Công nhân Đội TTĐ Phú Yên sử dụng máy cưa, máy cắt để phát quang hành lang tuyến đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang, đảm bảo ATLĐ mùa khô 2017.
Một số nghiên cứu, ứng dụng thành công phải kể đến, như: công nghệ vệ sinh lưới truyền tải điện cao áp đang mang điện bằng nước áp lực cao (hay còn gọi là vệ sinh cách điện hotline), sửa chữa điện nóng, định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống quản lý kỹ thuật mạng viễn thông dùng riêng, hệ thống thông tin địa lý (Gis) hay các hệ thống chương trình quản lý kỹ thuật và vận hành lưới điện v.v.
Mặc dù quản lý khối lượng đường dây không quá lớn, chỉ với 189 km đường dây 220kV, 46km đường dây 110kV (đi chung trụ với đường dây 220kV) và 1 trạm biến áp 220kV có công suất 250MVA, song công tác quản lý, vận hành lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa hình khá phức tạp, hầu hết đường dây đi qua khu vực đèo núi, vùng ven biển dễ nhiễm mặn gây gỉ sét, ăn mòn máy móc, thiết bị... Đặc thù thời tiết, khí hậu và đặc tính canh tác của người dân trên địa bàn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc đảm bảo vận hành an toàn lưới điện. Để đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt, hiệu quả hệ thống truyền tải điện quốc gia được giao quản lý, thời gian qua Truyền tải điện Phú Yên đã áp dụng nhiều giải pháp, từ việc cùng với người dân dọn thực bì làm rẫy, cùng bà con nông dân tước, đốt lá mía sau thu hoạch đến việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người dân và ký các cam kết không đốt nương rẫy, cây cối gần khu vực hành lang tuyến… đến ứng dụng khoa học, công nghệ, máy móc thiết
Ông Nguyễn Duy Ngọ - Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai khá tốt các đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý vận hành”, áp dụng phần mềm quản lý công văn công việc trên máy tính (E-office), hệ thống giám sát đầu tư xây dựng cập nhật hình ảnh, tình hình thực tế, thi công qua mạng internet lên hệ thống, phần mềm quản lý kỹ thuật (Pmis), hệ thống thông tin địa lý, bản đồ lưới điện (GIS), phần mềm quản lý dữ liệu đo đếm (MDMS)… cũng như áp dụng các công nghệ mới như rửa sứ hotline, phần mềm định vị sự cố và sắp tới sẽ áp dụng kiểm tra thiết bị bằng máy bay điều khiển từ xa gắn camera (flycam)…
"Trong các TBA, chúng tôi cũng áp dụng nhiều công nghệ mới, lắp đặt các mạch giám sát tự động, giám sát dầu, giám sát theo dõi điện áp thứ tự nghịch, thứ tự 0 của các thiết bị ở trong trạm, sử dụng công nghệ Auto mation – tức là hệ thống trạm điều khiển qua hệ thống máy tính. Và bây giờ thì Tổng công ty cũng đã triển khai giải pháp dần đưa đến TBA không người trực. Đối với công tác quản lý vận hành thì cũng áp dụng những phần mềm quản lý vận hành mới, ví dụ như phần mềm quản lý kỹ thuật (Pmis) rồi phần mềm quản lý đầu tư xây dựng hay phần mềm theo dõi giám sát sét ở trên lưới điện"- ông Ngọ cho biết.
Cụ thể trong quản lý vận hành hệ thống đường dây, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Tuy Hòa Hoàng Văn Đức cho biết, hiện Truyền tải điện Tuy Hòa quản lý 3 tuyến đường dây 220kV là Quy Nhơn - Tuy Hòa, Tuy Hòa - Nha Trang và Hạ Sông Ba – Tuy Hòa, với hơn 180 km đường dây và 440 vị trí móng cột. Nếu như trước đây, công nhân vận hành đường dây phải dùng các thiết bị thô sơ như dao, rựa để chặt cây, phát quang hành lang tuyến thì nay đã được đầu tư các loại máy cắt cỏ, máy cưa tay góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong quản lý, vận hành. "Việc đưa máy móc công nghệ vào công tác quản lý vận hành đã đưa lại hiệu quả lớn, rút ngắn thời gian. Ví dụ như việc phát quang hành lang, trước chúng tôi phải mất 2 ngày thì nay chỉ đến 1 ngày là xong, cùng khối lượng công việc"- anh Đức cho biết.
Thực tế trên tuyến đường dây 220kV Tuy Hòa - Nha Trang, công nhân vận hành đường dây (thợ nghề bậc 4/7) Đặng Tất Hân cho biết, vận hành trên tuyến đường dây đi qua khu vực Đèo Cả phải đi lại rất khó khăn. Để lên được một vị trí móng cột trên đỉnh Đèo Cả thậm chí kíp thợ phải mất cả ngày đi bộ, nhờ được đầu tư máy móc đã giúp giảm thời gian, sức lực cho công việc vốn đã rất nặng nhọc và vất vả.
"Mỗi lần chúng tôi tổ chức đi phát quang khoảng 3-4 người. Cưa máy hỗ trợ rất nhiều cho công nhân, cây lớn nhỏ đều cưa được hết, rất đa năng, hỗ trợ sức khỏe cho anh em, nhanh và an toàn"- anh Hân cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Tuy Hòa Hoàng Văn Đức cho biết, các loại cưa máy hiện nay đang sử dụng vẫn còn khá nặng, khoảng 9kg/chiếc. Cùng với nhiều trang thiết bị khác cho một ngày làm việc trên tuyến, cả yến nặng trên vai mỗi công nhân truyền tải điện. Dù vậy, họ vẫn luôn cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được làm công việc bảo vệ dòng điện luôn an toàn, thông suốt. Đội trưởng Hoàng Văn Đức mong muốn, trong kế hoạch đầu tư công nghệ, thiết bị mới thời gian tới, đơn vị sẽ trang bị các loại máy cưa, máy cắt có trọng lượng nhỏ hơn, gọn nhẹ hơn (khoảng 4-5kg) hiện đã có bán trên thị trường, giúp công nhân dễ dàng thao tác và đỡ phải mang vác nặng trên các cung đường phải trèo đèo, lội suối - một địa hình đặc thù của tỉnh Phú Yên.