Công trình Thủy điện Thác Bà với nguồn vốn giúp đỡ của Liên Xô.
Bước chuyển mình quan trọng
Cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân và dân miền Nam vào Tết Mậu Thân (1968) đã tác động mạnh mẽ vào chính sách của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Mỹ buộc phải vào cuộc đàm phán ở Paris, đồng thời phải hạn chế, rồi tạm ngưng ném bom miền Bắc. Tận dụng cơ hội này, miền Bắc nhanh chóng chuyển sang thờ kỳ khắc phục những hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, chấn chỉnh và cải tiến quản lý, sắp xếp lại tổ chức sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực điện năng.
Quyết định thành lập Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) vào năm 1969 là một bước chuyển quan trọng về cơ chế, phát huy tính năng động và tinh thần trách nhiệm cao của ngành điện trước nhiệm vụ hết sức nặng nề để nhanh chóng phục hồi thiết bị cũng như sản xuất, tạo ra một chất lượng phát triển mới gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả kinh doanh.
Công tác hợp tác quốc tế của EVNNPC bắt đầu hoạt động từ đó với việc tiếp tục xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà bằng nguồn vốn giúp đỡ của Liên Xô. Ngay sau khi được thành lập, Công ty Điện lực tiếp nhận và nhanh chóng triển khai và ngày 22-2-1970 ngăn sông và lần lượt đưa vào vận hành các tổ máy 1 (5-10-1971), tổ máy 2 (10-3-1972) và tổ máy 3 (19-5-1972). Công trình Thủy điện Thác Bà đã trở thành một trường học đào tạo thế hệ những cán bộ chuyên môn và tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu cho ngành điện Việt Nam phát triển những giai đoạn sau này, đặc biệt là hoạt động hợp tác quốc tế còn rất mới mẻ đối với Việt Nam lúc bây giờ.
Sau công trình Thủy điện Thác Bà, Công ty Điện lực khởi công công trình Nhiệt điện Ninh Bình (100MW) do Trung Quốc viện trợ (24-6-1971) và công trình Thủy điện Hòa Bình (1.920MW) bằng nguồn vốn vay của Liên Xô (6-11-1979).
Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) ra đời. Một số đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 1, như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Sở Điện lực Hà Nội, Sở Truyền tải điện, Trung tâm Máy tính, Trung tâm Thông tin, Ban Quản lý Dự án lưới điện miền Bắc đã được tách ra khỏi Công ty Điện lực 1 về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Các sở điện lực tỉnh, thành phố được đổi tên thành điện lực tỉnh. Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành vài trò sứ mệnh lịch sử của mình đó là về cơ bản đã xây dựng và hoàn thiện khép kín hệ thống điện miền Bắc Việt Nam, bàn giao nhiệm vụ phát điện và truyền tải cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam để chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu về kinh doanh điện năng và phát triển lưới điện miền Bắc. Đây cũng là thời điểm Việt Nam có những chuyển biến cơ bản về quan hệ quốc tế: Mỹ bỏ cấm vận kinh tế. Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… bắt đầu nối lại quan hệ và cho Việt Nam vay các khoản vốn vay phát triển chính thức.
Vào thời điểm này, Công ty Điện lực 1 bắt tay vào triển khai Dự án “Cải tạo lưới điện 3 thành phố: Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định” bằng nguồn vốn vay nước ngoài từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Theo đó, dùng vốn vay nước ngoài (vay của ADB/vay lại của Chính phủ) cho việc mua sắm vật tư thiết bị và dịch vụ tư vấn nước ngoài và dùng vốn đối ứng (gồm vốn vay tín dụng đầu tư Nhà nước và vốn khấu hao cơ bản) cho xây lắp và chi phí khác, nhằm nâng cao khả năng cung cấp điện cho các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng phụ tải.
Kết quả, Dự án Cải tạo lưới điện 3 thành phố Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã nâng cao khả năng cung cấp điện cho các thành phố, đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng phụ tải, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh điện, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; góp phần tích cực đến phát triển văn hóa, kinh tế xã hội cho thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định và phát triển kinh tế trọng điểm của 3 thành phố này.
Cùng nguồn vay ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 1993-2017, EVNNPC đã triển khai Dự án Cải tạo lưới điện phân phối thành phố Thái Nguyên (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn của Thụy Điển với tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2002. Với việc cải tạo nâng cấp tiết diện dây cho đường dây để tăng năng lực truyền tải, chống quá tải cho dây dẫn khi kết nối mạch vòng đã đem lại hiệu quả giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp. Theo đó, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm nguy cơ gây ra sự cố, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định cho các hộ phụ tải; tăng sản lượng điện thương phẩm, doanh thu, giá bán điện bình quân; đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành và cung cấp điện.
Từ hiệu quả các dự án trên, EVNNPC đã khẳng định với các tổ chức tài chính quốc tế về hiệu quả từ các dự án góp phần tăng trưởng nền kinh tế và giảm nghèo - trong khi dòng vốn này trên thế giới có xu hướng giảm thì đối với Việt Nam và đặc biệt đối với ngành điện lại tiếp tục tăng.
Tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư
2006-2010 là giai đoạn Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên chính thức của WTO, vốn ODA đạt 28,05 tỷ USD vốn cam kết và tỷ lệ giải ngân đạt 44,21%. Cũng vào thời điểm này, EVNNPC được là một thành phần của Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam vay vốn World Bank (WB) theo Hiệp định tín dụng số 3358-VN ký ngày 1-9-2000 giữa Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) và Bộ Tài chính (thay mặt Chính phủ Việt Nam).
Mặc dù là một nước nông nghiệp với trên 80% số dân sống trong trong khu vực nông thôn miền núi, nhưng do những hạn chế về nguồn và lưới điện, những hạn chế về khả năng kinh tế, các điều kiện về địa hình và giao thông nên đến hiện nay tình hình điện khí hoá nông thôn còn đạt được ở mức thấp.
Riêng khu vực phía Bắc Việt Nam với 27 tỉnh, 5.418 xã thì mới có 3.733 xã được cấp điện lưới (chiếm tỷ lệ 69%) và mới có 4.122.439/5.535.918 hộ được cấp (chiếm tỷ lệ 74%) đó là tỷ lệ còn thấp nhiều so với yêu cầu chung của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Mặc dù tình hình điện khí hoá của khu vực còn thấp nhưng ở nhiều tỉnh đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc thì tỷ lệ được cấp điện lưới còn ở mức quá thấp, đặc biệt là các tỉnh: Bắc Kạn: 12/108 xã (chiếm 11%); Lai Châu: 17/142 xã (chiếm 12%); Lào Cai: 26/160 xã (chiếm 16%); Cao Bằng: 38/177 xã (chiếm 21%); Hà Giang: 36/175 xã (chiếm 21%).
EVNNPC thắp sáng vùng cao.
Hầu hết lưới điện nông thôn được đầu tư bằng các nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (tỉnh, huyện), nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp, nguồn vốn huy động trong nhân dân. Do vậy, điều kiện kỹ thuật và vận hành an toàn lưới điện ở nông thôn rất kém do dây dẫn nhỏ, chất lượng thấp, đứt nối nhiều, chất lượng cột kém, có cả cột gỗ, tre… dẫn đến chất lượng điện năng và độ tin cậy đạt được rất kém, tổn thất điện áp lớn (có khu vực 40%), sự cố lưới điện nhiều (trung bình: 120lần/năm/xã; cao nhất: 280lần/năm/xã), không đáp ứng nhu cầu phụ tải hiện tại và tương lai. Đặc biệt, giá điện nông thôn rất cao. Trong tổng số 3.733 xã có điện trong khu vực miền Bắc thì có 1.879 xã (chiếm 50,3%) giá điện < 700đồng/kWh; 1.357 xã (chiếm 36,4%) giá điện > 700đồng/kWh; 497 xã (chiếm 13,3%) giá điện > 900đồng/kWh.
Dự án được WB tài trợ cho Chính phủ Việt Nam nhằm triển khai xây dựng lưới điện trung và hạ áp cấp điện cho 340 xã trên địa bàn thuộc 13 tỉnh (đợt 1), 142 xã thuộc 14 tỉnh (đợt 2) và 48 xã thuộc 4 tỉnh (đợt 3) ở miền Bắc nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội các vùng nông thôn thuộc các địa phương này. Ngay sau khi dự án đưa vào vận hành, sẽ có 100% số huyện và 80% số xã và tại mỗi xã sẽ có khoảng 80% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Việc thực hiện dự án được tham gia từ nhiều phía: ngành điện (xây dựng lưới điện), địa phương (đền bù giải phóng mặt bằng) và nhân dân (đấu nối vào nhà dân sau công tơ).
Tại thời điểm bắt đầu lập dự án năm 1998, số xã được dự kiến điện khí hóa chỉ là 340 xã (thực tế khi triển khai thực hiện ban đầu là 350 xã). Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý dự án và tổ chức đấu thầu rộng rãi mang tính cạnh tranh cao nên dự án đã tiết kiệm được vốn đầu tư. Số vốn đầu tư dư sau khi thực hiện 340 xã đã được Chính phủ chấp thuận cùng với sự đồng ý của Ngân hàng cho phép đầu tư tiếp tục bổ sung Dự án. Qua 2 lần gia hạn Hiệp định tín dụng để tận dụng số vốn vay còn dư, tổng số xã được điện khí hóa, hưởng lợi trực tiếp từ dự án là 530 xã (vượt 190 xã - 56%), đã mở rộng và tăng cường lưới điện nông thôn ở 15 tỉnh phía Bắc. Tăng tỷ lệ điện khí hóa trong khu vực dự án: 11.809.400 hộ có điện đạt 61.9% năm 1998 và 19.448.300 hộ có điện năm 2005 đạt 80%.
Khi bắt đầu dự án, giá bán điện theo quy định của Nhà nước là 500 đ/kWh. Tuy nhiên ở những vùng nông thôn chưa có lưới điện quốc gia người dân đã phải mua điện (từ lưới điện do địa phương đầu tư) với giá bán điện bình quân là 1.500 đ/kWh có chất lượng điện áp rất kém. Còn ở các vùng nông thôn chưa có điện, người dân phải sử dụng các dạng năng lượng khác như dầu hỏa, acquy, máy phát điện loại nhỏ để thắp sáng, tiêu tưới và các họat động kinh tế khác như tiểu thủ công nghiệp... Khi dự án hoàn thành, người dân khu vực nông thôn đã chuyển sang sử dụng lưới điện quốc gia với giá bán điện theo qui định của Nhà nước rẻ hơn rất nhiều với chất lượng điện áp được cải thiện đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện. Chênh lệch về giá mà người dân nông thôn trước đây trả cho các dạng năng lượng đang dùng với giá bán điện thấp hơn từ lưới điện quốc gia đã góp phần nâng cao cải thiện đời sống của (nhờ tiết kiệm được chi phí sử dụng điện).
Do EVNNPC thực hiện đấu thầu thi công xây lắp nên đã giảm được rất nhiều chi phí. Quá trình thực hiện dự án đã tiết kiệm được vốn đầu tư, nên đã tăng được quy mô đầu tư từ 340 xã lên 530 xã góp phần cung cấp điện cho người dân nông thôn ở diện rộng hơn so với dự kiến ban đầu của Dự án.
Dự án thành phần Năng lượng nông thôn Việt Nam khu vực miền Bắc vay vốn WB đã giúp cho người dân ở vùng sâu vùng xa được hưởng lợi từ điện lưới quốc gia với giá mua điện rẻ do mua điện trực tiếp từ ngành điện.
Ngoài ra một hiệu quả xã hội lớn khác mà giá trị của nó khó có thể tính được bằng tiền là nâng cao đời sống văn hóa và nâng cao dân trí cho người dân trong vùng dự án. Các xã nằm trong dự án phần lớn là những xã nằm ở vùng sâu vùng xa trong trong điều kiện hạ tầng cơ sở cần thiết như đường giao thông còn khó khăn và thu nhập kinh tế còn thấp và vì vậy việc giao lưu với bên ngoài còn rất hạn chế. Điều đó làm cản trở việc tiếp thu thông tin và kiến thức từ bên ngoài. Từ việc có điện, người dân trong vùng dự án đã có thể sử dụng các phương tiện thông tin như tivi, radio rộng rãi hơn, do vậy đời sống văn hóa tinh thần đã được cải thiện và người dân đã có thể tiếp thu những kiến thức về sản xuất được truyền tải qua phương tiện thông tin đại chúng.
Từ năm 1995, EVNNPC đã triển khai các dự án bằng nguồn vốn ODA đa phương, song phương. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, các quốc gia, tổ chức song phương khác… đã giúp EVNNPC xây dựng hệ thống lưới điện phân phối trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Nhờ Dự án, kinh tế nông thôn được phát triển, đời sống dân trí người dân được nâng cao, tiết kiệm được chi phí tiêu dùng từ giá điện rẻ góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, thúc đẩy sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp tạo công việc cho người dân góp phần nâng cao mức sống.
Đi đầu về tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi
Vào cuối những năm 1990 và đầu năm 2000, EVNNPC luôn là đơn vị đi đầu trong các đơn vị phân phối về tiếp cận các nguốn vốn vay ưu đãi nước ngoài. EVNNPC tiếp xúc, làm việc và triển khai vay vốn ODA song phương với một số nước như Pháp, Bỉ, Phần Lan và các tổ chức cho vay đa phương như WB, ADB và sau đó, tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức như Jica của Nhật bản, Ngân hàng tái thiết Đức KFW.
EVNNPC đã nỗ lực trong việc thiết lập, duy trì và mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn vay ưu đãi ODA. EVNNPC đã tập trung hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị dự án, phối hợp và trực tiếp làm việc với các tổ chức cho vay ngay từ khi thiết kế dự án, khảo sát dự án, thu thập số liệu và làm việc với các tổ chức cho vay và các bộ ngành của Việt Nam trong công tác thẩm định dự án, thương thảo Hiệp định dự án… EVNNPC luôn được EVN và các tổ chức cho vay đánh giá cao về công tác triển khai, thực hiện dự án ODA, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Khẳng định hiệu quả từ các dự án đầu tư.
Trong các dự án ODA, EVNNPC luôn là đơn vị được phân bổ số tiền vay lớn trong các đơn vị và luôn tận dụng tối đa số vốn được phân bổ, đáp ứng tiến độ của Hiệp định dự án. Từ năm 1993 đến nay, EVNNPC đã triển khai 21 dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhiều nhà tài trợ nước ngoài từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản, Chính phủ Pháp, Chính phủ Bỉ, Chính phủ Phần Lan và Ngân hàng Tái thiết Đức, với tổng mức đầu tư lên đến 1.783 triệu USD, trong đó số vốn nước ngoài là 1.240 triệu USD.
Trong những năm qua, công tác vay vốn ODA của EVNNPC, theo từng năm đã phát triển hơn về số lượng dự án, số vốn vay và nguồn vốn đa dạng hơn. Đơn cử, từ năm 1993 - 2000, chỉ có 5 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn từ WB, ADB, Chính phủ Pháp, Chính phủ Bỉ vào khoảng là 160.41 triệu USD; năm 2001 - 2005 số vốn ODA mà EVNNPC có là 249.25 triệu USD từ nhiều tổ chức cho vay hơn như WB, Phần Lan, Jica; năm 2006 - 2010 tổng số vốn ODA đang được đầu tư vào 7 dự án là 348.18 triệu USD từ các tổ chức cho vay WB, KFW, ADB, Jica; năm 2006 - 2010 tổng số vốn ODA đang được đầu tư vào 7 dự án là 492.36 triệu USD từ các tổ chức cho vay WB, KFW, ADB, Jica….
Nguồn vốn ODA này đã góp phần vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu cải tạo, phát triển và xây mới lưới điện 27 tỉnh phía Bắc. Sử dụng tốt nguồn vốn ODA góp phần không nhỏ vào thành quả chung của chương trình điện khí hóa nông thôn Việt Nam - khu vực miền Bắc. Hiệu quả từ các dự án được các tổ chức cho vay đánh giá cao, có dự án đã trở thành điển hình học tập cho các nước trên thế giới trong quá trình điện khí hóa nông thôn như dự án Năng lượng nông thôn I, Năng lượng nông thôn II.
Việc mua điện của Trung Quốc thực hiện Hiệp định liên chính phủ về mua bán điện khu vực tiểu vùng sông Mêkông mở rộng là một vấn đề phức tạp, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN, EVNNPC đã phối hợp tốt giữa các đơn vị và tổ chức triển khai đã góp phần tăng nguồn điện cung cấp cho một số tỉnh phía Bắc, giải quyết tình trạng thiếu điện thời điểm đó và đảm bảo cân đối cung cầu điện năng của miền Bắc.
EVNNPC đã tổ chức thành công các chuyến đi học tập cho cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc trong các công tác kinh doanh, kỹ thuật, đầu tư xây dựng học tập tại các công ty điện lực ở nước ngoài như các công ty điện lực Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung quốc… Qua đó, các cán bộ quản lý của EVNNPC đã được trao đổi kinh nghiệm, học hỏi được rất nhiều từ công ty điện lực các nước bạn những kiến thức và kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp khoa học, hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thị trường điện, quản trị nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong công tác quản lý kỹ thuật (trạm biến áp không người trực, sửa chữa điện holine, sử dụng công nghệ AMR, hệ thống phân phối điện tự động DAS…),
Những kết quả trên có ý nghĩa sâu sắc, bởi nó đạt được trong bối cảnh khối lượng vốn ODA trên thế giới đang có xu hướng giảm sút, nhưng một số đối tác vẫn gia tăng viện trợ cho Việt Nam như: WB, ADB, Nhật Bản, EU. Điều này khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam và ngành Điện nói chung và EVNNPC nói riêng ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốc độ tăng trưởng phụ tải cao, góp phần thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo... Nguồn vốn của các nhà tài trợ đã dành cho EVN, trong đó có EVNNPC trong gần 26 năm qua không chỉ mang đến cho EVNNPC nguồn vốn bổ sung quan trọng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... mà quan trọng hơn là đã khẳng định sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA của các đơn vị trực tiếp thực hiện như EVNNPC.
Trong thành quả trên của EVNNPC có sự đóng góp không nhỏ của Ban Hợp tác quốc tế với vai trò là bộ phận “ngoại giao”, đồng thời cũng là “cầu nối” cho các nguồn vốn quốc tế. Nhiệm vụ của hợp tác quốc tế đồi hỏi cán bộ phải có tố chất của nhà ngoại giao, tâm huyết với nghề.