Diễn đàn năng lượng

Bạc Liêu phát triển năng lượng tái tạo: Cần tính toán chiến lược và tầm nhìn xa

Thứ ba, 4/7/2023 | 08:54 GMT+7
So với các địa phương khác, Bạc Liêu giàu tiềm năng, thế mạnh cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Phát huy lợi thế này, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết 04 về “xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia”.

Toàn cảnh Dự án Điện gió Kosy Bạc Liêu nhìn từ trên cao.

Điểm sáng thu hút đầu tư năng lượng tái tạo

Với quyết tâm tạo nên những đột phá cho tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi nhanh cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp, thời gian qua, Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách và giải pháp để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và trở thành “điểm sáng” về thu hút, mời gọi đầu tư, nhất là các dự án trong lĩnh vực năng lượng sạch và NLTT.

Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư này, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đến nay, Bạc Liêu có 10/10 dự án điện gió đã được đầu tư, với tổng công suất trên 660MW, tổng vốn đầu tư 32.713 tỷ đồng và Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW có vốn đầu tư 4 tỷ USD (khoảng 93.600 tỷ đồng).

Hiện Bạc Liêu đã có 8 nhà máy điện gió đang vận hành cả trong đất liền lẫn trên biển, với tổng công suất trên 469MW và trở thành tỉnh có dự án NLTT lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng thứ 3 của cả nước. Các dự án NLTT sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, đã góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH của địa phương và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới. Qua đó, tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh năm 2022 trên 100 tỷ đồng và từng bước hướng đến tự trang trải ngân sách, giảm phụ thuộc điều tiết từ ngân sách Trung ương. Đặc biệt, các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã giúp giảm phát thải hơn 3 triệu tấn CO2, góp phần tích cực vào thực hiện tốt chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ và các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2 ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận từ các công trình NLTT là Bạc Liêu đã tạo điều kiện và khuyến khích nhà đầu tư các nhà máy điện gió ven biển kết hợp phát triển du lịch dưới chân điện gió thông qua các loại hình dịch vụ như: tham quan, tắm biển nhân tạo, ẩm thực, du lịch sinh thái... Đây được xác định là mô hình tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù và hóa giải các vấn đề về xã hội, nhất là bài toán việc làm cho cư dân vùng ven biển - do khu vực bãi bồi vốn được xem là sinh kế của nhiều người dân khi phải giao đất cho phát triển các dự án NLTT.

Vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng bằng đường biển phục vụ thi công Dự án Điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1 của Công ty HACOM. Ảnh: L.D

Thiếu về hạ tầng

Bạc Liêu tuy được xếp vào tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL về phát triển NLTT, nhưng thế mạnh này bị hạn chế bởi điểm nghẽn là hệ thống lưới truyền tải điện của tỉnh còn thiếu, yếu và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Đến nay, Bạc Liêu chỉ mới có đường dây 110kV, 220kV và chưa có đường dây 500kV nên không đáp ứng khả năng giải tỏa công suất cho các nhà máy điện gió. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho nhiều dự án NLTT đã cam kết sẽ triển khai giai đoạn 2 trong năm 2023 phải “đóng băng”, vì làm xong thì không có đường dây để giải tỏa công suất. 

Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện các dự án lưới điện truyền tải theo quy hoạch còn rất chậm. Việc bổ sung quy hoạch các dự án NLTT giai đoạn trước gặp nhiều khó khăn, do vướng thủ tục và khả năng truyền tải của lưới điện hạn chế. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, hệ thống đường giao thông chưa đủ điều kiện vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng, nhất là khu vực ven biển. Trong đó, cơ sở hạ tầng logistics còn yếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ngoài ra, năng lực triển khai thực hiện dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành dự án như: Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (công suất 141MW); Nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (Đông Hải 2: 50MW); Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt nên chưa thể triển khai các dự án NLTT mà tỉnh đã đề xuất. Đất dành cho phát triển các dự án NLTT và năng lượng sạch giai đoạn tới của tỉnh Bạc Liêu theo Quyết định 326 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030 thì tỉnh Bạc Liêu có 8.180ha, trong khi nhu cầu sử dụng đất năng lượng của tỉnh thời gian tới cần trên 10.000ha.

Có thể nói, nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn và vướng mắc này là do hệ thống lưới truyền tải điện của tỉnh phải phát triển theo quy hoạch, nhưng trước đây chưa có quy hoạch đường dây 500kV. Trong khi đó, việc đầu tư các công trình lưới điện truyền tải 220kV và 110kV theo quy hoạch còn chậm do thiếu nguồn lực. Cùng với đó, các quy định của pháp luật về nội dung, trình tự bổ sung quy hoạch các dự án điện NLTT phức tạp và làm mất nhiều thời gian trong việc hoàn thành một dự án…

Phát triển du lịch sinh thái gắn với tham quan tại Dự án Điện gió Hòa Bình 1.

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh đang đánh giá lại tính khả thi của Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW. Bởi có một thực tế là nhà đầu tư dự án này đã đưa ra một số điều kiện không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam nên Bộ Công thương và các bộ, ngành Trung ương khác đang xem xét, đề xuất ý kiến xử lý. Trong đó, có bảo lãnh vay vốn ngân hàng để triển khai dự án (vì dự án này vay vốn chiếm hơn 80%). Trong khi đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo là không đưa Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước vào các cam kết, bảo lãnh quốc tế của doanh nghiệp. Đồng thời, không để xảy ra kiện tụng làm ảnh hưởng đến uy tín và môi trường đầu tư trong nước.

Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 3.200MW đã được tính vào tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI. Vì vậy, nếu Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu không triển khai đúng tiến độ thì khả năng Bạc Liêu sẽ khó hoàn thành các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, cơ cấu GRDP và tăng thu ngân sách khi đã đặt ra nhiều kỳ vọng là dự án này khi đưa vào khai thác sẽ giúp Bạc Liêu có thể cân đối 50% nguồn thu và hướng đến tự chủ. Vậy, trong trường hợp Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu không triển khai hoặc triển khai chậm thì dự án nào sẽ bù đắp vào khoản hụt thu này, cũng như, góp phần giúp Bạc Liêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra, điều này cần có sự tính toán chiến lược và tầm nhìn xa hơn.

Trên thực tế, một số tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSCL cùng với phát triển điện gió, điện mặt trời còn phát triển thêm điện khí từ các dự án nhà máy sản xuất hydro xanh. Điển hình như tỉnh Trà Vinh trong tháng 3/2023 đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh do Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen đầu tư. Dự án này có tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng trên diện tích khoảng 21ha và thời gian thi công dự kiến 2 năm. Đây là dự án sản xuất hydro từ điện phân nước biển, điện năng lượng được tạo ra hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước, công nghệ của dự án là điện được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy. Hydro khi tạo ra có thể được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, thích hợp để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng vận chuyển. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, quy mô sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 195.000 tấn oxy y tế/năm và tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động. Hay Nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre có tổng vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng và triển khai trên diện tích hơn 22ha, đi vào vận hành, dự án đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 2.000 tỷ đồng/năm và tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương…

Từ những dự án trên cho thấy, Bạc Liêu cần có ngay các giải pháp cho phát triển NLTT và đẩy mạnh đầu tư phát triển thêm các dự án sản xuất hydro xanh thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng hay trông chờ vào Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu mà tính khả thi lại không cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận: Đẩy mạnh công tác thu hút và mời gọi đầu tư các dự án NLTT

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04, Bạc Liêu đã lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có tích hợp phương án phát triển NLTT, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, lưỡng dụng và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của địa phương và một số ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ quan tâm quy hoạch sử dụng đất bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án NLTT. Tích cực tổ chức triển khai thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đã tổng hợp trình Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư các dự án NLTT và thực hiện tốt chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững. Đồng thời, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện gió đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các dự án nguồn và lưới điện khác theo quy hoạch điện VIII.

Đặc biệt về nguồn và lưới điện, Bạc Liêu sẽ hỗ trợ duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động với tổng công suất 469,2MW. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án điện gió gồm: Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50MW) và Điện gió Bạc Liêu - giai đoạn III (141MW), với tổng công suất hơn 190MW sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai các dự án đã đề nghị Bộ Công thương đưa vào quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt. Hỗ trợ các nhà đầu tư và ngành Điện kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh phát triển các dự án lưới điện truyền tải 500kV, 220kV, 110kV đồng bộ với các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí và điện sinh khối, nhằm đảm bảo giải tỏa hết công suất các nhà máy điện đầu tư trên địa bàn tỉnh gắn với kết nối các tỉnh khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Trước mắt, tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư và ngành Điện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện gió. Cũng như, sớm triển khai các công trình đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV đảm bảo đồng bộ và các dự án nguồn điện khác theo quy hoạch điện VIII được phê duyệt.

Link gốc

Theo: Báo Bạc Liêu