năng.

Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, EVNCPC cũng đã bước đầu làm chủ công nghệ tự động hóa trạm biến áp 110kV, tiến đến thực hiện các trạm biến áp bán tự động và tự động hoàn toàn. Đối với lưới điện phân phối, EVNCPC đã thực hiện thành công dự án mini SCADA tại 04 thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột và hiện tiếp tục triển khai tại 02 thành phố Tam Kỳ, Pleiku. Đây là hệ thống tự động thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển trên lưới điện phục vụ công tác quản lý vận hành, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Bên cạnh đó, EVNCPC đã bước đầu số hóa sơ đồ lưới điện với việc ứng dụng công nghệ GIS, hiện nay đang thực hiện thí điểm tại  Huế, Đà Nẵng và đến năm 2020 sẽ triển khai đến tất cả các Công ty điện lực thành viên của EVNCPC. Hệ thống này sẽ giúp công tác quản lý vận hành lưới điện một cách trực quan theo thời gian thực, giúp khắc phục nhanh sự cố, tính toán tổn thất điện năng và dự báo nhu cầu phụ tải. Năm 2015, EVNCPC đã đưa vào áp dụng công nghệ vệ sinh cách điện trên lưới đang mang điện bằng nước áp lực cao, góp phần giảm đáng kể thời gian ngừng cấp điện do công tác, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Thanh Mai/Icon.com.vn