Sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp ngoài ngành Điện vào lĩnh vực SXKD điện năng đã kéo theo nhu cầu sử dụng lực lượng lao động có chuyên môn cao ngày càng lớn. Thời gian qua, một phần không nhỏ số lao động từ ngành Điện chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp đó đã gây nên tình trạng chảy máu chất xám trong ngành. Cơ chế, chính sách nào để EVN có thể giữ chân người lao động, bổ sung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới? Đề án Kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2008-2010, dự kiến đến 2015 có thể coi là lời giải cho bài toán này.
Từ thực trạng đội ngũ CBCNV và công tác đào tạo
Tính đến cuối năm 2007, tổng số CBCNV toàn EVN là 86.928 người, trong đó lao động nữ chiếm trên 19%. Trình độ lao động trên đại học chiếm 0,65%; đại học chiếm 23,26%; cao đẳng-trung học chiếm 15,39%; công nhân kỹ thuật chiếm 49,13% và trình độ khác là 10,87%. Tổng số cán bộ chủ chốt, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Chủ tịch HĐQT của EVN đến phòng ban, phân xưởng của đơn vị cấp 3 chiếm 6% tổng số CBCNV toàn EVN. Với tuổi bình quân lao động là 31, đội ngũ lao động của EVN được đánh giá là trẻ, năng động, có sức bật, tiếp thu tốt công nghệ mới, có khả năng về ngoại ngữ. Đội ngũ này ngày càng được kiện toàn về cơ cấu, đảm bảo phẩm chất chính trị, phát huy tốt năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tỷ lệ đại học còn thấp, chưa phù hợp với tổ chức sản xuất, đại đa số cán bộ quản lý có chuyên ngành kỹ thuật chưa được cập nhật thường xuyên kiến thức quản lý kinh tế, doanh nghiệp, quản trị nhân lực và kỹ năng lãnh đạo. Công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ chưa được thực hiện đồng bộ từ Tập đoàn tới các đơn vị.
Đối với hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, EVN đã phê duyệt, định hướng trọng tâm công tác đào tạo để đáp ứng kế hoạch SXKD của EVN và các đơn vị; thống nhất kinh phí đào tạo dao động từ 1,5-5% quỹ lương. Kết quả là số CBCNV tham gia đào tạo ngắn và dài hạn khoảng 50.000 lượt người/năm. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất. Hàng năm, các trường thuộc EVN cung cấp cho ngành Điện và xã hội khoảng 500 người trình độ cao đẳng, 2000 người trình độ trung cấp và 3000 người trình độ công nhân. EVN còn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong và ngoài ngành Điện, các công ty điện lực của Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khu vực… tổ chức nhiều khoá đào tạo về công nghệ mới và điện nguyên tử; thực hiện dự án SEIER với vốn vay 3 triệu USD của WB để đào tạo cán bộ của EVN… Các đơn vị của EVN cũng chủ động xây dựng nhu cầu đào tạo thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với EVN tổ chức các khoá đào tạo đáp ứng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực mới. Các trường thuộc EVN cũng chủ động xây dựng chương trình đào tạo, mở thêm chuyên ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của EVN và xã hội. Hiện các trường đào tạo 6 chuyên ngành đại học, 8 chuyên ngành cao đẳng, 10 chuyên ngành trung học và công nhân.
Đánh giá về các hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực thời gian qua, EVN cho rằng, công tác đào tạo đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, chuyên gia có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao, đáp ứng nhiệm vụ SXKD của Tập đoàn. Hệ thống tổ chức đào tạo đã có sự phối hợp nhịp nhàng từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, công tác này còn một số bất cập như: Chưa phát huy hết mối quan hệ ngang giữa các đơn vị trong EVN để tăng tính thực hành và trao đổi kinh nghiệm; chưa xây dựng được hệ thống đào tạo theo các tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc kỹ thuật ở các lĩnh vực sản xuất chính; đội ngũ làm công tác đào tạo chỉ mới có một số ít được đào tạo về quản trị nguồn nhân lực và cách xây dựng chương trình đào tạo…
Giải pháp nào hữu hiệu hơn?
Theo dự báo, để năng suất lao động của EVN đến 2010 bằng năng suất lao động của Thái Lan năm 2005 (do sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam đến 2010 gần bằng Thái Lan), năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước 20% và theo xu thế giáo dục thời đại tăng dần tỷ lệ đại học, dự kiến nguồn nhân lực đến 2015 của EVN là 100.568 người. Trong đó, sau đạt học là 1,5-2,5%, đại học là 30-35%, cao đẳng và trung học là 22-24%; công nhân kỹ thuật là 35-37%; lao động khác là 2-3%. Do vậy, đối với công tác phát triển nguồn nhân lực, EVN đã khẳng định tôn chỉ là: “Coi đội ngũ CBCNV là nguồn tài sản quý, là xung lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy Tập đoàn phát triển. Vì vậy, Tập đoàn luôn mong đợi sự gắn bó bền chặt của CBCNV, đồng thời lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị khẳng định sẽ tạo mọi cơ hội về vật chất, tinh thần để CBCNV được học tập, phát huy năng lực của mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp cho các mục tiêu phát triển chung của Tập đoàn”. Trên cơ sở đó, EVN đã vạch ra mục tiêu chung cho công tác đào tạo giai đoạn 2008-2015 là: Nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp cho lãnh đạo quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực; tăng cường năng lực, đào tạo các kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCNV và các cán bộ mới tuyển trong các lĩnh vực sản xuất; chuẩn bị nhân lực triển khai thực hiện Quy hoạch điện VI; tiếp tục xây dựng phát triển, tổ chức lại hệ thống trường đào tạo và đội ngũ chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục mở rộng các chương trình đào tạo phát triển nhân lực với nước ngoài.
Để đạt được các mục tiêu trên, EVN đề ra các giải pháp đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm: Đào tạo sau đại học các ngành nghề mũi nhọn, ngành công nghệ cao có tính quyết định đến sản xuất kinh doanh, đi trước đón đầu các chuyên ngành mới, lĩnh vực mới và chú trọng các chương trình đào tạo theo nhu cầu của sản xuất; kết hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Tập đoàn đẩy mạnh các hình thức đào tạo tại chức nâng cao trình độ đại học, cao đẳng cho CBCNV và đào tạo theo địa chỉ; khuyến khích con em trong Tập đoàn theo dạng “cha truyền con nối” bằng nhiều hình thức; các đơn vị tăng cường liên kết với các trường trong Tập đoàn để các chương trình đảm bảo có lý thuyết và thực tế, giảm gánh nặng đầu tư cơ sở vật chất của các trường, tăng tính trao đổi của đội ngũ giáo viên của trường và giáo viên kiêm chức (cán bộ giữ chức danh chuyên môn tham gia giảng dạy tại trường)… Cuối cùng là phân cấp triệt để trong công tác đào tạo. Trong đó, các đơn vị thành viên phải chịu trách nhiệm chính trong công tác đào tạo phát triển nhân lực của đơn vị mình. Tập đoàn xây dựng chíên lược, định hướng đào tạo, tư vấn, giám sát kiểm tra, quản lý, phát triển nhân tài và vạch ra biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo…
Đến năm 2010, phấn đấu số cán bộ có trình độ sau đại học toàn EVN từ 1000-1500 người; hơn 80.000 lượt CBCNV tham gia các khoá đào tạo bồi dưỡng.
Ông Phan Thanh Đức – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Điện lực Tp. Hồ Chí Minh: Cần điều chỉnh, bổ sung cho toàn diện
Tôi thống nhất với chủ trương, định hướng phát triển nguồn nhân lực do EVN đề ra trong Đề án. Tuy nhiên, tôi nhận thấy Đề án đề cập nhiều tới vấn đề đào tạo, trong khi vấn đề này chỉ là một phần trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nhiều vấn đề khác chưa được đề cập một cách tương xứng với tầm quan trọng của nó. Đó là vấn đề chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực, cơ chế tuyển dụng và thu hút nhân tài… Do đó, tôi đề nghị EVN tiếp tục điều chỉnh, bổ sung Đề án theo hướng rộng hơn, toàn diện hơn.
Ông Phạm Hữu Lượng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề điện Sóc Sơn: Nên thêm chỉ số chi phí nhân công theo đường dây khi so sánh với các nước
Sau khi nghiên cứu bản Đề án của EVN, chúng tôi thấy rằng trong phần so sánh về chỉ số năng suất lao động của Việt Nam với các nước, Đề án nên thêm phần tính toán chỉ số chi phí nhân công theo km đường dây. Như vậy việc so sánh sẽ dễ dàng hơn, cũng như để từ đó thấy rõ hơn vấn đề đặt ra trong công tác phát triển nhân lực của EVN thời gian tới cần lưu ý điều gì. Là một thành viên thuộc khối trường của EVN, chúng tôi sẽ thực hiện chủ trương của EVN về tái cơ cấu bằng cách cổ phần hoá thí điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị EVN đầu tư nốt các kế hoạch đã duyệt mà nay vẫn còn dở dang trước khi tiến hành cổ phần hoá. Mặt khác, do Trường chưa đủ khả năng tự triển khai các bước cổ phần hoá nên đề nghị EVN hỗ trợ Trường bằng cách thuê tư vấn trong quá trình chuyển đổi.