Giải pháp đảm bảo điện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, thích ứng an toàn với Covid-19

Thứ ba, 21/12/2021 | 18:00 GMT+7
Điện là nguồn nhiên liệu đầu vào thiết yếu của tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 6 - 6,5% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua (ngày 12/11/2021), việc đảm bảo điện là vô cùng quan trọng.  

Công nhân Công ty Điện lực Vĩnh Phúc kiểm tra thiết bị trạm biến áp 110kV Vĩnh Phúc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
PV: Thưa ông, tại một toạ đàm gần đây về chủ đề “Năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”, ông có chia sẻ EVN đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng điện cho năm 2022 và sẵn sàng đảm bảo điện với kịch bản cao - khi nền kinh tế phục hồi, thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Vậy, xin ông cho biết về các kịch bản này?
 
Ông Võ Quang Lâm: Điện thương phẩm 11 tháng năm 2021 đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực 27 tỉnh miền Bắc vẫn là khu vực tăng trưởng cao là 9,48%, gấp 2,42 lần cả nước (10 tháng tăng 3,85%, trong đó khu vực 21 tỉnh miền Nam 10 tháng tăng 1,21% nhưng 11 tháng tăng trưởng 1,25%). Điều này cũng cho thấy sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của cả nước. Cả năm dự kiến tăng trưởng khoảng 3,8% (năm 2020 tăng trưởng 3,42%).
 
Trên cơ sở thực tế và căn cứ theo dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, Tập đoàn đã cân đối cung cầu năm 2022 với phương án phụ tải tăng trưởng ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc 275,5 tỷ kWh. Ngoài ra, để chuẩn bị tốt nhất cho các tình huống phục hồi kinh tế, EVN cũng tính toán kiểm tra thêm kịch bản cung ứng điện với mức tăng trưởng nhu cầu phụ tải ở mức cao 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc 286,1 tỷ kWh.
 
Qua tính toán cân đối cho thấy, về cơ bản năm 2022 hệ thống điện Quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. 
 
PV: Các giải pháp cụ thể của EVN để đáp ứng nhu cầu điện theo 2 kịch bản trên là gì, thưa ông? 
 
Ông Võ Quang Lâm: Dựa trên các kịch bản cung ứng điện đã đưa ra, chúng tôi tập trung vào 03 nhóm giải pháp chính: vận hành, đảm bảo nguồn cung và tăng cường năng lực truyền tải. Bên cạnh đó, EVN tiếp tục triển khai các chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
 
Trước tiên về nhóm các giải pháp về vận hành, sẽ tập trung tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022. Hiện nay, EVN đã điều hành để tích nước các hồ thuỷ điện miền Bắc tối đa có thể, tuy nhiên do lưu lượng nước về kém nên đến nay một số hồ thuỷ điện vẫn chưa tích đủ nước như: Lai Châu hụt 2,7m, Hòa Bình hụt 3,6m, Thác Bà hụt 2,7m, Bản Vẽ hụt 3,5 m... Trong thời gian còn lại của năm 2021, EVN sẽ tiếp tục giảm khai thác các nhà máy thủy điện trên để cố gắng tích nước lên cao nhất có thể vào cuối năm.
 
Tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy; Đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện. Phối hợp Tập đoàn than khoáng sản (TKV), Tổng công ty Đông Bắc đảm bảo than nội địa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm bảo khí cho các nhà máy phía Nam…
 
Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không thực hiện sửa chữa các nhà máy điện khu vực phía Bắc trong các tháng 5 và tháng 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
 
Huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc nhằm đảm bảo tích nước các hồ thủy điện khu vực miền Bắc lên mực nước cao nhất vào cuối năm và điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện, nhất là các nhà máy thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà.
 
Dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Thực tế trong năm 2021, sau khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương, EVN đã phối hợp với các nhà máy thủy điện nhỏ để ký kết các phụ lục hợp đồng điều chỉnh lại khung giờ cao điểm của các nhà máy này vào các giờ phù hợp với nhu cầu của sử dụng điện, góp phần rất lớn trong việc giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm của miền Bắc.
 
Phối hợp Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương trong việc cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ để nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
 
Hai là, các giải pháp về bổ sung nguồn cung, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc
 
Ba là, các giải pháp về tăng cường năng lực truyền tải, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các đường dây truyền tải, nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc như treo dây mạch 2 ĐD 220 kV Thanh Hoá – Nghi Sơn – Quỳnh Lưu; Tập trung hoàn thành các dự án lưới điện phục vụ giải toả công suất các nhà máy thuỷ điện nhỏ miền Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
 
Ngoài ra, EVN cũng thực hiện các giải pháp khác như: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; Kiên trì chương trình DR, đẩy mạnh thực hiện DR tự nguyện tại khu vực phía Bắc trong các tháng 5,6,7 hàng năm. Các Công ty điện lực khu vực miền Bắc thông báo trước cho các khách hàng lớn về tình trạng có khả năng thiếu công suất đỉnh trong các tháng 5,6,7 để khách hàng biết và chủ động sản xuất.
 
Nước ta có 2.961 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm tiêu thụ khoảng 33% tổng lượng điện toàn quốc, trong đó tại miền Bắc có 978 doanh nghiệp sử dụng khoảng 17% tổng lượng điện toàn quốc.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
PV: Nhìn lại năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, song, tại thời điểm các tháng mùa khô (nhất là các tháng 5, 6, 7 ở miền Bắc) vẫn có nhiều thời điểm công suất tiêu thụ điện toàn quốc liên tục lập các đỉnh mới. Thực tế này cho thấy điều gì thưa ông?
 
Ông Võ Quang Lâm: Trong các tháng 5, 6, 7 vừa qua tại miền Bắc, có những thời điểm nắng nóng cực đoan (nhiệt độ trên 37 độ C), sản xuất tại miền Bắc phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Ví dụ ngay những ngày đầu tháng 6 năm 2021, chúng ta đã phải chứng kiến một đợt nóng kéo dài tới 07 ngày ở miền Bắc, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc cũng đã lập mức đỉnh mới với mức 18.500 MW. Nền nhiệt của khu vực phía Bắc trong từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay luôn duy trì ở mức cao nhiều ngày, điều này đã kéo nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh. Có thể thấy đây gần như là quy luật được lặp lại trong một số năm qua. 
 
PV: Ông đánh giá nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt các tháng cao điểm mùa nắng nóng như thế nào ?
 
Ông Võ Quang Lâm: Theo quy luật thì cứ vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát sẽ tăng, dẫn tới điện năng tiêu thụ sẽ tăng tỷ lệ thuận, đặc biệt vào những thời điểm nắng nóng cực đoan (nhiệt độ trên 40 độ C) thì nhu cầu này lại càng tăng. Nếu tất cả các khách hàng cùng sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ cùng một lúc có thể làm tăng công suất của hệ thống hơn 40 – 50% so với lúc bình thường (khi không nắng nóng). Điều này rất nguy hiểm cho vận hành hệ thống điện, làm quá tải cục bộ ở một số khu vực, trạm biến áp, dẫn tới sự cố mất điện làm gián đoạn thời gian cấp điện cho khách hàng. 
 
Vì vậy, sử dụng điện đúng cách và hiệu quả là hết sức quan trọng, giúp cho hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, giảm gián đoạn cung cấp điện....
 
Điện sinh hoạt đang chiếm khoảng 34%, điện cho công nghiệp- xây dựng khoảng 54%. EVN đã có các công cụ tính toán lượng điện năng tiêu thụ, cung cấp thông tin sử dụng điện của ngày hôm trước, trên hoá đơn tiền điện có biểu đồ so sánh tình hình sử dụng điện của từng hộ gia đình với cùng kỳ, với các hộ trong khu vực…
 
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng cung cấp điện theo khu vực/vùng/miền của EVN ?
 
Ông Võ Quang Lâm: Qua tính toán cấn đối cho thấy, về cơ bản năm 2022 hệ thống điện Quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Tuy nhiên, tại khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan (nền nhiệt độ cao hơn 36 độ C kéo dài trong các tháng 5-6-7 năm 2022). 
 
Với dự báo công suất đỉnh phụ tải miền Bắc năm 2022 có thể đạt từ 23.927 MW - 24.721 MW, tăng thêm 2.076-2.870 MW so với năm 2021. Qua tính toán cân đối cho thấy, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng từ 1.592 - 2.400 MW trong một số giờ cao điểm khi thời tiết cực đoan. EVN sẽ huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc nhằm đảm bảo tích nước các hồ thủy điện khu vực miền Bắc lên mực nước cao nhất vào cuối năm và điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện, nhất là các nhà máy thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà.
 

Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
PV: Hiện nay hệ thống điện của Việt Nam đã có rất nhiều nguồn và lên tới 70.000MW, trong khi công suất điện tiêu thụ trên toàn quốc chưa đến 42.000MW. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng khó khăn trong cung cấp điện mùa nắng nóng? 
 
Ông Võ Quang Lâm: Như chúng ta cũng biết, vào thời điểm nắng nóng cũng trùng với thời điểm cuối mùa khô của miền Bắc. Khi đó, lưu lượng nước về các nhà máy thủy điện rất thấp và mực nước còn tích trữ được trong các hồ thủy điện cũng rất thấp làm cho công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm mạnh.
 
Ngoài ra, đặc điểm của biểu đồ sử dụng điện trong ngày của nước ta cũng biến động rất mạnh giữa các giờ cao điểm và các giờ thấp điểm, nhiều ngày có thể chênh lệch khoảng 20-30%, tức là sự chênh lệch giữa các giờ trong ngày có thể lên đến 8.000 MW đến 12.000MW. 
 
Với đặc điểm đặc thù của hoạt động sản xuất điện khi các nguồn điện chỉ được đáp ứng cân bằng với nhu cầu phụ tải. Việc biểu đồ phụ tải biến động lớn trong ngày đã gây khó khăn rất lớn cho công tác điều hành hệ thống, đặc biệt trong thời điểm cao điểm mùa hè khi xuất hiện nhu cầu rất cao trong khoảng thời gian từ 20h-22h, khi đó không có sự đóng góp của các nguồn điện mặt trời. Hiện nay hệ thống điện có 3 giờ cao điểm: cao điểm sáng 9h-11h, 14h-16h, giờ cao điểm chiều 17h30-19h (và thêm cao điểm tối 20-22h trong những ngày nắng nóng cực đoan).
 
PV: Được biết các hồ thuỷ điện đa mục tiêu ở khu vực miền Bắc do EVN quản lý, vận hành cũng đang chuẩn bị cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2021-2022 tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ. Xin ông cho biết cụ thể về công tác này?
 
Ông Võ Quang Lâm: Một trong những lợi ích rất lớn của các hồ thủy điện đa mục tiêu đó là có thể tích trữ nước trong các tháng mùa lũ để cung cấp lại xuống hạ du trong các tháng mùa khô, là thời điểm bà con nhân dân cần để phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp. 
 
Trong 3 năm gần đây, lượng nước bình quân đã cung cấp cho vụ Đông Xuân của khu vực Đồng bằng Bắc bộ của các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà là khoảng 4,166 tỷ m3. Theo kế hoạch đã thống nhất với Tổng cục Thuỷ lợi, dự báo vụ Đông Xuân năm 2022 sẽ có 3 đợt lấy nước với tổng lượng nước dự kiến là 5,031 tỷ m3. Trong đó đợt 1: từ ngày 04/01 đến ngày 06/01 (3 ngày); đợt 2: từ ngày 15/01 đến ngày 22/01 (8 ngày); đợt 3: từ ngày 13/02 đến ngày 17/02 (5 ngày). Các đợt lấy nước trên sẽ không trùng vào dịp Tết Âm lịch.
 
PV: Nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn rất lớn, tạo ra áp lực rất lớn trong nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước. Cùng với các giải pháp về đảm bảo nguồn cung ứng điện thì sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là vô cùng quan trọng, đặc biệt, phải kể đến vai trò của các hộ tiêu dùng điện lớn (doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm). Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trọng điểm trong việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng nói chung, điện năng nói riêng?
 
Ông Võ Quang Lâm: Theo quyết định 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020 (các doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE hoặc 6 triệu kWh/năm trở nên), thì cả nước hiện nay có 2.961 cơ sở (hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp), với mức tiêu thụ điện bình quân/năm là: 72 tỷ kWh/năm, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc. 
 
Nếu các doanh nghiệp này thực hành sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được 2.700 tỷ đồng (tạm tính với giá điện bình quân 1.864,44 đ/kWh).  
 
Qua số liệu trên, chúng ta có thể thấy vai trò của các doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm rất quan trọng. Các doanh nghiệp này phải thực hiện các quy định bắt buộc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vì vậy các doanh nghiệp này cần phải tiên phong, gương mẫu trong thực thi các quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: thành lập bộ phận quản lý năng lượng; kiểm toán năng lượng định kỳ; xây dựng và thực hiện các mục tiêu, giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm và 05 năm.... để góp phần tích cực trong thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng của Chính phủ và là các tấm gương để các doanh nghiệp khác noi theo. 
   

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
PV: Nhiều năm qua EVN đã đồng hành với doanh nghiệp và người tiêu dùng điện trong các hoạt động tiết kiệm điện. Ông có thể chia sẻ về sự thay đổi của doanh nghiệp từ nhận thức đến thực thi tiết kiệm điện qua hàng năm?
 
Ông Võ Quang Lâm: Các hoạt động truyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội về ý thức sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm là hết sức quan trọng. Đây là một giải pháp tốn ít kinh phí nhưng mang lại hiệu quả cao cho cả doanh nghiệp và xã hội. Nhận thức của người dân, cộng đồng về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đã tăng lên rõ rệt thời gian qua. EVN cũng đã thuê tư vấn độc lập OCD khảo sát năm 2017 – 2019, kết quả cho thấy tỷ lệ bình quân người dân đã thay đổi nhận thức và sử dụng các giải pháp tiết kiệm đạt 75% trở lên.   
 
PV: Có nhiều thời điểm/cao điểm mùa khô, việc tận dụng nguồn điện Diezel của các doanh nghiệp để hỗ trợ cho hệ thống điện có ý nghĩa như thế nào? 
 
Ông Võ Quang Lâm: Theo thống kê của chúng tôi, hiện cả nước có khoảng 7.500MVA công suất lắp đặt của tất cả các máy phát điện Diezel, chiếm hơn 9% tổng công suất lắp đặt toàn bộ hệ thống điện hiện nay. 
 
Có thể nói, nguồn điện dự phòng Diezel ngoài việc đảm bảo cung ứng điện, không bị gián đoạn cho doanh nghiệp thì còn là nguồn điện dự phòng cho doanh nghiệp (trong trường hợp hệ thống điện bị sự cố) khi bị sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. EVN và các đơn vị Điện lực thường xuyên hợp tác với khách hàng để phối hợp vận hành, khai thác các máy phát điện Diezel khi hệ thống yêu cầu.  
 
PV: EVN có kế hoạch gì trong việc triển khai công tác tiết kiệm điện năm 2022, thưa ông? 
 
Ông Võ Quang Lâm: Thứ nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nói riêng theo quy định của Nhà nước. 
 
Thứ hai, triển khai các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) phi thương mại theo Thông tư 23/2017/TT-BCT ngày 16/11/2017 của Bộ Công thương quy định, trình tự thực hiện các chương trình DR. 
 
Thứ ba, thí điểm một số giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: điều khiển công suất/nhiệt độ điều hòa từ xa; dịch vụ tiết kiệm năng lượng..
 
Thứ tư, thúc đẩy phát triển các nguồn điện phân tán, có khả năng phát triển và cung cấp điện cho các phụ tải tại chỗ  như năng lượng gió, mặt trời, biogas, biomass, tích trữ năng lượng, v.v..., góp phần tiết kiệm điện, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. 
 
Thứ năm, đề xuất với các Bộ ngành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.  
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyên Long