Diễn đàn năng lượng

Giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ năm, 3/8/2023 | 15:35 GMT+7
Việc triển khai khai các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, ngày càng trở nên cấp thiết đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.


Ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.

Nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ, sáng 3/8, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn SP Group (Công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore) tổ chức hội thảo “Các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện tại TP. Hồ Chí Minh”.

Ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, tại hội thảo khẳng định: Bên cạnh việc áp dụng đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, liên tục, ổn định, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh còn tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả.

Trong năm 2023, triển khai Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cung ứng, tiết kiệm và an toàn điện TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty đã phối hợp với các Sở, ban ngành, các quận huyện, TP. Thủ Đức. Cũng như các tổ chức đoàn thể tích cực triển khai nhiều chương trình, phong trào, hoạt động tiết kiệm điện nhằm tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng điện tiết kiệm.


Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ Viện Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các sở ban ngành và các hiệp hội điện lực, hiệp hội doanh nghiệp, ban quản lý khu công nghiệp và nhà phát triển bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện cho nền kinh tế cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, trong khi nguồn cung ứng điện đang gặp nhiều thách thức do các yếu tố: Tình trạng thủy văn đảm bảo mức phát điện của các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng vào năng lượng sơ cấp nhập khẩu; nhiệt điện gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư; các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn còn hạn chế về quy mô và còn nhiều rào cản kỹ thuật trong khai thác, sử dụng.

Trong thời gian tới, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, với đặc thù về vị trí địa lý, TP. Hồ Chí Minh không có tiềm năng trữ lượng về than, dầu khí, thủy điện mà chủ yếu nhận các nguồn năng lượng từ các địa phương xung quanh cung cấp cho Thành phố. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu tận dụng tiềm năng sẵn có là nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời mái nhà.

Trên cơ sở đó, TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị và được Quốc hội cho cơ chế đặc thù phát triển điện mặt trời trên mái nhà công sở theo Nghị quyết số 98/2023/QH15. Như vậy, “việc triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới nhằm thực hiện chủ trương sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả đang ngày càng trở nên cấp thiết đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố” - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Tại hội thảo các diễn giả, chuyên gia trong nước đã giới thiệu về Quy hoạch điện VIII, đồng thời thảo luận về các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng điện bền vững tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các cơ quan và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh, từ đó, áp dụng vào thực tế tại trụ sở và văn phòng cơ quan, doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh mong muốn, sau hội thảo này, các Sở ban ngành, chính quyền địa phương các cấp và người dân, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, duy trì thực hiện tiết kiệm điện thường xuyên trong những năm tiếp theo. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện, chính quyền và nhân dân thành phố trong thời gian tới vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược “phát thải ròng bằng 0” (net-zero) cho Việt Nam đến năm 2050.

Link gốc

Theo: Báo Công Thương