Ông Trịnh Văn Minh (trái), chủ cơ sở sản xuất bánh mì Ba Minh giới thiệu với nhân viện điện lực về hiệu quả tiết kiệm điện.
Chủ cơ sở, ông Trịnh Văn Minh chia sẻ: “Tôi theo nghề sản xuất bính mì từ năm 1989, nhưng 10 năm liền (1989-2009) dùng trấu để nướng, đến năm 2009, cơ sở đầu tư 02 lò nướng bằng i-nox và chuyển hình thức nướng từ trấu sang điện.“
Ngành điện đã đề nghị cơ sở thực hiện 02 vấn đề: Thứ nhất, không để lò nướng rò rỉ, làm mất hơi, tiêu thụ điện năng cao; thứ hai, áp dụng phương pháp “ngày nghỉ, đêm làm”, nhằm tránh giờ cao điểm, giúp cơ sở tiết kiệm chi phí, do hưởng chênh lệch giá điện giữa giờ thấp điểm và cao điểm. Nhờ đó, quý I/2016, cơ sở tiêu thụ 20.020kWh, nhưng quý I/2017, giảm còn 17.334kWh.
Xác định tiết kiệm chi phí là lợi thế cạnh tranh, cơ sở sản xuất vào giờ thấp điểm, nhằm tiết kiệm chi phí điện năng do chênh lệch giá điện. Chủ cơ sở bánh mì Ba Minh lắp đặt công tơ điện 3 giá cho các giờ: cao điểm, thấp điểm và bình thường. Từ đó, cơ sở đưa ra quy trình sản xuất bánh mì tại 02 lò nướng và hoạt động từ 03-06 giờ sáng hàng ngày. Cùng với công suất hoạt động như trước đây, nhưng bánh mì được nướng liên tục trong lò, sau khi nướng xong được phân phối hết cho các đầu mối, khách hàng để tiêu thụ. Trung bình 15 phút ra lò 01 mẻ khoảng 200 ổ bánh mì.
Nhờ thực hiện liên tục, tránh ngắt khoảng thời gian để chuẩn bị bột mì ...nên nhiệt độ trong lò dao động luôn ở mức nhất định, hạn chế khởi động làm nóng lò. Ngoài ra, với lò bánh mì nướng sử dụng điện với công nghệ mới hoàn toàn tự động, từ điều chỉnh thời gian nướng, thời gian mở, nhiệt độ nướng, mở đóng cửa lấy thành phẩm... đã tiết kiệm tiền điện hàng tháng. Việc sử dụng lò bánh mì điện giúp bảo vệ môi trường, không gây khói, độ chín của bánh mì đồng đều, chất lượng ngon hơn, giá thành hợp lý. Đặc biệt, từ đốt trấu chuyển sang điện đã giảm được 02 lao động chuyển qua khâu sản xuất khác.
Trường Hiếu/Icon.com.vn