Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020. Phóng viên phỏng vấn ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) xung quanh những nỗ lực hỗ trợ cho chủ đầu tư hòa lưới cũng như mua bán điện mặt trời.
PV: Trước hết, xin ông cho biết giá mua điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà được quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam?
Ông Bùi Trung Kiên: Các dự án điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, Chính phủ quyết định giá mua Điện mặt trời mái nhà là 1.943 VNĐ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tương đương với 8,38 UScents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố vào ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho các năm tiếp theo.
Giá mua điện này được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống và có thời điểm vào vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện.
Với thời gian xây dựng nhanh (dưới 2-3 tháng), công trình được đưa vào sử dụng ngay sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư và rút ngắn thời gian hoàn vốn của các công trình Điện mặt trời mái nhà. Với giá bán điện là 8,38 UScents/kWh, thời gian hoàn vốn trung bình của 1 dự án Điện mặt trời mái nhà vào khoảng 5-6 năm. Bên cạnh đó, việc lắp đặt Điện mặt trời mái nhà sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả, do việc giảm bớt sử dụng từ nguồn điện lưới, đồng thời lắp đặt các tấm pin mặt trời còn giúp làm mát tòa nhà, giảm công suất sử dụng máy lạnh. Về lâu dài, chủ đầu tư có thể có thêm nguồn thu bổ sung từ tiền bán sản lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới điện.
PV: Ông có thể nói rõ về thẩm quyền ký kết hợp đồng mua bán điện và trả tiền mua điện điện mặt trời mái nhà?
Ông Bùi Trung Kiên: Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho các Công ty Điện lực ký kết hợp đồng mua bán điện Điện mặt trời mái nhà với các chủ đầu tư. Các Công ty Điện lực theo dõi, kiểm soát chỉ số và thanh toán tiền mua điện cho các chủ đầu tư lắp đặt Điện mặt trời mái nhà.
Các Công ty Điện lực cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ công suất lắp đặt của các dự án Điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện nhằm đảm bảo tránh tình trạng gây quá tải đường dây, máy biến áp phân phối theo nguyên tắc: Tổng công suất lắp đặt của các dự án Điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện trung, hạ áp phải đảm bảo không được vượt quá công suất định mức của đường dây, máy biến áp phân phối trung, hạ áp.
PV: Thủ tục gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án và công tác lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều cho dự án điện mặt trời trên mái nhà triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Trung Kiên: Trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, cụ thể như sau:
Sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua đầu số 1900545454 để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.
Đối với chủ đầu tư đã có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án: đơn vị thay thế công tơ đo đếm một chiều hiện hữu bằng công tơ đo đếm hai chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án với chủ đầu tư. Trường hợp phải chuyển đổi điểm đấu nối với lưới điện hạ áp từ 1 pha sang 3 pha để đấu nối dự án điện mặt trời trên mái nhà, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn sau công tơ, ngành điện chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn từ công tơ đến điểm đấu nối và công suất của công tơ.
Đối với chủ đầu tư chưa có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án: đơn vị lắp đặt công tơ đo đếm 02 chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án của chủ đầu tư đồng thời với hợp đồng bán điện cho chủ đầu tư sử dụng tại địa điểm lắp đặt dự án.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại TP.HCM?
Ông Bùi Trung Kiên: Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nằm trong dải phân bổ ánh sáng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới nên cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao. Theo số liệu từ Chương trình Năng lượng xanh TPHCM thỉ TP có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Vào mùa khô, số giờ nắng lên tới 300 giờ. Đối với mùa mưa, số giờ nắng khoảng 150 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TPHCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.
TPHCM là một trong những trung tâm đô thị phát triển với mật độ dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu tiêu thụ điện của các nhóm hộ gia đình, thương mại và công nghiệp cao hơn so với các thành phố khác của Việt Nam. Định hướng tăng tỷ trọng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sử dụng điện cho phát triển được thành phố triển khai từ lâu và đã đạt được một số thành quả nhất định, đến nay tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của Thành phố, hầu hết là điện mặt trời trên mái nhà được phát triển mạnh mẽ trong năm 2019 vừa qua.
Trong giai đoạn phát triển sắp tới, để đáp ứng được đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TPHCM, tỷ trọng này tiếp tục được nâng cao do tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TPHCM rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà. Thực tế lũy kế từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện 6.407 công trình ĐMTMN với công suất là 81,97 MWp.
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, đã có 856 công trình với công suất là 16,24 MWp. Tổng sản lượng điện mặt trời trên mái nhà phát ngược lên lưới điện trong 3 tháng đầu của năm 2020 là 9,11 triệu kWh, ngành điện đã thanh toán tiền mua điện mặt trời trên mái nhà là 5,67 tỷ đồng. Nếu có các cơ chế chính sách phù hợp thì điện mặt trời trên mái nhà sẽ có khả năng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.
PV: Với tiềm năng như vậy, EVNHCMC đã có những động thái gì để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà?
Ông Bùi Trung Kiên: Để tiếp tục vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời trên mái nhà, EVNHCMC sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hòa lưới và mua bán điện mặt trời.
EVNHCMC cũng có liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhà đầu tư điện mặt trời, các ngân hàng để phối hợp đề xuất cơ chế, chương trình (giảm giá, nâng thời gian bảo hành, chính sách ưu đãi về lãi suất, đầu tư trước trả tiền sau, …) để khuyến khích khách hàng trên địa bàn TP.HCM tham gia thực hiện. EVNHCMC cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng được tốt nhất.
Để phát triển chương trình Năng lượng mặt trời áp mái năm 2020, EVNHCMC đã thông qua Sở Công thương kiến nghị với UBND TP có các cơ chế phát triển như sau: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng điện mặt trời trên mái nhà; Cơ chế khuyến khích cho phép các đơn vị hành chính sự nghiệp: cơ quan, trường học, bệnh viện và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TPHCM tự đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để sử dụng và bán lại phần còn dư cho ngành điện; Đưa việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà thành yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn xây dựng các tòa nhà có mái lớn (các chung cư, trụ sở, trung tâm thương mại, khách sạn, ...); Làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để đề xuất các khoản hỗ trợ, viện trợ không hoàn lại cho các chương trình hỗ trợ kinh phí lắp đặt điện mặt trời; Làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để triển khai các chương trình ưu đãi dành cho CB-CNVC các cơ quan và công ty nhà nước; Tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng điện mặt trời nổi trên địa bàn. Đồng thời, EVNHCMC phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tiếp tục kiến nghị, đề xuất các Bộ Ngành liên quan có hướng dẫn đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai điện mặt trời trên mái nhà.