Tin trong nước

Giảm thiểu tai nạn lao động: Bắt đầu từ nâng cao ý thức

Thứ tư, 28/7/2010 | 10:12 GMT+7

Vừa qua EVN và Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức hội thảo Các giải pháp ngăn ngừa và giảm tai nạn lao động. Đến dự có ông Nguyễn Trung Sơn - Phó ban chính sách - pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công nhân cần nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn.
Theo nhận định của EVN, trong thời gian qua, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) gây chết người có nguy cơ tăng, đặc biệt liên quan đến điện cao, hạ áp và ngã cao… Dù trước đó, EVN và Công đoàn ĐLVN đã ban hành các văn bản, chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn TNLĐ và tai nạn điện trong nhân dân. Đặc biệt là thực hiện hai cuộc vận động “Nói không với mất an toàn” và “Ngày/tuần/tháng không có tai nạn lao động”.

Do ý thức kém

Báo cáo đánh giá thực trạng công tác an toàn – bảo hộ lao động và các giải pháp để thực hiện đạt hiệu quả, ông Đặng Hữu Ngọ - Phó Ban KT-SX  EVN đã nêu: “ Tính thời điểm từ năm 2008 cho đến nay, tình hình tai nạn đang có chiều hướng gia tăng và thiệt hại mang tính chất nghiêm trọng hơn giai đoạn trước. Các vụ TNLĐ chủ yếu liên quan đến điện điện cao, hạ áp, ngã cao và nguyên nhân chính là do người lao động làm việc tuỳ tiện, ý thức kỷ luật chấp hành quy trình quy định kém. Chưa làm đúng, làm đủ thủ tục cho phép vào làm việc, thực hiện phiếu công tác có nhiều sai sót cơ bản. 

Ông Ngô Công Thành - Trưởng ban KT-AT-SX của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC), cho biết: Năm 2009, tại CPC đã liên tiếp xảy ra 5 vụ TNLĐ làm bị thương nhẹ 1 người và chết 4 người. Cả 5 vụ trên đều có nguyên nhân trực tiếp giống nhau: Do chính bản thân nạn nhân và người chỉ huy trực tiếp vi phạm các quy định về an toàn. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân gián tiếp do cách làm việc cẩu thả, tuỳ tiện của các cán bộ có liên quan.

Trở lại vụ TNLĐ tại Bình Định ngày 30/9/2009, hai công nhân đã thực hiện xử lý sự cố sau bão số 9/2009 (thay xà) trên cột điện nhánh rẽ đường dây 22 kV (có 3 TBA phụ tải) nhưng chỉ tiếp địa đầu nhánh, không tiếp địa tại vị trí công tác và cũng không cắt các TBA phụ tải. Máy phát điện của khách hàng phát ngược từ hạ áp lên trung áp làm cả hai công nhân bị điện giật, chết một người. Trong sự việc này,  công nhân và người chỉ huy trực tiếp đều có sai phạm.

Giảm tai nạn thế nào?

Để giảm thiểu TNLĐ và đặc biệt nâng cao ý thức bảo vệ mình của các công nhân, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến tham luận về công tác bảo hộ lao động cũng như các kiến nghị. Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Nam Lê Minh Ba đưa ra giải pháp tuyên truyền hình ảnh không an toàn đến người lao động để công nhân viên có ý thức hơn…

Đại diện Tổng công ty Điện lực Miền Bắc cho rằng: Kỹ thuật viên an toàn chuyên trách kiểm tra công tác an toàn lao động cần tạo hiện trường, phổ biến nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đến công nhân viên lao động. Bên cạnh đó, trách nhiệm của công đoàn trong việc tuyên truyền phổ biến cho công nhân là rất quan trọng. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thì đưa ra giải pháp: Phải kiểm tra dây an toàn, vấn đề tiếp địa và thiết bị tại hiện trường có đảm bảo đồng bộ hay không…

Cần được chú trọng, đầu tư xứng đáng

EVN:

* Năm 2008, xảy ra 23 vụ/27 người tai nạn, trong đó 5 người chết.
* Năm 2009, xảy ra 23 vụ/23 người tai nạn, trong đó 10 người chết
* Quý I/2010, xảy ra 3 vụ TNLĐ, làm chết 1 người và thương 3 người
Đánh giá về công tác an toàn lao động của EVN, ông Nguyễn Trung Sơn - Phó Ban Chính sách – Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động VN khẳng định: Những giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động mà EVN đưa ra rất sát thực tế. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất rủi ro xảy đến với người lao động, EVN cần nâng cao chất lượng kiểm tra, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện.

Công tác huấn luyện định kỳ cho người lao động ở EVN dù tốt, nhưng vẫn nặng về quy trình an toàn điện mà thiếu quy trình phụ kiện an toàn liên quan đến ngành Điện. Ông Nguyễn Trung Sơn đề nghị thời gian tới, EVN cần bổ sung các quy trình khác cho công nhân thực hành, làm tốt hơn công tác khai báo thống kê. Từ những nguyên nhân gây ra tai nạn, EVN cần rút kinh nghiệm để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn, nâng cao hơn nữa hiệu quả của tập huấn về an toàn. Để giảm thiểu được TNLĐ, cần phải có những báo cáo đầy đủ, Công đoàn Điện lực Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về tuyên truyền, phổ biến cho người lao động các an toàn vệ sinh lao động và đầu tư cho an toàn vệ sinh viên…

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An khẳng định: Mặc dù so với những ngành khác, EVN có tỷ lệ rủi ro thấp, nhưng việc đảm bảo ATLĐ vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Các công ty điện lực cần thường xuyên thực hiện cuộc vận động “Nói không với mất an toàn” và “Ngày/tuần/tháng không có tai nạn lao động”. Đặc biệt là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền an toàn điện trong dân (hiện đứng thứ hai sau an toàn trong ngành xây dựng về số vụ tai nạn), nhất là sau khi tiếp nhận toàn bộ hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn với hiện trạng lưới điện cũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn và sự cố cho người và thiết bị lưới điện. Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa hiệu quả của mạng lưới an toàn vệ sinh viên…

Thực tế các vụ tai nạn lao động đều có thể tránh được và đòi hỏi người lao động và người sử dụng lao động phải có ý thức trong việc sử dụng thiết bị công nghệ. Các đơn vị cần phải xác định: Đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và người dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần được đầu tư xứng đáng về thời gian, tâm huyết, tài chính và nhân lực...

Ông Trần Văn Ngọc - Chủ tịch CÐ Ðiện lực Việt Nam:

Trách nhiệm của lãnh đạo công đoàn các cấp là phải tăng cường kiểm tra, đưa vào quy chế khen thưởng ở mỗi đơn vị, củng cố đội ngũ làm công tác bảo hộ lao động. Ðặc biệt công tác định kỳ huấn luyện 3 bước cần được coi trọng chứ không chỉ làm hình thức. Cần có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ và lãnh đạo làm công tác ANLÐ, nâng cao chất lượng đào tạo về an toàn ngay từ các trường đào tạo, kiên quyết không để một công nhân vào làm việc mà không thuộc quy trình an toàn…

Theo: TCĐL số 6/2010