Tin thế giới

Giải pháp trọn gói: Năng lượng - Khí hậu

Thứ năm, 13/8/2009 | 09:58 GMT+7

Muốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, phải có nhiều năng lượng. Hiện nay, phần lớn năng lượng sản xuất ra trên thế giới (trong đó có điện năng) là từ đốt năng lượng hoá thạch, thải ra lượng khí nhà kính khổng lồ dẫn tới thay đổi khí hậu. Hiệp hội Điện châu Âu hoan nghênh giải pháp trọn gói năng lượng-khí hậu do EU đề ra, nhưng cho rằng như vậy vẫn là chưa đủ.

Thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp toàn cầu

Ngành điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm cacbon để giữ cho mức độ ấm lên toàn cầu không vượt quá 2oC, mà nếu vượt quá giới hạn này sẽ dẫn đến những tác động nghiêm trọng đã được dự báo đối với thế giới và xã hội. Một phần quan trọng của giải pháp cho thách thức lớn về năng lượng–khí hậu mà thế giới đang phải đối mặt sẽ là cung cấp điện không cacbon thông qua thị trường năng lượng cạnh tranh được vận hành một cách thích hợp.

Tuy nhiên EU không thể một mình chống lại được thay đổi khí hậu. Hiệp hội Điện châu Âu (Eurelectric) khẩn thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới xây dựng một hiệp định quốc tế tin cậy để kế tục Công ước Kyoto năm 1997. Thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có những giải pháp toàn cầu. Hội nghị lần thứ 14 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về thay đổi khí hậu (14th Conference of the Parties to the UN Climate Change convention - COP14) đã để lại phần lớn công việc nặng nề cho khoá họp tối quan trọng COP15, do vậy còn rất nhiều việc phải làm trước khi các đại biểu quay trở lại họp  bàn ở Copenhagen vào tháng 12 năm 2009.

Gặp nhau ở Atlanta (Mỹ) hồi tháng 10/2008, khoảng 30 tổng giám đốc các công ty điện lực đến từ EU, Mỹ, Canađa, Nhật và Ôxtraylia đã cùng  nhau khẳng định họ tin tưởng “điện có thể là giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu”; “công nghệ mới, với một thời kỳ quá độ thích hợp, có thể bao hàm được mục tiêu ổn định phát thải cacbon từ mọi nguồn gốc”; và “với việc tích cực áp dụng công nghệ, có thể đạt được mức cắt giảm 60-80% vào năm 2050”. Nhận thức rằng phải có phương pháp tiếp cận toàn cầu, các vị tổng giám đốc trên đã thành lập Liên hiệp điện lực quốc tế (International Electricity Partnership) để làm việc với các nhà lập chính sách và các cổ đông trên toàn thế giới thống nhất về một lộ trình được thiết kế nhằm đẩy mạnh việc phát triển và triển khai các công nghệ thương mại có khả năng cắt giảm phát thải cacbon.

EU cần có sự kết hợp rộng rãi các chính sách

Trong phạm vi EU, nhu cầu thay thế các nguồn điện vào năm 2030 mở ra cơ hội có một không hai để mở đường tiến tới một hệ thống điện trung hoà về cacbon.

Dự án “Vai trò của ngành điện” (Role of Electricity) của Eurelectric, hoàn thành năm 2007, cho thấy có thể đương đầu với thách thức năng lượng-khí hậu trên ba lĩnh vực - đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng, duy trì bền vững và thúc đẩy sức cạnh tranh về kinh tế - thông qua một cân bằng năng lượng rộng rãi triển khai mọi phương án công nghệ ít cacbon, kết hợp với sức mạnh tổng hợp ở phía phụ tải. Điều này đỏi hỏi có một khuôn khổ chính sách mạnh và các tín hiệu thị trường rõ rệt, đặc biệt là từ thị trường cacbon.

Các lưới điện truyền tải và phân phối cũng cần được mở rộng. Và trong nhiều trường hợp phải được thiết kế lại để đảm nhận được số lượng lớn các kiểu nguồn điện mới chưa được tính tới khi thiết kế các lưới điện này. Các lưới điện thông minh, tương tác cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất.

Nâng cao hiệu quả năng lượng chung là mục tiêu quan trọng (vậy mà nhiều khi có phần bị bỏ qua) trong việc ứng phó với vấn đề khí hậu. Hiệu quả năng lượng là phương cách hiệu quả về chi phí, trước mắt để giảm thấp cường độ phát thải cacbon (lượng phát thải cacbon ứng với 1 MWh sản xuất ra), với chi phí mà xã hội có thể chấp nhận.

Thay thế các qui trình kém hiệu quả năng lượng hoặc có cường độ phát thải cao hơn bằng điện năng không cacbon, theo nguyên tắc “bớt điện năng khi có thể, thêm điện năng khi cần thiết”, sẽ khuyến khích hiệu quả năng lượng ở phía phụ tải. Chiếu sáng hiệu suất cao hơn, bơm nhiệt chạy điện dùng cho sưởi ấm/làm mát các toà nhà và ôtô chạy bằng điện hoặc ôtô lai (hybrid - kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện) kiểu cắm điện là những ví dụ về sức mạnh tổng hợp này.

Ôtô chạy hoàn toàn bằng điện hoặc ôtô lai kiểu cắm điện không chỉ nâng cao hiệu suất chung mà còn giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ, góp phần cân bằng lưới điện. Nhiều tập đoàn điện lực châu Âu đang tìm cách tích hợp xe chạy điện vào hệ thống lưới điện.

Nâng cao hiệu suất trong các lĩnh vực phụ tải quan trọng này trước hết đòi hỏi phải đào tạo người sử dụng năng lượng, phải có các tiêu chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn về hiệu suất cao hơn và chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Một châu Âu ít cacbon vào năm 2050

Dự án “Vai trò của ngành điện” được triển khai trước khi có một số quyết định chính trị quan trọng được đưa ra. Giờ đây, Eurelectric đã quyết định phải cập nhật nó, có tính đến tầm nhìn xa hơn - sau năm 2030. Báo cáo Stern về tác động của thay đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới (do chính phủ Anh giao cho Huân tước Stern thực hiện) được đưa ra chỉ một thời gian ngắn sau khi báo cáo “Vai trò của ngành điện” được công bố và đã có tầm ảnh hưởng rất lớn. Báo cáo Stern chỉ ra rằng, để cắt giảm 60 - 80% phát thải, yêu cầu tất yếu để ổn định phát thải CO2 trong khí quyển ở mức 440 ppm, thì ngành điện của các nước OECD phải trên thực tế là không phát thải cacbon vào năm 2050.

Dự án “Vai trò của ngành điện” đã chứng minh rằng, trong kịch bản thuận lợi nhất, để đáp ứng yêu cầu cắt giảm 50% trong phạm vi 29 quốc gia thành viên EU, cần giảm cường độ cacbon của ngành điện châu Âu từ mức 0,45 tấn CO2/MWh hiện nay xuống còn 0,10 tấn CO2/MWh.

Mục tiêu của bản nghiên cứu mới “tầm nhìn 2050” sẽ là xây dựng lộ trình vạch con đường tối ưu cho phép ngành điện trở thành không phát thải cacbon, tức là giảm từ 0,10 tấn CO2/MWh xuống coi như bằng “không”, trong khả năng thực tế vào giữa thế kỷ 21.

Phạm vi lộ trình không chỉ giới hạn ở phía phát điện. Mọi phương án vì một hệ thống năng lượng ít cacbon (cụ thể như các giải pháp hiệu quả năng lượng cũng như việc phát triển năng lượng tái tạo, điện hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch sử dụng công nghệ sạch có thu giữ cacbon) sẽ được đề cập trên một lịch biểu thời gian với các mốc được xác định có tính đến chi phí phát triển công nghệ, sự thay đổi của giá CO2, thời gian đưa vào nguồn công suất mới và lịch rút các nhà máy điện hiện có ra khỏi lưới điện, phát triển cơ sở hạ tầng, cộng với các biện pháp cắt giảm tiêu thụ và nâng cao hiệu suất phát điện, truyền tải và phân phối. 

 

Bước quá độ giữa tình hình hiện nay và tương lai loại bỏ cacbon từng bước đòi hỏi phải có chương trình đầu tư đúng lúc và tối ưu mới có thể đảm bảo được việc đóng cửa và thay thế một lượng công suất đáng kể trong khi vẫn đảm bảo an ninh cung cấp. Mục tiêu của dự án này sẽ là xây dựng lộ trình đầu tư cho từng thập kỷ, trong đó nêu rõ tổng chi phí để đạt được một hệ thống điện ít cacbon. Ngoài ra còn phải nhận diện các bất cập trong chính sách cùng các rào cản khác và đưa ra các khuyến nghị.

Gói năng lượng-khí hậu mà EU mới đưa ra là chưa đủ

Ngành điện châu Âu hoan nghênh quốc hội EU giờ đây đã thống nhất về biện pháp trọn gói có tác dụng gạt bỏ một số vấn đề chưa chắc chắn trong lĩnh vực năng lượng-khí hậu, cho phép các công ty xây dựng chiến lược, lập kế hoạch đầu tư và hoạt động. Tuy nhiên gói này có một số thiếu sót gây khó khăn cho việc đẩy mạnh tiến bộ công nghệ với chi phí hợp lý.

Chỉ thị mới của EU về năng lượng tái tạo đề ra khuôn khổ phát triển các giải pháp về nguồn năng lượng tái tạo tại châu Âu tới năm 2020, dựa trên mục tiêu có tính ràng buộc là 20% tính chung cho cả EU, được thể hiện thành các mục tiêu có tính ràng buộc cho từng quốc gia, buộc mỗi nước thành viên phải đạt mục tiêu của mình theo cách mà họ coi là tốt nhất.

Tuy nhiên, các mục tiêu có tính ràng buộc cho mỗi quốc gia được tính toán theo GDP chứ không phải theo tiềm năng kỹ thuật đã được nhận diện về mở rộng năng lượng tái tạo. Điều nghịch lý là Chỉ thị này của EU không cho phép mua bán tự do điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, điều xem ra là logic theo cách tiếp cận dựa trên GDP, mà lại giả định rằng từng nước thành viên sẽ sản xuất ra phần lớn năng lượng tái tạo theo mục tiêu đề ra trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Chỉ thị này của EU cũng có dành mức độ linh hoạt nhất định thông qua các “cơ chế hợp tác”, ví dụ như lập dự án liên doanh giữa các nước thành viên, tuy nhiên phải hoàn toàn do chính phủ chỉ đạo và không có điều khoản dành cho cơ chế mua bán thích hợp hơn, lẽ ra có thể mở lối cho một cách tiếp cận hiệu quả hơn về kinh tế để đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Cần tăng cường mua bán nguồn năng lượng tái tạo

Năm 2008, Hiệp hội Điện châu Âu (Eurelectric) đã giao công ty tư vấn Poyry Energy Consulting lập bản phân tích chi phí để đạt được mục tiêu của EU về năng lượng tái tạo thông qua các kiểu cơ chế hỗ trợ nguồn năng lượng tái tạo (renewable energy source - RES) khác nhau. Công trình nghiên cứu này đã đánh giá chênh lệch về chi phí giữa một bên là các sơ đồ hỗ trợ trên cơ sở hoàn toàn trong nước và một bên là các phương pháp linh hoạt hơn cho phép mua bán RES trong phạm vi toàn EU.

Bản phân tích xác định rằng chi phí để đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo của EU năm 2020, dựa trên các mục tiêu quốc gia xác định sẽ thấp hơn rất nhiều - sẽ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn là 17 tỉ euro (22 tỉ USD) - nếu như cho phép mua bán năng lượng thay vì áp dụng các sơ đồ hỗ trợ trên cơ sở hoàn toàn trong nước.

Thực vậy phần lớn các khoản tiết kiệm được đó có thể thực hiện được bằng cách cho phép mua bán ở phạm vi khá hạn chế. Một kịch bản trong đó 80% mục tiêu năng lượng tái tạo đạt được nhờ các hoạt động trong nước và chỉ 20% là thông qua mua bán cũng đã có thể đạt được một tỉ lệ cao tiềm năng tiết kiệm chi phí. Đó là vì đối với một số quốc gia, mua bán cho phép thay thế phần sản xuất năng lượng tái tạo trong nước với chi phí cao nhất bằng việc nhập khẩu năng lượng tái tạo rẻ hơn từ nước khác.

Hình 2 cho thấy chi phí biên của điện năng từ nguồn tái tạo (RES) để đạt được mục tiêu trong nước đối với các nước thành viên EU theo ba kịch bản: Mua bán tự do, mua bán có giới hạn và hoàn toàn trong nước. Có thể thấy rằng kịch bản hoàn toàn trong nước sẽ dẫn đến chi phí cực kỳ cao đối với bảy quốc gia, trong khi đó mua bán có giới hạn sẽ giảm được chi phí xuống mức dễ chấp nhận hơn đối với bốn quốc gia là Rumani, Italia, Malta và Anh.

Đúng là một số nước thành viên EU có khả năng thực hiện một phần đáng kể mục tiêu của họ bằng khả năng trong nước nhưng đối với nhiều nước khác, phần 20-50% còn lại nếu tự sản xuất thì sẽ rất tốn kém. Thực vậy, bản nghiên cứu cho thấy một số nước EU, đặc biệt là những nước có mục tiêu phân bổ cao do có GDP cao hơn mức trung bình, nhưng lại ít sản xuất năng lượng tái tạo trong nước, ví dụ như Bỉ và Hà Lan, xem ra không có khả năng đạt được mục tiêu nếu như không nhập khẩu.

Một trong các kết luận đưa ra trong bản nghiên cứu này là Chỉ thị mới của EU cần có điều khoản uỷ quyền cho Uỷ ban châu Âu (EC) đánh giá hiệu quả kinh tế của chính sách năng lượng tái tạo trong những năm đầu. Thực tế là Quốc hội EU đã viết điều khoản rà soát lại cho năm 2014.

Tuy nhiên trong khi chờ đợi, các nước thành viên phải phát huy hết mức cơ chế hợp tác và làm rõ càng sớm sàng tốt vai trò của các công ty, bởi vì trong hoạt động mua bán, các doanh nghiệp thương mại theo dõi sổ sách tốt hơn đáng kể so với các cơ quan chính phủ.

Cơ chế mua bán phát thải tạo sân chơi bình đẳng

Chỉ thị của EU về cơ chế mua bán phát thải (Emissions Trading Scheme - ETS) cũng có nhiều bất cập ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Hiệp hội Điện châu Âu (Eurelectric) hết sức ủng hộ ETS, coi đó như một công cụ để đặt giá cacbon, điều này cần được phản ánh thông qua dây chuyền các lĩnh vực có liên quan. Cần coi đấu giá là phương pháp chính để phân bổ mức phát thải cho phép kể từ năm 2013, với điều kiện phải được áp dụng cho mọi quốc gia và mọi ngành.

Do đó Eurelectric hết sức quan ngại về những nhân nhượng mà Quốc hội EU đã chấp nhận nhằm cách ly một số ngành công nghiệp khỏi tác động của tín hiệu giá cacbon, và như vậy cũng không khuyến khích được các ngành này cắt giảm phát thải. Như vậy sẽ chất thêm gánh nặng lên ngành điện, giá điện đổ lên đầu tất cả các hộ tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể, vượt quá giá gắn liền với việc xiết chặt mức trần phát thải là cơ sở chính sách của EU, theo đó phải chi trả cho việc loại bỏ cacbon không chỉ riêng của ngành điện và còn của nhiều ngành khác tiêu thụ nhiều năng lượng.

Nhân nhượng, không áp dụng triệt để nguyên tắc ETS sẽ có xu hướng làm giảm hiệu quả chi phí và có thể dẫn đến các vấn đề toàn diện ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện năng cho công nghiệp, thương mại và các hộ gia đình.

Vấn đề cơ bản đối với ngành điện là các công ty phải đầu tư với qui mô ra sao và vào lúc nào để đến năm 2050, nguồn điện của họ không còn phát thải cacbon. Trước năm 2020, ít có khả năng triển khai thương mại các công nghệ ít cacbon. Do vậy mục tiêu cắt giảm theo Chỉ thị ETS của EU cộng với tác động của các qui định giới hạn phát thải ngặt nghèo hơn đang được đề xuất trong đợt sửa đổi hiện nay của Chỉ thị về ngăn ngừa và kiểm soát toàn diện phát thải (Integrated Pollution Prevention and Control - IPPC), sẽ khiến cho ngành điện chắc chắn rơi vào tình thế khó khăn vào giữa thập kỷ tới.

Điều này có thể dẫn đến những rủi ro đáng kể về an ninh cung cấp, giải pháp ngắn hạn nghiêm túc duy nhất là phải chuyển sang đầu tư nhiệt điện khí đốt. Từ đó lại nảy sinh rủi ro kép là duy trì các nhà máy điện phát thải cacbon trong vài thập kỷ nữa trong hệ thống và tăng sự lệ thuộc của châu Âu vào nguồn nhiên liệu hoá thạch nước ngoài.

Tín dụng quốc tế nhằm chuyển đổi hiệu quả về chi phí

Một giải pháp cho vấn đề trên là cho phép ngành điện tiếp cận nhiều hơn các tín dụng bù trừ quốc tế - lấy từ các dự án Liên kết thực hiện (Joint Implementation - JI) và các dự án Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM) – theo Công ước Kyoto. Ngành điện cam kết chuyển sang hệ thống ít cacbon và Eurelectric không hề coi tín dụng quốc tế là phương cách né tránh thực hiện việc cắt giảm cần thiết. Tuy nhiên, sử dụng các tín dụng này là biện pháp ngắn hạn cần thiết để ngành điện chuyển sang hệ thống ít cacbon một cách hiệu quả về chi phí, cho phép các công ty duy trì các nhà máy hoạt động cho đến khi có thể triển khai trên qui mô lớn các nhà máy điện mới, ít hoặc không phát thải cacbon. Đáng tiếc là trong Chỉ thị mới sửa đổi lại không dành các tín dụng bù trừ ở mức có thể góp phần đáng kể giải quyết vấn đề này.

Thu giữ cacbon (CCS) cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc loại trừ cacbon trong sản xuất điện. Eurelectric hài lòng vì Chỉ thị về CCS đề ra khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc cất giữ CO2 trong tầng địa chất và các nhà lập pháp đã thoả thuận dành khoản trợ cấp 300 triệu euro cho ETS để tài trợ cho chương trình 12 trạm trình diễn, nhằm nâng cao công suất các công nghệ sẵn có và đảm bảo đến khoảng năm 2025 sẽ có thể mua các nhà máy vận hành thương mại.

Theo ước tính của Eurelectric, chương trình trình diễn – không tính phần đầu tư cho nhà máy điện – có thể tiêu tốn tới 9 tỉ euro, và khuôn khổ pháp lý này sẽ là phương tiện chia sẻ rủi ro đi tiên phong giữa ngành điện và chính phủ. Điều cấp thiết hiện nay là trong các tháng tới, phải chắt lọc ra được những gì là khả thi để các dự án đầu tiên có thể khởi công trong năm 2009 này.

Trở lại bình diện quốc tế, các bên đàm phán đến dự COP15 vào tháng 12 này (năm 2009) tại Copenhagen sẽ có nhiệm vụ xây dựng một hiệp định khung vững chắc để tránh khoảng hụt hẫng giữa những cam kết hiện nay theo Công ước Kyoto và khởi đầu thời kỳ mới vào năm 2013, và để giới kinh doanh vững tin lập kế hoạch đầu tư lớn, đưa nền kinh tế lên con đường loại bỏ cacbon.

Vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết: các nước đang phát triển sẵn lòng hành động ở mức độ nào; chuyển giao công nghệ; cải cách Cơ chế phát triển sạch; sử dụng đất và tránh chặt phá rừng.

EU với giải pháp trọn gói năng lượng-khí hậu đã tiến một bước quan trọng. Ngành điện châu Âu sẽ làm việc trên tất cả các mặt trận – thông qua công nghệ, phát triển, đầu tư và tham khảo về việc thực thi các khuôn khổ pháp chế mới khác nhau - để đẩy mạnh việc loại bỏ cacbon.

Theo: QLNĐ số 7/2009