Tin trong nước

EVNSPC phối hợp đồng bộ ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật

Thứ tư, 5/10/2022 | 08:37 GMT+7
Ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cùng các Sở Ban ngành đã làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) về kế hoạch triển khai Dự án ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường Cách mạng tháng Tám theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2026.

 
Tại buổi làm việc, đại diện các Sở Ban ngành tỉnh Tây Ninh đã báo cáo tổng quan chung của dự án, các bước triển khai hồ sơ, thủ tục pháp lý và những hạng mục đồng bộ liên quan từ các đơn vị chủ quản cần phối hợp triển khai cùng dự án. Trong đó, đặt ra yêu cầu hạng mục ngầm hóa hệ thống lưới điện trên tuyến đường nhằm loại bỏ hẳn sự cố lưới do cây cối trồng trong hành lang lưới điện, giúp giảm số lần mất điện khi phải sửa chữa, phát quang hành lang tuyến; không bị ảnh hưởng bởi gió, bão khi vận hành; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng, góp phần tạo mỹ quan đô thị. 
 
Công trình có tổng mức đầu tử khoảng 274 tỷ đồng với khối lượng xây dựng mới: 19,32km cáp ngầm trung áp 3 pha; 46,88km cáp ngầm hạ áp 3 pha; 27 trạm biếp áp với tổng công suất 17.010kVA; 310 tủ phân phối hạ áp, 32 tủ RMU có điều khiển xa SCADA, các thiết bị và cáp quang.
 
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam, ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc đã ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp từ phía UBND tỉnh và chính quyền thành phố Tây Ninh, các huyện/thị xã đối với ngành Điện trong thời gian qua đã góp phần giúp EVNSPC và Công ty Điện lực Tây Ninh thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. 

 
Về chủ trương ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật của tuyến đường Cách mạng tháng Tám, Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, Tổng công ty Điện lực miền Nam rất mong muốn chia sẻ với chủ trương chung của tỉnh, nhưng do tình hình tài chính của ngành Điện hiện đang gặp nhiều khó khăn, nên việc phê duyệt chủ trương đầu tư khi các chỉ tiêu tài chính chưa đảm bảo hiệu quả để huy động nguồn vốn là một trở ngại lớn đối với EVNSPC. 
 
Tuy nhiên, xét về tổng thể mục tiêu và lợi ích chung, EVN SPC cố gắng phối hợp với địa phương để cùng triển khai hạng mục ngầm hóa lưới điện của dự án và đề xuất UBND tỉnh Tây Ninh lập dự án chung cho tất cả các hạng mục ngầm hóa hạ tầng để đủ cơ sơ pháp lý triển khai và thực hiện đầu tư nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo mỹ quan đô thị, không phải đào bới sửa chữa nhiều lần, phù hợp với xu thế chung trong công tác ngầm hóa hiện nay. Đồng thời, EVNSPC cũng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh hỗ trợ ngành Điện tiếp cận nguồn vốn vay tối ưu nhất có thể từ quỹ đầu tư, phát triển của địa phương và được trả dần trong dài hạn. 
 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá cao những nỗ lực của ngành Điện trong việc xây dựng hệ thống lưới điện, đảm bảo nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh nhà. 
 
Đối với dự án ngầm hóa hệ thống lưới điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với phương thức ngành Điện đề ra và yêu cầu các Sở Ban ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Điện, các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để sớm trình HĐND thông qua, chậm nhất vào kỳ họp tháng 12/2022. Sau đó, tiếp tục theo dõi, phối hợp, hỗ trợ, đôn đốc các đơn vị liên qua cùng đồng bộ thực hiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý để muộn nhất quý I/2024 có thể đồng loạt khởi công các hạng mục của dự án.
 
Về việc thu xếp nguồn vốn thực hiện ngầm hóa hệ thống lưới điện, UBND tỉnh giao Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh, phối hợp với các Ban, Ngành liên quan đề ra các phương án, giải pháp nhằm phân khúc bố trí, hỗ trợ ngành Điện vốn vay tối ưu nhất với mức khoảng 55% tổng dự toán, phần còn lại EVNSPC tự thu xếp để có thể triển khai đồng bộ đạt mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.    
Mai Hoa