Đường dây 500kV qua địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Nếu như trước đó, người ta tưởng sẽ không thể làm được một công trình đồ sộ như vậy thì sau khi hoàn thành, trí tuệ khoa học, quyết tâm, nghị lực con người đã chiến thắng.
Kỳ 1: Quyết định lịch sử táo bạo
Cho đến trước khi đường dây 500KV hoàn thành, Việt Nam chưa bao giờ thi công công trình nào có tầm cỡ tương tự. Công nghệ, kỹ thuật lúc đó còn rất sơ khai. Chỉ có nguồn lực con người là mạnh nhất.
Bán điện cho nước ngoài hay làm đường dây truyền tải?
Chúng tôi gặp GS.VS.TSKH Trần Đình Long khi ông đang nghiên cứu góp ý kiến về sơ đồ điện VIII. 83 tuổi, nhưng ông vẫn đầy mẫn tiệp. Ông bảo, cuộc đời mình, ông có 3 việc thấy hài lòng trọn vẹn. Thứ nhất là hơn 50 năm giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư điện, trong số đó có những người sau này giữ đến chức bộ trưởng, thứ trưởng. Hai là được tham gia vào chương trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ để hoàn thành sản phẩm cuối cùng là đường dây 500KV. Ba là được thực hiện biên soạn Luật Điện lực đầu tiên của Việt Nam, sau này trở thành khung pháp lý cho ngành điện. Trong đó, công trình đường dây 500KV để lại trong ông nhiều kỉ niệm.
Ông nhắc về công trình với một niềm tự hào, như tất cả mới chỉ diễn ra ngày hôm qua thôi. Những câu chuyện, những chi tiết cụ thể, ông đều nhớ rõ. Ông hài hước bảo: “Cuộc đời tôi hình như cái gì cũng “dính” đến ngành điện. Ngay cả đến việc lấy vợ cũng là cô học trò ở Khoa Điện”.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1959 ông được chọn sang Nga học chuyển tiếp ngành điện để trở về giảng dạy tại trường. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau tại trường, ông tập trung nghiên cứu chuyên môn sâu và giảng dạy. Từ năm 1995 - 1999 ông còn kiêm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập Đoàn điện lực Việt Nam - EVN).
Dù là kiến trúc sư trưởng của công trình đường dây 500KV nhưng GS.VS.TSKH Trần Đình Long luôn khiêm tốn nói, đây là thành công của những người lao động, có người đã bỏ lại xương máu của mình… chứ không phải thành công của riêng ông. Sự kết hợp hàng loạt yếu tố tạo nên công trình thế kỷ lịch sử đó.
Từ cuối năm 1989, các tổ máy số 2 và 3 của Thủy điện Hòa Bình tham gia vào hòa lưới điện quốc gia, nâng tổng công suất điện miền Bắc lên gần 2.000MW, thừa khả năng cung cấp điện cho miền Bắc. Trong khi đó miền Trung và miền Nam thiếu điện nghiêm trọng. Ngành điện lực đã khảo sát thực tế, nghiên cứu và đề xuất hai phương án: Một là bán điện thừa của miền Bắc cho Trung Quốc, lấy tiền hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình điện ở miền Trung và miền Nam. Hai là xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng dư thừa từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam với cấp điện áp 500kV.
Đầu năm 1992, sau khi trực tiếp và gián tiếp nhận được các thông tin về tình hình thiếu điện trầm trọng ở miền Trung và miền Nam, cùng các văn bản báo cáo và ý kiến tham mưu, đề xuất của Bộ Năng lượng, các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã thận trọng lắng nghe, xem xét kỹ càng từng phương án. Tư tưởng chỉ đạo về phát triển điện lực ở miền Trung và miền Nam đã rõ ràng, nhưng để triển khai vào cuộc sống lại khó khăn. Lúc ấy, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Đỗ Mười và Hội đồng Bộ trưởng đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã ngày đêm trăn trở tìm hướng giải quyết.
Thế giới cũng chưa có nước nào làm được như thế
Trước tình hình thừa – thiếu điện đó, Trung ương đã có ý định triển khai dự án xây dựng ở miền Trung Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ có công suất 75MW, các trang thiết bị xây dựng nhà máy nhập từ Tiệp Khắc về, nhưng sau đó dự án không triển khai được. Việc xây dựng nhà máy thủy điện tại chỗ là rất khó khăn, thiếu các điều kiện cần thiết như việc đảm bảo môi trường, dòng chảy, chất lượng nước. Nếu tiến hành xây dựng cũng phải mất 5-7 năm vì lúc đó công nghệ còn lạc hậu. Nhà máy thủy điện Hòa Bình xây dựng phải 15 năm mới xong. Do đó, giải pháp tốt nhất là chọn phương án 2.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt quyết tâm đưa ra Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến và cho chủ trương tiến hành. Thời điểm đó, vẫn có nhiều người lo lắng, băn khoăn, thậm chí chưa tán thành. Lý do đưa ra cũng rất chính đáng, đó là việc xây dựng đường dây truyền tải điện rất khó khăn, tốn kém, nguy hiểm, nếu không thành sẽ gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Dưới góc độ khoa học, một số nhà khoa học cũng phản đối, trong số đó có không ít nhà khoa học có học hàm, học vị cao, đang sống và làm việc ở nước ngoài và cả người nước ngoài cũng tham gia đóng góp ý kiến. Một giáo sư Việt kiều trường Đại học Grenoble – Pháp, viết thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nêu lên 3 lý do phản đối việc xây dựng đường dây 500KV: Đường dây có chiều dài gồm 1/4 bước sóng dẫn tới cuối đường dây, điện áp không ổn định, không vận hành được. Đường dây triển khai trên một không gian quá dài, đa phần đi trên núi thì khó đảm bảo an toàn. Thời gian thi công dự kiến 2 năm là quá ít, không thể làm được. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào làm được với tốc độ “chóng mặt” như thế. Việc xây dựng đường dây 500KV là không khả thi và không nên làm.
Có người lấy dẫn chứng ngay ở Thái Lan, họ xây dựng đường dây 500KV chỉ dài 400km mà phải tốn kinh phí khổng lồ và sử dụng cả trực thăng để kéo dây, gây lãng phí tiền cho đất nước. Ở trong nước, một số nhà khoa học cũng không đồng tình với lý do tương tự, thêm lý do là nguồn lực đất nước hạn hẹp, trong khi cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, trình độ, năng lực thực hiện của cán bộ, công nhân ngành điện lực còn rất hạn chế. Lá thư của vị giáo sư Việt kiều ngay lập tức gây xôn xao dư luận.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long kể lại: Với suy nghĩ không có ai chỉ ra những điểm yếu của mình đầy đủ như những người phản đối mình cả, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã nhận ra đó chính là những cảnh báo mà anh em chưa đặt ra hết. Vì vậy, dù tin anh em, ông vẫn bị ám ảnh bởi ý kiến của vị giáo sư đó. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng triệu tập cán bộ kỹ thuật và yêu cầu “nhiệm vụ của cán bộ khoa học kỹ thuật là chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi về kỹ thuật của công trình, những việc khác đã có Chính phủ lo”.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long đã thức trắng một đêm, xem tài liệu và tính toán. Việc xử lý chênh lệch 1/4 bước sóng bằng 5 trạm bù đã được tính đến. Để đảm bảo cho điện áp ổn định, cần thiết kế các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi điện áp lên cao nó sẽ kéo xuống, ngược lại nơi nào điện áp yếu, trạm bù sẽ bổ sung để điện áp luôn ổn định. Vững lòng, ông báo cáo lại Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: “Anh an tâm, tôi lo nhất là vấn đề an ninh chứ không phải an toàn. Anh đảm bảo vấn đề an ninh, vấn đề kỹ thuật, tôi đảm bảo”. Khi đó, đồng chí Võ Văn Kiệt quyết định và nói: “Cứ làm, nếu thất bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”.
Vậy là về mặt khoa học, khó khăn đã được giải quyết. Tuy nhiên không phải tất cả đã “thuận buồm xuôi gió”, bởi đường dây siêu cao áp phải kéo dài trên nhiều ngọn núi cao của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Trong quá trình thực hiện, sẽ có những “cơn gió chướng” gây khó khăn, cản trở là điều đương nhiên. Làm thế nào để khắc phục những khó khăn ấy?
(Còn tiếp)