Sự kiện

Xứng danh Anh hùng

Chủ nhật, 20/12/2020 | 21:50 GMT+7
Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới là thành tích được ghi nhận Kỷ niệm ngành Điện Việt Nam bước vào mùa Xuân thứ 66 của mình.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Kể từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, ngành Điện Việt Nam đã viết tiếp những trang sử của mình trong một phần tư cuối cùng của thế kỷ XX và hai thập kỷ của thế kỷ XXI với sự nỗ lực to lớn, phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đầy sáng tạo và nhiệt huyết, lập nên những thành tích rất đáng tự hào. 

. Đột phá diệu kỳ
 
Năm 1981, Tổng sơ đồ phát triển điện quốc gia giai đoạn 1 ra đời, trở thành một trong những dấu mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử ngành Điện Việt Nam. Trong quá trình thực hiện Tổng sơ đồ I và các Tổng sơ đồ tiếp theo, ngành Điện đã cắm những mốc rất đáng tự hào trên con đường chinh phục những đỉnh cao phía trước. Mỗi sự kiện có một ý nghĩa và hiệu quả khác nhau, nhưng đều phản chiếu hình ảnh một ngành Điện năng động, phấn chấn trên đà đổi mới – mở cửa – hội nhập và phát triển.
 
Nổi bật nhất trong giai đoạn thực hiện Tổng sơ đồ I là chương trình hợp tác năng lượng Việt – Xô. Chương trình hợp tác năng lượng Việt – Xô không chỉ đơm hoa kết trái trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, mà còn xuất hiện đầy sức sống trong quá trình ngành Điện Việt Nam vừa cố gắng tăng thêm nguồn điện, vừa xây dựng cân đối lưới điện.  
 
Bất chấp thực tế khắc nghiệt của giai đoạn từ lúc Đại hội VI của Đảng đến lúc kết thúc Tổng sơ đồ II (1986 - 1990), ngành Điện đã cùng quân dân cả nước thể hiện bản lĩnh và tinh thần kiên cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lúc đó tình hình quốc tế diễn biến khá phức tạp, nhất là tình hình các nước trong khối SEV, hết sức bất lợi cho Việt Nam khi nguồn viện trợ và kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam với các nước  trong khối SEV giảm. Ngành Điện càng khó khăn hơn khi thiếu phụ tùng thay thế, thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập dầu FO và diezen. Nhưng cũng chính trong thử thách này, nhờ có đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác đa phương hóa, đa dạng hóa, ngành Điện đã nhận rõ thời cơ, nêu cao ý chí tự lực, tự chủ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết VI của Đảng, chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả và phát triển trên cả chiều rộng và chiều sâu, biến sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, các mối quan hệ đa phương, song phương thành thu hút vốn đầu tư bên ngoài, kênh tiếp nhận công nghệ mới, kỹ năng quản lý tiên tiến, thúc đẩy ngành Điện phát triển phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong 10 năm (1981-1990), tốc độ tăng trong công nghiệp là 8,1%/năm, trong đó, điện tăng 6,7%. 
Đường lối đổi mới đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đã thực sự trở thành hiệu lệnh cho quân và dân cả nước tiến lên trong sự nghiệp cải cách – mở cửa và đổi mới, trong đó có ngành Điện Việt Nam.
 

Thủy điện Lai Châu- Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Bước sang  năm thứ 2 của đổi mới – mở cửa, ngày đầu tiên của năm 1988, khởi động Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Trị An. Và 10 tháng sau, ngày 9-11-1988, chạy thử Tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Không bao lâu nữa, Thủy điện Yaly  xuất hiện, tiếp đến là “công trình thế kỷ 500kV” chạy dọc dãy Trường Sơn và con đường Hồ Chí Minh đã làm nên bản trường ca năng lượng Việt Nam.
 
Nguồn điện được cải thiện, ngành Điện tập trung cao độ cho công tác cải tạo, mở rộng lưới điện hạ thế. Trong thời kỳ này, điện lưới quốc gia đã phủ kín hầu hết các xã vùng đồng bằng sông Hồng, vươn tới nhiều huyện vùng cao biên giới Việt Bắc, Tây Bắc, ra đảo Cát Bà bằng đường dây qua eo biển…
 
Mùa Xuân thứ 40 đến với lịch sử ngành Điện Việt Nam (1954-1994) được đánh dấu bằng những sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa và tầm vóc của một thời kỳ mới, với việc các công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Yaly, đường dây 500kV trên đường về đích và Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được thành lập.
 
Đường dây 500kV hoàn thành đi vào vận hành đem lại hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Điện, đó là một trong những bản anh hùng ca đẹp nhất thời đất nước đổi mới – mở cửa – hội nhập và phát triển.
 
Ngày 1-1-1995, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chính thức ra mắt và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng và đầu tư xây dựng các công trình điện trên toàn quốc. Những bước đi ban đầu ngày ấy có rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tập thể CBCNV ngành Điện thực hiện với tâm chí đấy quyết tâm và chắc chắn, tạo điều kiện cho Tổng Công ty bước tiếp những bước thành công. Một loạt văn bản nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất kinh doanh được ra đời. Khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại bằng cách lắng nghe ý kiến quần chúng, kịp thời giải quyết những thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công nhân viên, của khách hàng sử dụng điện.
 
Chia tay thế kỷ XX, Hệ thống điện Việt Nam đã trở thành hệ thống hợp nhất trên toàn quốc, với tổng công suất khả dụng 5.130MW. So với nhịp độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trong giai đoạn 1986-1998 khoảng 6,5%, thì tăng trưởng tiêu thụ điện vượt hơn 1,8 lần. Điện lưới quốc gia đã đưa được đến 100% số tỉnh, 95% số huyện và 76% số xã trong cả nước.
 
Ngày 22-6-2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức được thành lập, trở thành một sự kiện quan trọng không chỉ của ngành Điện mà của quá trình đổi mới không ngừng của nền kinh tế Việt Nam. 
 
. Những bước tiến thần kỳ
 

Bảo dưỡng lưới điện trên đảo Phú Quý. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Giai đoạn 2010-2020, sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của EVN chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào biến động khó dự báo trước như giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Giá bán điện dù được điều chỉnh theo cơ chế thị trường nhưng do Nhà nước quy định và điều tiết theo các mục tiêu kinh tế vĩ mô, khó có thể điều chỉnh kịp thời theo biến động của chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng trưởng cao, tạo ra thách thức lớn đối với đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện. Thu xếp đủ lượng vốn rất lớn để thực hiện khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện mới và hiện đại hóa hệ thống điện hiện có, là nhiệm vụ khó khăn rất lớn đối với EVN. Trong khi đó Chính phủ chủ trương hạn chế bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trong nước siết chặt các quy định về giới hạn cho vay. Vận hành hệ thống điện ngày càng phụ thuộc công nghệ và nguồn cung ứng vật tư thiết bị nhập khẩu để thay thế trong quá trình vận hành, sửa chữa...Các hiện tượng biến đổi môi trường và khí hậu cực đoan đặt ra nhiều thách thức mới đối với EVN. Một mặt phải xây dựng khả năng ứng phó với các hiện tượng môi trường và khí hậu cực đoan để duy trì sản xuất, đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất, truyền tải và phân phối điện tới môi trường sinh thái. Việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp trong bối cảnh quy hoạch của các địa phương còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, cơ chế chính sách trong đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án lưới điện truyền tải.
 
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Điện Việt Nam, tập thể CBCNV EVN nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư nguồn và lưới điện, luôn đi trước một bước đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế đất nước và đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh – quốc phòng biên giới, hải đảo.
 
Những bước tiến thần kỳ của ngành Điện được thể hiện qua sản lượng điện hàng hoá cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, tăng từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên mức 209,77 tỷ kWh năm 2019; tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân hàng năm là 10,86%/năm, tăng gấp hơn 1,71 lần so với tăng trưởng GDP, đảm bảo điện luôn đi trước một bước theo Nghị quyết của Đảng; điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2019 đạt 2.174,2 kWh/người/năm, tăng 2,21 lần so với năm 2010 (982,7kWh/người/năm).
 
Hệ thống điện quốc gia liên tục mở rộng phạm vi, quy mô và năng lực sản xuất đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2010-2019 là 1.033.843 tỷ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn 2000-2009 (257.130 tỷ đồng).
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ năm 2010-2019, EVN đưa vào vận hành 21 dự án nguồn điện với tổng công suất 17.120MW, bằng 48% tổng công suất phát điện được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2010-2019 trên toàn quốc, đưa tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2019 đạt 54.880 MW, trong đó công suất nguồn điện do EVN sở hữu là 29.412 MW (chiếm 53,6% tổng công suất đặt toàn hệ thống). Luôn đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm cấp điện cho khu vực miền Nam, như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhiệt điện Duyên Hải 3. Đặc biệt, EVN đã hoàn thành đưa vào phát điện dự án Thủy điện Sơn La sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, dự án Thủy điện Lai Châu vượt trước 1 năm so với quy hoạch. Với công suất 2.400 MW, thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của EVN cũng như các đơn vị thi công trên công trường.
 
Các dự án thủy điện của EVN còn có vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho nông nghiệp phục vụ đổ ải, gieo cấy lúa vụ Đông Xuân cho đồng bằng và trung du Bắc Bộ, sinh hoạt, phòng chống lũ và đẩy mặn cho hạ du. Hàng năm vào mùa khô, các nhà máy thủy điện đã hy sinh lợi ích của doanh nghiệp chung sức với người nông dân tập trung đổ ải, đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa.
 
Các công trình lưới điện trải dài trên địa bàn cả nước, từ các thành phố đến các vùng sâu, vùng xa. Giai đoạn 2010-2019, EVN hoàn thành đóng điện 1.936 công trình lưới điện từ 110-500 kV với tổng chiều dài đường dây 8.290 km, tổng công suất các trạm biến áp 26.123MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống. Trong đó đã hoàn thành các công trình quan trọng như: Mạch vòng 500kV quan trọng khu vực TP. Hà Nội, TP. HCM và lân cận, các đường dây tăng cường năng lực truyền tải hệ thống như Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông; công trình lưới điện 500kV đấu nối hoặc giải tỏa các nguồn điện quan trọng như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu...; các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Vũng Áng...; các công trình giải tỏa thủy điện khu vực miền Bắc, các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; các công trình lưới điện đảm bảo cấp điện miền Nam, thành phố Hà Nội và các phụ tải lớn. 
 
Hiện, EVN đang tập trung đầu tư các dự án trọng điểm đồng bộ các nguồn điện BOT Nghi Sơn 2, Hải Dương, Vân Phong, Nam Định; phục vụ giải tỏa công suất các thủy điện khu vực miền Bắc, các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; liên kết nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.
 
Hơn 10 năm qua, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại gần 6.000 xã, đến nay, đang quản lý bán điện tại 8.122 xã chiếm tỷ lệ 92% số xã và hơn 93% hộ dân. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của tất cả các xã, EVN tiến hành sửa chữa cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân với chi phí cải tạo tối thiểu bình quân 1,2 - 1,5 tỷ đồng/xã. Tổng chi phí cải tạo tối thiểu lưới điện sau tiếp nhận hơn 8.000 tỷ đồng.  
 
Tổng số vốn đầu tư của EVN cho lưới điện phân phối cung cấp cho khu vực nông thôn trong 10 năm là hơn 89.200 tỉ đồng. Trong đó riêng nguồn vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế khoảng 63.300 tỉ đồng (tương đương 3,0 tỷ USD).
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Đối với khu vực biển đảo, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn phức tạp về khảo sát thiết kế và tổ chức thi công xây lắp trên biển, nhưng được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo. Tính đến năm 2019, EVN đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, gồm: huyện đảo Vân Đồn (năm 1992), Huyện đảo Cát Hải gồm 2 cụm đảo Cát Hải (năm 1991) và Cát Bà (năm 1998), huyện đảo Phú Quý (năm 1998), huyện đảo Lý Sơn (năm 2002), huyện đảo Phú Quốc (năm 2002), huyện đảo Cô Tô (năm 2013), huyện đảo Côn Đảo (năm 2014), huyện đảo Kiên Hải (năm 2014), huyện đảo Bạch Long Vỹ (năm 2016), huyện đảo Trường Sa và huyện đảo Cồn Cỏ (năm 2017). Song song với việc tiếp nhận bán điện, EVN đã thực hiện đầu tư cấp điện bằng điện lưới quốc gia cho các đảo (Cô Tô năm 2013, Phú Quốc năm 2014, Lý Sơn năm 2014, 05 xã đảo huyện Vân Đồn năm 2015, Thạnh An năm 2015, Hòn Tre năm 2015, Cù Lao Chàm năm 2016, Lại Sơn năm 2016, Hòn Nghệ năm 2016, Sơn Hải năm 2017, Tiên Hải năm 2019) và tăng nguồn điện tại chỗ cho các đảo (đảo Bé Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Trường Sa...) với tổng chi phí hơn 7.500 tỷ đồng. 
 
EVN là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa, mẫu hóa trong  quản lý đấu thầu để góp phần giảm chi phí, giảm thời gian triển khai thực hiện. 
 
Giai đoạn 2013-2019, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của công tác dịch vụ khách hàng, chuyển từ cung cấp điện còn mang nặng tư tưởng độc quyền sang dịch vụ điện và chăm sóc khách hàng, tạo bước nhẩy vọt về công tác dịch vụ khách hàng. Ngày 21-12-2018, EVN chính thức công bố cung cấp các “Dịch vụ điện trực tuyến” mức độ 4, đây là mức độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ, tạo được sự thuận lợi, minh bạch và tiện ích đến khách hàng.
 
Từ năm 2013, EVN chính thức thuê Tư vấn độc lập đánh giá sự hài lòng của khách hàng tại tất cả các Công ty Điện lực theo phương pháp được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Việc cải thiện chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ cung cấp được ghi nhận bằng kết quả đánh giá sự hài lòng của khách hàng. Qua kết quả thực hiện đánh giá độc lập của Tư vấn trong vòng 6 năm liên tục cho thấy, mức độ hài lòng của khách hàng bình quân toàn EVN đã tăng 1,66 điểm và tăng dần theo thời gian, năm 2013 điểm bình quân là 6,45 điểm, năm 2014 là 6,9 điểm, năm 2015 là 7,27 điểm, năm 2016 là 7,69 điểm, năm 2017 đạt 7,97 điểm và năm 2018 là 8,11/10 điểm. Với dịch vụ đạt từ 8 điểm trở lên được đánh giá là khách hàng đã hài lòng.  
 
Trong suốt 66 năm xây dựng và trưởng thành, dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách, ngành Điện vẫn luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “tiên phong” mà Đảng và Nhà nước giao phó. Để tiến tới thời điểm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, các thế hệ ngành Điện đã đi qua những chặng đường không ngừng vận động, tự tìm tòi và đổi mới với bản lĩnh của những người thợ điện Việt Nam.
Thanh Mai