Lãnh đạo các tổng công ty thành viên của EVN thực hiện ký kết công tác phối hợp - Ảnh: Thanh Anh
Tại buổi làm việc, EVNSPC đã báo cáo về việc dự báo tốc độ phát triển phụ tải của các khu vực và nhận thấy rằng tốc độ tăng trưởng bình quân từng năm của 21 tỉnh/thành phố miền Nam khoảng 11%/năm là phù hợp với giai đoạn 2019-2023 và bảo đảm đáp ứng mục tiêu, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh/thành phố trong giai đoạn này. Từ năm 2018 đến 2020, giá trị cực đại (Pmax) mỗi năm tăng thêm khoảng từ 1.200-1.500 MW.
Hệ thống điện phía nam được cung cấp từ 12 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy turbine khí, 9 nhà máy nhiệt điện, 3 nhà máy điện gió và một số nhà máy thủy điện nhỏ khu vực miền Đông Nam Bộ với tổng công suất khả dụng là 12.099 MW và từ hệ thống lưới truyền tải 500 kV khả dụng 4.300 MW trong điều kiện lưới ổn định.
Tuy nhiên, trên thực tế, công suất phát của các nhà máy phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu đầu vào như: Lượng nước, than, khí, dầu... và công suất phát 2nguồn điện mặt trời và điện gió phụ thuộc thời tiết và thời điểm trong ngày (sáng, tối) nên có thể tồn tại các thời điểm công suất nguồn bằng 0, bởi vậy, hệ thống điện miền Nam sẽ thiếu nguồn cung cấp và phải nhận điện từ lưới 500 kV và 220 kV liên kết vùng từ miền Trung, dự phòng công suất của miền Nam giảm còn từ 20% tới 10%.
Hiện nay, EVNSPC đang triển khai các lộ ra 110 kV của các trạm 220 kV, 500 kV đồng bộ với tiến độ các trạm biến áp 220 kV, 500 kV do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang đầu tư. Cụ thể, các lộ ra 110 kV TBA 220 kV Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã hoàn tất đóng điện 02 ngăn lộ và đang triển khai tiếp phần còn lại. Chuẩn bị khởi công xây dựng lộ ra 110 kV trạm biến áp 220 kV Tây Ninh, Bến Lức (Long An), Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu), Phan Rí 2 (Bình Thuận) và lộ ra 110 kV trạm 500 kV Chơn Thành (4 mạch) thuộc đường dây 110 kV lộ ra trạm 220 kV Tân Uyên (2 mạch), tỉnh Bình Dương.
Với hiện trạng các nguồn năng lượng mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, nhằm bảo đảm cho việc giải phóng công suất cho các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời tại khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, EVNSPC đề nghị EVNNPT đầu tư các trạm 220 kV gồm: Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; Hòa Thắng, Phan Rí và Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận; Vĩnh Châu (Mỹ Tú), tỉnh Sóc Trăng.
Qua công tác rà soát tình hình chung về quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án, EVNNPT đã có ý kiến về việc điều chỉnh tiến độ một số dự án phù hợp với những khó khăn vướng mắc thực tế các đơn vị đang gặp phải.
Tổng Giám đốc EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng đề nghị: Các đơn vị phối hợp thỏa thuận đấu nối vào các ngăn lộ trong quá trình triển khai đầu tư cải tạo nâng khả năng tải các đường dây. Sớm rà soát quy hoạch và phối hợp cùng các đơn vị thành viên của EVNNPT để ký thỏa thuận đấu nối đối với các dự án chưa ký thỏa thuận giữa hai bên để EVNNPT có căn cứ giao nhiệm vụ các đơn vị triển khai bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Thường xuyên phối hợp cùng EVNNPT triển khai đồng bộ các dự án đã ký thỏa thuận giữa hai bên, phản ánh kịp thời các dự án có nguy cơ chậm tiến độ để có phối hợp xử lý kịp thời.
Cũng tại bưổi làm việc lãnh đạo EVNSPC, EVNHCMC, EVNNPT đã ký thỏa thuận phối hợp triển khai tiến độ đầu tư xây dựng các dự án lưới điện giữa các tổng công ty.
Link gốc