Sự kiện

Văn hóa tiết kiệm điện

Thứ sáu, 31/8/2012 | 10:46 GMT+7
Trong bối cảnh cung ứng điện còn nhiều khó khăn, tiết kiệm điện là tiết kiệm tài nguyên, tiệt kiệm cho ngân quỹ gia đình và quốc gia, là một nét văn hóa.

 
 

Hàng ngày, chúng ta đi trên đường phố dễ dàng bắt gặp nhiều gia đình để đèn sáng suốt đêm trong nhà, ngoài hành lang. Chuyện điện chiếu sáng công cộng giữa ban ngày cũng là chuyện thường ngày ở nhiều nơi, nhiều cây cầu trong và ngoài thành phố, ban ngày đèn vẫn sáng trưng cả hai bên cầu.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương thì tình hình thời tiết khí hậu năm nay diễn biến phức tạp và bất lợi, khô hạn nghiêm trọng trong mùa khô tiếp tục diễn ra trong phạm vi cả nước, gây khó khăn rất lớn cho việc cung ứng điện, và dẫn đến thiếu điện. Do vậy, việc giảm bớt luợng điện chiếu sáng không cần thiết, thực hiện chủ trương tiết kiệm điện, từng gia đình, cơ quan, đơn vị là vấn đề cấp thiết cần được sự quan tâm và phối hợp của cộng đồng. Chính phủ đã có văn bản số 80/2006/QĐ-TTg và tiếp theo là Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 về tăng cường tiết kiệm điện, tăng cường sử dụng điện tiết kiệm có hiệu quả. Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện là mục tiêu trước mắt và lâu dài mà ngành Điện đã và đang triển khai đến từng hộ gia đình và các ngành, các đơn vị toàn xã hội, nhằm góp phần bảo vệ nguồn năng lượng tài nguyên đất nước, giúp cho mọi người mọi ngành, tổ chức kinh tế biết cách sử dụng và biết chọn phuơng pháp tốt nhất có hiệu quả, an toàn và kinh tế nhất.

Phong trào thi đua tiết kiệm điện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có 10.000 hộ gia đình được công nhận “Gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu năm 2011 cấp thành phố”. Trong năm 2011, Thành phố đã tiết kiệm được 391,31 triệu kWh điện, chiếm 2,56% sản lượng điện năng tiêu thụ và vượt 2,5 lần so với kế hoạch của (EVN). Sản lượng điện tiết kiệm nêu trên tương ứng với số tiền 553,57 tỷ đồng và giảm được hơn 168 nghìn tấn CO2 phát thải ra môi trường. Con số trên khá ấn tượng, là tín hiệu vui cho ngành Điện và mỗi người dân Thành phố.

Bước sang năm 2012, Thành ủy, UBND thành phố và tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đã phát động chương trình tiết kiệm điện năm 2012 cho gần 1,8 triệu khách hàng. Phong trào thi đua đẩy mạnh tiết kiệm vẫn được duy trì, hiện đã có 594.946 hộ gia đình có điện năng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ, với sản lượng điện tiết kiệm là 134,21 triệu kWh, góp phần vào sản lượng tiết kiệm chung trong 6 tháng đầu năm 2012 là 238,36 triệu kWh, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chỉ thị số 171/CT-TTg của Chính phủ, mỗi hộ gia đình cần hạn chế sử dụng các thết bị điện tiêu thụ điện lớn (như máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là điện…) trong các giờ cao điểm từ 17 đến 21 giờ hàng ngày; hộ gia đình cá nhân nên sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm như bóng compact, hoặc bóng đèn hùynh quang. Đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại cần giảm 50% công suất chiếu sáng, quảng cáo trang trí ngoài trời và giờ cao điểm...

Các ngành chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ với các ban ngành liên quan để tuyên truyền chủ trương tiết kiệm điện, phổ biến chính sách của nhà nước về tiết kiệm hiệu quả trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, sinh hoạt đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và các cơ quan hành chính sự nghiệp, các hộ gia đình, phổ biến kiến thức sử dụng các thiết bị điện một cách hiệu quả tiết kiệm, hướng dẫn các công nghệ, sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện. Ngành chức năng cần tăng cường thanh tra kiểm tra việc sử dụng điện tại các đơn vị, kể cả các hộ gia đình, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm quy định về sử dụng điện. Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; phê phán và xử lý các hiện tượng lãng phí điện. Trong những biện pháp nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, công tác tuyên truyền đến người dân vẫn là chủ yếu, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi nguời trong việc tiết kiệm điện là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, ngành chuyên môn có chương trình kế hoạch phổ biến áp dụng kỹ thuật tiết kiệm điện an toàn hiệu quả, thông qua những lớp tập huấn về chuyên môn.

Chúng ta đều biết lúc sinh thời Bác Hồ luôn nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã trở thành nếp sống hàng ngày của Bác, kể cả khi hoạt động ở nước ngoài. Chúng ta đã từng được nghe những câu chuyện đầy cảm động về Người, chẳng hạn khi đi qua thấy vòi nước chảy Bác trực tiếp vặn lại để khỏi lãng phí, hay đi công tác sớm, thấy đèn điện chưa tắt Bác nhắc phải cho người đến tắt ngay.

Nhớ lời Bác Hồ dạy, mỗi người mỗi nhà, từng cơ quan đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần triệt để tiết kiệm nói chung và tiết kiệm điện nói riêng, góp phần xây dựng đất nước bằng hành động cụ thể, thiết thực làm theo tấm gương đạo đức của Người một cách sinh động và hiệu quả nhất.

Trong điều kiện hiện nay, tiết kiệm điện vừa là chuyện thời sự vừa là bài toán chiến lược nhằm giảm lãng phí tài nguyên, vừa là nét đẹp văn hóa trong sinh họat cộng đồng. Đồng thời, thiết thực phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Tạp chí Công nghiệp