Sự kiện

GS.VS.TSKH Trần Đình Long, kiến trúc sư trưởng của đường dây 500kV - Kỳ 3: Băng rừng lội suối, vừa thiết kế vừa thi công

Thứ tư, 28/4/2021 | 21:41 GMT+7
Thiết kế đường dây 500kV, các kỹ sư cán bộ không có trong tay bất cứ một tài liệu tham khảo nào chi tiết, thậm chí chưa được tận mắt nhìn thấy hình thù của đường dây 500kV trên thực tế ra sao.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Hàng nghìn cán bộ băng rừng lội suối, ngày đêm không ngủ để đưa công trình về đích.
 
Ngày băng rừng khảo sát, đêm chong đèn thiết kế
 
GS.VS.TSKH Trần Đình Long thăm các kỹ sư ngành điện.
 
Quyết định lịch sử đã được ban ra, nhưng khó khăn lớn nhất là làm sao có thể hoàn thành thi công trong vòng 2 năm, trong điều kiện địa hình đất nước và công nghệ, cơ giới hóa của chúng ta còn yếu kém. Giờ đây, “điều kiện về thời gian” là nỗi trăn trở lớn của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là những người chịu trách nhiệm chính thi công đường dây. Thấu hiểu được khó khăn và những trăn trở của cán bộ công nhân viên ngành Điện, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (được bầu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992 - 1997)) đã động viên: “Người Việt Nam đánh Mỹ được, xây dựng kinh tế nhanh cũng làm nhanh được, các anh là những người rất giỏi trong nghề điện, tôi tin là các anh sẽ làm được. Tôi sẽ làm chỉ huy, tôi sẽ lo tất cả mọi việc để đường dây được thi công một cách thuận lợi”.
 
Muốn đẩy nhanh tiến độ, một trong những đầu việc quan trọng là phải gấp rút xây dựng phương án thiết kế. Trọng trách ấy được giao cho Công ty khảo sát thiết kế điện 1 chủ trì thiết kế phần sơ đồ điện cho công trình trên cơ sở phối hợp với các đơn vị khác. Quy trình gồm khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật, khảo sát từng vị trí và lập bản vẽ thi công. Trong bản phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, nhà nước đã ấn định thời hạn phải hoàn thành xây dựng công trình là 2 năm. Công ty khảo sát thiết kế điện 1 phải gấp rút chuẩn bị để kịp thời hạn khởi công. Trên 4 cung đoạn, lực lượng khảo sát thiết kế tập trung khảo sát với khối lượng công việc rất lớn: Khoảng 2.000km khảo sát đo vẽ địa hình mặt cắt dọc, 500km lập mắt cắt dọ pha, 200ha phục vụ đo bình độ tỷ lệ 1/200 tại các góc lái, 5.200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở, thí nghiệm khoảng 1.500 mẫu đất đá.
 
Muốn vẽ được bản đồ đường Trường Sơn phải băng rừng, lội suối vì đường dây đi qua rất nhiều khu rừng già, hẻm núi, bùn đất lầy lội. Khi ấy, đội ngũ cán bộ công nhân phải gùi đồ nghề, lương thực thực phẩm, băng đèo xuyên rừng đo đạc. Công việc cứ thế theo đúng lập trình, ngày tiến hành khảo sát ghi lại số liệu địa chất cần thiết về địa chất, thủy văn, cấu tạo địa chất từng khu vực… đêm về thiết kế tại lán trại, dưới ánh sáng của máy phát điện. Muỗi, vắt, côn trùng, bệnh tật đeo đuổi triền miên. Môi trường lao động thiếu thốn, khắc nhiệt, không ít công nhân đã đổ bệnh thậm chí gục ngã trên tuyến đường dây. Công cuộc điện khí hóa đất nước khốc liệt với nguy hiểm rình rập ngày đêm.
 
Trong khi đó, tại Công ty khảo sát thiết kế điện 1 như một nhà máy làm việc ba ca, đèn ở phòng làm việc không khi nào tắt. Điều đáng nói là khi thiết kế thi công đường dây 500kV Bắc – Nam, các cán bộ thiết kế trong tay không có một tài liệu tham khảo chi tiết nào, thậm chí còn chưa được tận mắt nhìn thấy hình thù của đường dây 500kV trên thực tế ra sao.
 
Không đơn vị thi công nước ngoài nào dám cam kết làm
 

 
Cùng với thiết kế thi công chi tiết phần móng và chế tạo cột, vấn đề còn lại là chọn hướng tuyến như thế nào? Đi theo đồng bằng hay đi dọc theo hướng núi? Nếu đi theo đồng bằng thì phương án thi công sẽ dễ dàng hơn do địa hình bằng phẳng, kết cấu đất không khó trong đào móng, dựng cột. Tuy nhiên, cách này thì công tác giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian đối với những cung đoạn đi qua khu dân cư. Nguồn tài chính cho việc đền bù rất tốn kém. Hiểu được điều này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Chúng ta đánh Mỹ nhờ dãy Trường Sơn, nên ta xây dựng đường dây siêu cao áp cũng nhờ vào dãy Trường Sơn làm điểm tựa cho đất nước, do vậy ta cứ đi theo dãy Trường Sơn”.
 
Chọn hướng tuyến đi trên núi là một vấn đề vô cùng gian nan, bởi địa hình núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trong khi trình độ máy móc, thiết bị của ta còn hạn chế. Khó nhất là khu vực miền Trung và một phần miền Nam, có những đèo cao hơn nghìn mét như đèo Hải Vân, đèo Lò Xo. Chỉ nhìn vào hướng tuyến của đường dây đi, không đơn vị thi công nước ngoài nào dám cam kết làm. Các tuyến đường dây phần lớn đi trên đồi núi. Đặc biệt, tuyến đường từ Hải Vân lên hết đèo Lò Xo là tuyến kinh khủng nhất. Toàn bộ khu vực là rừng già với vô vàn cây cổ thụ đường kính hàng mét. Với quyết tâm xong trong 1,5 tháng, Công ty Khảo sát địa chất 1, Bộ Thủy lợi đã huy động đông đảo lực lượng khẩn trương khoan thăm dò, xác định địa chất để thiết kế, chọn tải trọng cột và loại cột.
 
Về vật liệu, với nguyên tắc “chất lượng là hàng đầu”, vật tư thiết bị được chọn mua từ những nước có truyền thống sản xuất, có công nghệ cao nổi tiếng như Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, Anh, Italia, Hàn Quốc, Phần Lan, Nga. Vậy nên máy móc, thiết bị vật tư được sử dụng trong xây dựng đường dây 500kV được đánh giá là tiên tiến hiện đại nhất vào thời điểm đó.
 
Giải pháp kỹ thuật phần xây dựng được quan tâm nhất là hình dáng và kết cấu cột đường dây 500kV. Qua kinh nghiệm tính toán các cột đường dây 220kV, các khoảng vượt lớn, Công ty khảo sát thiết kế điện 1 đã đưa ra nhiều mô hình tính toán để lựa chọn giải pháp tối ưu. Cột đường dây 500kV đã xây dựng về hình dáng không khác những đường dây 500kV trên thế giới, nhưng về kết cấu sản phẩm hoàn toàn do trí tuệ của kỹ sư Việt Nam lập ra. Một sáng tạo lớn trong công trình này là đã đề xuất loại cột néo một thân cho một pha, vừa thuận lợi cho thi công, vừa thuận lợi cho việc lựa chọn các khoảng vượt tùy ý mà không phụ thuộc vào khoảng cách pha. Toàn tuyến có 3.474 cột với khối lượng khoảng 60.000 tấn. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đội ngũ cán bộ khoa học của nước ta đã ứng dụng sản xuất thành công trụ cột dùng công nghệ mạ kẽm. Vì vậy, chúng ta đã tự sản xuất được 40% trụ cột phục vụ cho công trình xây dựng thế kỷ này. Còn lại phải đặt hàng chế tạo tại Ucrana và Hàn Quốc.
 
Về kết cấu móng trên các khu vực đồi núi và cao nguyên không có gì đặc biệt về địa chất, riêng đoạn vào TPHCM, do địa chất quá yếu nên phần lớp được xử lý bằng móng cọc. Tổng khối lượng thép mỏng là 14.473 tấn và tổng khối lượng bê tông móng là 236.400m3. Sau khi thiết kế là xây dựng dự toán toàn bộ công trình để báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ. Tất cả mọi khâu từ khảo sát, thiết kế, thuê tư vấn, mua sắm trang thiết bị… đến những việc nhỏ nhất như thuê chặt cây, gùi đất, đào móng… đều được đưa vào tính toán chi tiết. Tổng dự toán công trình đường dây 500kV vào thời điểm ấy là 5.713 tỷ đồng.
 
Khi công tác “hậu cần” cho việc xây dựng đã cơ bản lên khuôn, ngày 5/4/1992 tại vị trí móng số 54, 852, 2702 và ngày 21/1/1993 tại Trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường dây 500kV với mục tiêu khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải khoảng 2 tỷ kWh/năm đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Với phương châm “vừa thiết kế vừa thi công”, một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra quyết liệt. Công trình được khởi công khi chưa được thiết kế chi tiết đầy đủ. Đội ngũ cán bộ công nhân viên thực hiện Dự án vừa phải nghiên cứu tìm hiểu thiết kế, vừa thi công. Với quyết tâm công trình phải hoàn thành trong 2 năm, trên khắp tuyến đường dây từ Hòa Bình dọc theo miền Trung và miền Nam, đâu đâu cũng là công trường. Cán bộ khảo sát, giám sát, thi công được phân thành hàng trăm tổ, rải đều trên toàn tuyến để kịp thời phát hiện và hiệu chỉnh những điểm chưa hợp lý trong thiết kế.
Theo: KHĐS