Lễ trao giải VIFOTEC 2016.
Lễ trao giải có sự tham dự của Tiến sỹ Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tiến sĩ Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,…
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã chọn trao giải cho 45 công trình thuộc 6 lĩnh vực: Cơ khí - tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ ứng phó với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Trong đó công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng thiết bị giám sát thông số vận hành lưới điện hạ thế, phục vụ công tác điều hành quản lý, kinh doanh điện năng của ngành điện” do Thạc sĩ Trần Dũng - Giám đốc Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) là đại diện cho các tác giả thực hiện đã vinh dự được nhận giải Khuyến khích VIFOTEC 2016.
Thiết bị giám sát thông số vận hành lưới điện hạ thế được lắp trên lưới điện 3 pha 4 dây, thiết bị có chức năng giám sát lưới điện tại vị trí lắp đặt. Các thông số hoặc hiện tượng bất thường được phát hiện và lưu trữ trong thiết bị giám sát. Bộ thu thập dữ liệu tập trung (DCU) tại trung tâm có thể thu thập toàn bộ số liệu này từ thiết bị giám sát qua sóng RF, từ đó người quản lý và vận hành sẽ có những giải pháp xử lý sự cố kịp thời và hiệu quả.
Thiết bị có một số chức năng chính sau: Giám sát điện áp, dòng điện, tần số, cân bằng pha và gửi cảnh báo khi xuất hiện các sự kiện liên quan về bộ thu thập DCU qua sóng RF tự động hoặc theo yêu cầu, cho phép cấu hình giá trị ngưỡng cho phép và thời gian bắt đầu ghi nhận sự kiện tùy vào đặc điểm lưới điện của từng khu vực; Trong trường hợp mất từng pha hoặc mất trung tính, thiết bị vẫn hoạt động bình thường; Lưu lịch sử xuất hiện của tất cả sự kiện trong 1 năm (trung bình 370 sự kiện/1 ngày).
Thiết bị được sản xuất tại CPCEMEC, quá trình sản xuất lần lượt trải qua nhiều công đoạn lắp ráp, thí nghiệm, hiệu chỉnh và vận hành thử trước khi ra thành phẩm. Trong đó công đoạn thử nghiệm môi trường và nhiệt đới hóa giúp thiết bị chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt, bất thường về cường độ dòng điện, nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khác của môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tại Việt Nam. Đây cũng chính là điểm mạnh của thiết bị điện tử được sản xuất bởi CPCEMEC so với các sản phẩm nhập khẩu hay liên doanh khác. Quá trình sản xuất và đưa thiết bị ra thị trường cũng luôn đặt dưới sư giám sát và tư vấn thường xuyên của các cơ quản lý Nhà nước về đo lường chất lượng thành phố Đà Nẵng.
Thiết bị sau khi đưa vào sử dụng đã chứng minh được tính chính xác và độ ổn định trong môi trường lưới điện hạ thế, sự phù hợp của thiết bị trên diện rộng tại Việt Nam, thiết bị đã thể hiện tiện ích và ưu điểm vượt trội, cho phép giám sát theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng, hỗ trợ công tác giám sát tổn thất, là đầu vào quan trọng cho công tác điều độ và dự báo phụ tải. Nhờ đó, ngành điện có thể nâng cao năng lực giám sát, quản lý sử dụng điện, góp phần nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Việc sáng tạo ra thiết bị đã tạo ra sản phẩm điện tử thông minh, giải pháp kỹ thuật đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và ngoài nước, phù hợp với chủ trương chính sách nhà nước về phát triển công nghiệp chất lượng cao. Đồng thời góp phần tăng tỉ lệ nội địa hoá các sản phẩm công nghệ cao, tiết kiệm được lượng lớn ngoại tệ nhập khẩu cho đất nước, nâng cao trình độ cán bộ, kỹ sư trong việc tiếp cận, sử dụng các công nghệ hiện đại; Tạo được tiếng nói riêng, uy tín đối với các nước trong khu vực về khả năng tự nghiên cứu thiết kế chế tạo các giải pháp, sản phẩm điện tử công nghệ cao; Khẳng định năng lực cạnh tranh của ngành Điện lực nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo niềm tin cho doanh nghiệp ngoài nước khi mong muốn hợp tác và đầu tư tại Việt Nam.