Ông Phạm Lê Phú- Giám đốc PTC1.
Từ năm 2013, lần đầu tiên cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty truyền tải điện 1 đã nghiên cứu lắp đặt thành công bộ tụ bù dọc nâng dung lượng đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh (từ 1000A lên 1.500A), tiến tới từng bước làm chủ công nghệ thiết bị hiện đại trên lưới điện cao áp 500kV, làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng do không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Ông Phạm Lê Phú - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 cho biết, công ty đang triển khai thực hiện nhiều dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm phát hiện sớm nguy cơ sự cố, giảm thiểu sự cố đường dây, tăng năng lực truyền tải và giúp giảm chi phí trong quản lý, vận hành.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như nghiên cứu làm chủ công nghệ trong công tác quản lý, vận hành lưới điện thời gian qua từ thực tế của PTC1 ?
Ông Phạm Lê Phú: Trong những năm qua, cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ trong sản xuất, ngành điện cũng đã có ứng dụng rất nhiều những công nghệ mới, hiện đại trong quản lý vận hành lưới điện. Đặc biệt lĩnh vực truyền tải điện được đánh giá là một ngành có công nghệ cao và tương đối phức tạp nên việc ứng dụng, nghiên cứu làm chủ công nghệ luôn được ưu tiên hàng đầu. Công ty đã có nhiều đề xuất ứng dụng KHCN mới vào đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, mang lại hiệu quả cao, phát hiện sớm nguy cơ sự cố, tăng năng lực truyền tải, giảm chi phí trong quản lý vận hành. Nhiều đề tài ứng dụng công nghệ mới như ứng dụng dây siêu nhiệt để nâng cao khả năng tải của dây dẫn. Ứng dụng công nghệ chống sét van cho các ĐZ nhằm giảm sự cố do sét đánh. Trang bị thiết bị định vị sự cố cho các ĐZ 500kV, 220kV giúp giảm thời gian tìm kiếm, khắc phục sự cố; Vệ sinh cách điện đang mang điện bằng nước áp lực cao; Nghiên cứu các giải pháp giảm sự cố do sét trên đường dây truyền tải điện 220 kV Thanh Thủy - Hà Giang - Thủy điện Tuyên Quang - Yên Bái - Thái Nguyên; Lắp thiết bị giám sát dầu online cho máy biến áp (MBA) và kháng điện 500kV. Trong đầu tư xây dựng, đã chủ động nghiên cứu, từng bước làm chủ được cài đặt cấu hình hệ thống điều khiển bảo vệ giàn tụ bù 500kV/1500A của Siemens, ABB; thử nghiệm trung tâm điều khiển xa TBA không người trực.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã lại mang hiệu quả cao trong quản lý vận hành như: Phát hiện sớm nguy cơ sự cố, giảm thiểu sự cố, tăng năng lực truyền tải, giảm chi phí trong quản lý vận hành, tăng năng suất lao động. Tại những nơi mà lắp đặt thiết bị định vị sự cố cho thấy hiệu quả rất cao: trước đây nếu như có sự cố, anh em quản lý ĐZ có khi phải băng rừng, trèo núi cả ngày mới tìm thấy điểm sự cố, thì nay với thiết bị này đã giúp khoanh vùng sự cố chỉ trong vòng một khoảng cột ĐZ.
Trong năm 2013 đội ngũ kỹ sư của Công ty đã tự chủ động nghiên cứu cài đặt thành công hệ thống điều khiển bảo vệ 3 giàn tụ bù 1500A của ABB và Siemens không chỉ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí thuê chuyên gia mà còn giúp công trình hoàn thành sớm hàng chục ngày, do không phụ thuộc lịch chuyên gia nước ngoài, để kịp thời chống quá tải cho đường dây 500kV Bắc - Nam.
PV: Được biết, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia trong điều kiện đang phải truyền tải cao - nhất là thời điểm cao điểm mùa khô, cuối năm 2016, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã đầu tư hệ thống giám sát dầu online cho các TBA 500kV trên toàn hệ thống điện. Xin ông đánh giá hiệu quả thực tế của việc đầu tư này so với trước?
Ông Phạm Lê Phú: Trước đây để đánh giá chất lượng của các máy biến áp/ kháng điện đang vận hành trên lưới thì định kỳ mỗi năm một lần chúng tôi có các nhóm công tác trực tiếp lấy mẫu dầu cách điện làm thí nghiệm đánh giá chất lượng máy, nhiều khi có máy biến áp dầu bị suy giảm chất lượng đột ngột mà chưa đến thời gian thí nghiệm định kỳ thì người vận hành không thể phát hiện được.
Từ năm 2016 Công ty Truyền tải điện 1 đã hoàn thành trang bị cho tất cả MBA/Kháng điện 500kV thiết bị giám sát dầu online, theo chế độ làm việc của thiết bị này thì 8 tiếng máy sẽ cập nhật thông báo chất lượng dầu trong máy. Tất cả các bộ giám sát dầu online đều được kết nối hệ thống mạng nội bộ, tại trụ sở Công ty cũng có thể xem được kết quả dầu của các máy biến áp ở xa. Như vậy sẽ giúp cho kỹ sư vận hành luôn theo dõi đánh giá được chất lượng của máy đang làm việc như thế nào, chỉ có một cảnh báo nhỏ trong thành phần dầu cách điện là sẽ kịp thời có những biện pháp xử lý, giúp phát hiện ngăn ngừa sớm những sự cố có thể xảy ra cho máy.
Các thiết bị giám sát dầu online đã giúp cho các máy biến áp vận hành tin cậy, ổn định, Công ty cắt giảm được rất nhiều thời gian, chi phí cho việc phải bố trí các nhóm công tác trực tiếp đến lấy mẫu dầu về thí nghiệm phân tích.
PV: Năm 2017, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN được ngành điện áp dụng trong toàn ngành. Vậy, xin ông cho biết kế hoạch cũng như giải pháp cụ thể của PTC1 trong ứng dụng công nghệ cũng như đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng KHCN trong quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện mà đơn vị quản lý?
Ông Phạm Lê Phú: Quán triệt chủ trương của Tập đoàn trong năm 2017 với chủ "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ:, Công ty đang triển khai đồng loạt đã chủ động đưa khoa học công nghệ hiện đại vào quản lý sản xuất.
Ngay từ đầu năm Công ty đã có Quyết định số 0433/QĐ-PTC1 giao kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2017 của EVN “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ”. Theo đó, trong toàn Công ty tích cực sử dụng các phần mềm, công nghệ thông tin trong công việc, mọi CBCNV ở các vị trí làm việc đều nắm bắt cụ thể công việc và yêu cầu của từng công việc đối với từng cá nhân, vị trí làm việc. Việc áp dụng các phần mềm như: duyệt phương án dự toán qua mạng; phần mềm hệ thống hoạch định doanh nghiệp (ERP); phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS); phần mềm kiểm tra online máy MBA; phần mềm quản trị nhân sự (HRMS), Sổ ghi thông số vận hành điện tử… đã góp phần giúp công ty xử lý được vấn đề khó khăn về khoảng cách địa lý, tiết giảm chi phí đi lại và hội họp.
Bên cạnh đó, PTC1 đã sử dụng nhiều công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý, vận hành lưới truyền tải: vệ sinh cách điện sứ online bằng nước áp lực cao; lọc dầu máy biến áp online; kiểm tra giám sát online các máy biến áp; dùng Flycam cho công tác phục vụ kiểm tra đường dây và vận hành hành lang tuyến – công nghệ này đã hỗ trợ rất tốt cho công tác quản lý vận hành sản xuất, cũng có thể ứng dụng để làm chuyển dây mồi phục vụ cho công tác kéo dây hay cho những địa hình, vị trí phức tạp khó khăn như khu vực miền núi để kiểm tra các vị trí cột và đường dây mà những vị trí, địa điểm đó con người không có khả năng tiếp cận. Thử nghiệm sơn phủ cách điện đường dây, trạm biến áp bằng chất PRTV; hay giải pháp thi công sửa chữa, kéo mới dây dẫn vượt qua các đường dây 110kV, trung áp, hạ áp đang vận hành không cắt điện… Với các vị trí thi công có giao chéo với đường dây 35kV, từ cuối năm 2016 đến nay gần như Công ty không cần phải cắt điện trung áp mà đã sử dụng các vật liệu bọc cách điện hay giàn giáo để thi công.
Chúng tôi đã đầu tư cho các nhóm kỹ sư nghiên cứu làm chủ hệ thống điều khiển bảo vệ của Siemens. Đến nay các kỹ sư của truyền tải đã hoàn toàn có thể làm chủ được việc cài đặt, cấu hình hệ thống điều khiển trạm biến áp Siemens. Nếu như trước đây mỗi công trình mở rộng, nâng công suất trạm biến áp sẽ phải mất khoảng 30.000 – 50.000USD để thuê nhà thầu bên ngoài thì hiện nay Công ty đã tự thực hiện được.
Ngoài ra Công ty cũng đang được Tổng công ty giao thực hiện dự án Sửa chữa đường dây và trạm biến áp đang mang điện (Sửa chữa nóng), sử dụng công nghệ và trang thiết bị hiện đại để sửa chữa, bảo dưỡng trên các thiết bị cao áp đang mang điện, hiện dự án đã xong phần lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư và sẽ sớm được phê duyệt trong thời gian tới.
PV: Với rất nhiều những kết quả, hiệu ích đạt được như vậy, PTC1 quan tâm như thế nào đối với việc nghiên cứu làm chủ công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ công nhân viên cũng như đầu tư cho KHCN trong quản lý, vận hành lưới điện ?
Ông Phạm Lê Phú: Chúng tôi rất là quan tâm đến việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học. Hàng quý Công ty đều có họp duyệt sáng kiến của các cá nhân, tập thể trong Công ty. Mỗi sáng kiến được duyệt đều có những mức thưởng để động viên CBCNV.
Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã đi sâu vào cán bộ công nhân viên (CBCNV) toàn Tổng công ty. Hàng năm, Công ty có hơn 100 sáng kiến, giá trị làm lợi ước tính hàng chục tỷ đồng.
Với những kỹ sư được đào tạo chuyên sâu về công nghệ sửa chữa chế tạo MBA, hay các kỹ sư đã làm chủ hệ thống điều khiển máy tính Siemens thì khi đảm nhận làm công trình thì Công ty cũng báo cáo tổng công ty cho hưởng những cơ chế khuyến khích, khen thưởng kịp thời, tiếp tục tạo điều kiện cho được đi học đào tạo ở các trung tâm công nghệ cao trong nước và tại nước ngoài, có những cơ chế bù lương, thưởng thỏa đáng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !