Tổng giám đốc EVNNPT – Phạm Lê Phú.
Nhân dịp đầu Xuân năm mới Giáp Thìn 2024, PV có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Phú – Tổng giám đốc EVNNPT.
PV: Một trong những mục tiêu của EVNNPT là đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Vậy trong năm 2023, EVNNPT đã đạt được những kết quả cụ thể gì thưa ông ?
Ông Phạm Lê Phú: Năm 2023, công tác vận hành hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết rất bất thường, ảnh hưởng của El Nino, số lượng sét tăng bất thường so với các năm trước đây, các đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến tình hình vận hành lưới điện rất căng thẳng để đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô. Nhưng với sự chủ động, sáng tạo, EVNNPT đã thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt quản lý kỹ thuật và vận hành nhằm tập trung mọi nỗ lực và phương tiện, thiết lập kỷ cương và nâng cao kỷ luật vận hành. Lập và tổ chức thực hiện bảo dưỡng sửa chữa đúng kế hoạch các công trình lưới truyền tải điện. Đẩy nhanh nghiên cứu triển khai áp dụng quy trình sửa chữa lưới điện theo tình trạng vận hành và bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy ổn định của thiết bị, tăng cường chuyển đổi số… Kết quả sản lượng truyền tải điện của EVNNPT năm 2023 là 222,5 tỷ kWh, đạt 100,3% kế hoạch EVN giao, tăng 5,2% so với năm 2022. Tổn thất điện năng năm 2023 thực hiện đạt 2,4%, giảm 0,14% so với năm 2022.
Công tác an toàn, công tác bảo vệ môi trường đã được EVNNPT thực hiện nghiêm túc theo các quy định pháp luật, chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn. Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đi vào nền nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật phòng cháy chữa cháy. Trong năm không để xảy ra sự cố cháy nổ đối với trụ sở, kho tàng và đối với thiết bị do nguyên nhân chủ quan. Trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, EVNNPT không xảy ra các sự cố lớn do thiên tai, các sự cố do các cơn bão, mưa lũ được khắc phục nhanh chóng, đảm bảo truyền tải cung cấp điện liên tục, ổn định. Công tác an toàn vệ sinh lao động trong quản lý vận hành, sửa chữa, thí nghiệm cũng như trong các dự án ĐTXD được lãnh đạo các cấp quản lý quan tâm chỉ đạo thực hiện đến người lao động. Trong năm không để xảy ra tai nạn lao động chết người.
EVNNPT đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành để đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định.
PV: EVNNPT đang hướng đến trở thành doanh nghiệp số, xin ông cho biết một số kết quả đạt được và những giải pháp cần thúc đẩy triển khai trong năm 2024 để làm tốt công tác quản lý vận hành?
Ông Phạm Lê Phú: Năm 2023, EVNNPT đã nỗ lực, tập trung triển khai và đạt được nhiều thành tựu trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ. Việc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ đã thay đổi căn bản công tác quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện truyền tải của EVNNPT, một số thành tựu nổi bật như:
Đối với công tác số hóa thông tin lưới điện: EVNNPT đã hoàn thành số hóa thông tin lưới điện trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS do EVN xây dựng; hoàn thành số hóa thông tin lưới điện trên nền bản đồ thông tin địa lý GIS và triển khai ứng dụng rộng rãi trong toàn EVNNPT.
Đối với công tác kiểm tra, quản lý vận hành lưới điện: EVNNPT đã hoàn thành và triển khai ứng dụng rộng rãi phần mềm quản lý thí nghiệm, phần mềm kiểm tra đường dây ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm kiểm tra trạm biến áp, thay đổi hoàn toàn từ việc thực hiện thủ công sang sử dụng bằng phần mềm; triển khai ứng dụng rộng rãi UAV trong công tác kiểm tra thiết bị đường dây với 245 thiết bị UAV và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh; lắp đặt và khai thác hệ thống quan trắc cảnh báo sét để phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp giảm sự cố do sét; nghiên cứu thử nghiệm hệ thống giám sát nhiệt độ thiết bị, nhiệt độ mối nối trong TBA…
Đối với công tác sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện: EVNNPT đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng với việc đưa vào sử dụng phần mềm quản lý sửa chữa lớn và triển khai sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng vận hành CBM (tính toán chỉ số sức khỏe thiết bị) đối với hầu hết các thiết bị chính trên lưới điện truyền tải như máy biến áp, máy cắt, biến điện áp, biến dòng điện, dao cách ly, chống sét van, kháng điện và các thiết bị trung áp.
Trong năm 2024, EVNNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng KHCN để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, trong đó tập trung một số nội dung sau:
Hoàn thiện các phần mềm quản lý thí nghiệm, phần mềm kiểm tra quản lý vận hành đường dây, phần mềm kiểm tra trạm biến áp để đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng hiệu quả UAV, trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh quản lý vận hành đường dây; khai thác hiệu quả phần mềm GIS và các phần mềm chuyển đổi số khác.
Hoàn thiện dữ liệu để triển khai sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo tình trạng vận hành CBM. Triển khai ứng dụng hệ thống giám sát thời gian thực nhiệt độ mối nối, nhiệt độ thiết bị tại một số TBA. Tổ chức tích hợp, kết nối đồng bộ các phần mềm để từng bước hoàn thành hệ thống quản lý tài sản của EVNNPT.
EVNNPT đang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) phấn đấu hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Việc đảm bảo điện cho miền Bắc trong mùa nắng nóng tới là một thách thức khi mà năng lực truyền tải điện cung đoạn Trung – Bắc tới hạn. Vậy để đảm bảo truyền tải an toàn cung đoạn này, EVNNPT triển khai giải pháp gì để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định trong năm 2024?
Ông Phạm Lê Phú: Theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, dự kiến mức tăng trưởng phụ tải đỉnh năm 2024 so với năm 2023 tăng từ 8% đến 12%, đối với tăng trưởng phụ tải miền Bắc dự báo cao nhất đến 15% cao nhất cả nước trong khi các nguồn điện không được bổ sung nhiều là một thách thức rất lớn trong công tác đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải, đặc biệt là lưới điện truyền tải Trung – Bắc cấp điện cho miền Bắc trong cao điểm mùa hè năm 2024.
Để đảm bảo năng lực truyền tải cung đoạn Trung – Bắc từ Đà Nẵng-Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan, trong công tác quản lý vận hành, EVNNPT đã triển khai nhiều giải pháp với tiến độ hoàn thành trước 30/4/2024 như: chỉ đạo các đơn vị lập và thực hiện phương án ngăn ngừa, giảm sự cố, cho từng đường dây, từng trạm biến áp; đảm bảo hoàn thành khối lượng thí nghiệm định kỳ thiết bị năm 2024; vệ sinh, bảo dưỡng, xử lý khiếm khuyết thiết bị trạm và đường dây trong các đợt cắt điện nhằm ngăn ngừa phát nhiệt, sự cố; hoàn thành sửa chữa thiết bị theo kế hoạch sửa chữa năm 2023 và đẩy nhanh thực hiện kế hoạch năm 2024; lắp đặt tăng cường lèo để tăng khả năng tải; hoán đổi, đảo chuyển dao cách ly, thay thế bộ phận dẫn dòng, thay thế dao cách ly các trạm biến áp 500kV liên kết Trung – Bắc để đảm bảo vận hành khi truyền tải cao; thiết lập mạch sa thải phụ tải theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia; lắp đặt tụ bù ngang để đảm bảo vận hành điện áp lưới điện miền Bắc; tăng cường kiểm tra thiết bị, tăng cường ứng trực tại trạm biến áp và trên đường dây trong thời điểm truyền tải cao; ngoài ra, EVNNPT cũng đang nghiên cứu áp dụng một số ứng dụng khoa học công nghệ như ứng dụng hệ thống giám sát nhiệt độ để giám sát nhiệt độ mối nối, nhiệt độ các thiết bị tại trạm biến áp; ứng dụng UAV, trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh kiểm tra thiết bị đường dây.
PV: Xin ông cho biết các mục tiêu và một số giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty năm 2024?
Ông Phạm Lê Phú: Năm 2024, dự kiến sản lượng điện truyền tải của EVNNPT khoảng 233,9 tỷ kWh, tăng 5,43% so với thực hiện năm 2023. Về đầu tư xây dựng, phấn đấu khởi công 34 dự án, hấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành 63 dự án. Tổng giá trị đầu tư xây dựng ước tính 20.476 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, EVNNPT tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam.
Tiếp tục tập trung mọi nỗ lực, triển khai các biện pháp toàn diện và quyết liệt nhằm ngăn chặn tai nạn lao động, giảm thiểu sự cố, cháy nổ. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải điện: Lưới điện thông minh, vệ sinh hotline, định vị sự cố, giám sát trực tuyến thiết bị chính, flycam và phân tích hình ảnh bằng AI, quản lý thông tin bản đồ GIS, giám sát cảnh báo sét, thiết kế PCCC các TBA 220 - 500 kV,... để nâng cao khả năng truyền tải, độ tin cậy, ổn định hệ thống truyền tải điện và nâng cao NSLĐ. Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng công tác thiết kế và chất lượng thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị và tổ chức nghiệm thu các công trình trạm biến áp và đường dây. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng VTTB đưa lên lưới điện truyền tải.
Trong công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu kế hoạch ĐTXD đã đề ra. Trong đó, đối với các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối: Bám sát các mốc tiến độ của dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn, huy động nguồn lực cao nhất dành cho dự án; thường xuyên bám sát công trường, bám sát các bộ, ban, ngành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương các cấp kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đối với các dự án có kế hoạch khởi công, đóng điện năm 2024, EVNNPT tập trung đảm bảo tiến độ các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc; các dự án giải tỏa công suất các NMNĐ Hải Dương, Nhơn Trạch 3, 4; các dự án phục vụ giải toả công suất NLTT, thuỷ điện Tây Bắc, mua điện Trung Quốc, mua điện Lào, các Ban QLDA cần tập trung cao độ trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đặc biệt chú trọng đến công tác BTGPMB nhằm phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
PV: Xin cảm ơn ông!