Sự kiện

Giải pháp ứng phó cho ngành năng lượng

Thứ sáu, 28/9/2012 | 09:21 GMT+7
Cơn lũ đầu tháng 10/2010 đã cuốn trôi nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh). Trận sóng thần lịch sử ngày 11/3/2011 đã xóa sổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản… Điều đó cho thấy, biến đổi khí hậu bất thường đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành năng lượng.

 Ảnh hưởng toàn diện

Mấy năm qua, nhà máy thủy điện nào cũng trong tình trạng “treo máy” vào mùa khô. Năm 2010, Tây Nguyên ở giữa mùa mưa mà các hồ thủy điện đều ở mực nước chết. Cũng thời gian đó, các nhà máy thủy điện miền Bắc và miền Trung oằn mình chống chọi với lũ. Nguyên nhân là thay đổi lượng mưa đã ảnh hưởng tới chu kỳ thủy văn và dòng chảy của sông.

Hậu quả không chỉ làm thay đổi sản lượng phát điện của các nhà máy thủy điện mà còn làm tổn hại đến an toàn đập. Hạn hán khiến các dòng sông cạn nước, các hồ thủy điện phải xả nước cho nông nghiệp dẫn tới làm sụt giảm sản lượng điện phát. Trầm tích tăng có thể làm tăng tốc độ bồi lắng lòng hồ và làm turbine máy phát chóng hư hỏng.

Hiện tượng khí hậu nóng lên còn làm thay đổi về nhiệt độ không khí và nước dẫn đến làm giảm hiệu suất phát điện của nhà máy nhiệt điện, ảnh hưởng bất lợi tới hệ thống làm mát của các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử.

Các đợt nắng nóng, lạnh trái mùa tăng lên sẽ làm giảm độ bền của các nhà máy lọc dầu và khí gas, cac bể chứa và tuyến đường ống, nhất là ở các vùng thấp ven biển khiến mức độ hư hỏng, gãy vỡ, cũng như làm tăng cao chi phí bảo trì.

Sự xâm nhập mặn có thể làm ăn mòn các vật tư sử dụng trong sản xuất và phân phối điện năng. Đó là chưa kể, nóng lạnh bất thường đều làm tăng nhu cầu sử dụng điện, mực nước thấp hơn sẽ làm tăng nhu cầu năng lượng cho việc bơm nước ngầm, hậu quả là nguồn nước ngầm ngày càng hao hụt và có thể dẫn tới việc lún sụt đất.

Giải quyết tận gốc

Đối phó biến đổi khí hậu (BĐKH) phổ biến hiện nay là hạn chế tác động xấu, ví dụ, lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng hệ thống cảnh báo... Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần có những biện pháp chủ động tích cực hơn.

Cụ thể, cần phát triển các bản đồ khí hậu cấp quốc gia và khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp với từng khu vực. Xây dựng các đê biển hoặc trồng rừng ngập mặn để bảo vệ hạ tầng năng lượng. Xác định các tài sản ngành năng lượng dễ tổn thương và đưa ra  biện pháp thích ứng như điều chỉnh thiết kế hạ tầng nhằm bảo vệ các hệ thống phát dẫn điện, tăng lượng nước cấp, điều chỉnh hay thiết kế lại quá trình làm mát bằng không khí để đối phó với việc tăng nhiệt độ không khí và nước.

Đặc biệt, khi lựa chọn vị trí xây dựng dự án năng lượng (nhất là các dự án thủy điện, điện hat nhân) cần nghiên cứu kỹ các yếu tố BĐKH, trong đó đặc biệt chú ý các khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Việc vận hành các nhà máy thủy điện cần kết hợp với quản lý lưu vực sông để duy trì các mức sản xuất thủy điện hợp lý. Khuyến khích phát triển năng lượng gió và mặt trời cũng như các nguồn năng lượng thay thế. Làm tốt công tác giảm nhẹ tác động môi trường như trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Đối phó BĐKH phổ biến hiện nay là hạn chế tác động xấu. Để giải quyết tận gốc, cần có những biện pháp chủ động tích cực hơn.
 
Công Thương Online