Sự kiện

Giảm tổn thất điện năng: Bài toán khó giải

Thứ sáu, 18/12/2009 | 10:05 GMT+7

Theo số liệu từ EVN, năm 2008, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN đã giảm xuống còn 9,35%. So với con số 21,5% của năm 1995 thì đây là một kỳ tích vì bình quân mỗi năm giảm gần 0,93%, làm lợi gần 200 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2010 EVN phải giảm tỷ lệ tổn thất xuống 8% thì đúng là nhiệm vụ bất khả thi.

Nhiều nguyên nhân gây tổn thất

Theo ông Phạm Lê Thanh- Tổng giám đốc EVN, những tổn thất hiện nay của ngành điện chủ yếu trong khâu truyền tải và phân phối. Trong đó, tổn thất kỹ thuật là loại tổn thất không thể tránh được do hiện tượng phát nhiệt của vật liệu dẫn điện, vì vậy, với tình trạng lưới điện càng cũ nát thì tổn thất càng lớn. Thực tế lưới điện hiện nay hầu hết đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nhưng ngành điện chưa thể đầu tư cải tạo nâng cấp vì thiếu vốn. Đường dây 500 kV Bắc Nam cũng luôn trong tình trạng đầy tải để chuyển điện từ Nam ra Bắc, mà đường dây càng đầy tải thì tỷ lệ tổn thất càng tăng. Việc mua điện từ Trung Quốc truyền tải về qua lưới 110kV chất lượng không đảm bảo, điện áp cuối nguồn thấp cũng góp phần làm tăng tổn thất điện năng của các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, tình trạng thất thoát điện năng do người tiêu dùng ăn cắp điện vẫn còn… Để đưa được tổn thất điện năng về 8% vào năm 2010 theo chỉ đạo của Chính phủ thì trong 2 năm 2009-2010, ngành điện sẽ phải đầu tư khoảng 15.596 tỷ đồng để loại bỏ các máy biến áp cũ tổn thất cao, nâng cấp điện áp, thay thế dây dẫn phù hợp với tăng trưởng phụ tải.

Đặc biệt, nếu tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn vào giữa năm 2010 theo kế hoạch thì mức tổn thất điện năng của EVN sẽ tăng thêm 2,23%. Bởi lẽ, hiện nay hầu hết cơ sở hạ tầng lưới điện nông thôn ở tất cả các địa phương đều rất cũ nát. Tỷ lệ tổn thất điện nông thôn ở những nơi chưa bàn giao lên tới 15 – 25%, có nơi tới 30-40%. Chính điều này đã làm tăng tỷ lệ tổn thất chung của ngành điện. Nếu khắc phục ngay tình trạng này thì ngành điện sẽ phải thay gần như toàn bộ công tơ, máy biến áp, cột điện, dây dẫn… với số tiền đầu tư rất lớn. Đây là yêu cầu rất khó thực hiện trong điều kiện EVN luôn ở trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng như hiện nay.

Nhiều kinh nghiệm hay

Để giảm tổn thất, EVN đã và đang chỉ đạo các đơn vị quyết liệt hơn trong công tác chống tổn thất điện năng. Theo đó, các đơn vị phải chú trọng đầu tư cải tạo tối thiểu, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện, thay thế các công tơ không đảm bảo, bổ sung kiểm định công tơ để lắp đặt, thay thế đồng loạt công tơ cũ tại các khu vực lưới điện mới tiếp nhận, có biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả bên nhận làm dịch vụ điện...

Điện lực Bình Định đã thành lập tổ kiểm tra sử dụng điện phối hợp với các chi nhánh điện tăng cường kiểm tra kỹ hệ thống đo đếm, sơ đồ đấu dây, thông số cài đặt, đặc biệt quan tâm những khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện lớn và có khả năng gian lận trong sử dụng điện; tăng cường phúc tra chỉ số công-tơ, triển khai lắp đặt công-tơ 3 giá; thay thế những công-tơ đã quá hạn sử dụng; phát quang hành lang tuyến, xử lý hiện tượng phóng điện bề mặt sứ, mối nối quá nhiệt gây sự cố đứt dây; sửa chữa, xây dựng cơ bản lưới điện, bảo đảm cấu trúc lưới hợp lý; kiểm tra, hoán chuyển các máy biến áp, sắp xếp lại hợp lý các trạm trung gian và cân pha cho các trạm biến áp phát hiện có tình trạng lệch pha. Kiểm tra công suất phản kháng, đặt nấc phân áp các trạm biến áp phù hợp với từng khu vực, từng địa phương.

Công ty điện lực 3 quản lý rất chặt việc ghi chỉ số công tơ, chỉ ký hợp đồng làm dịch vụ thu tiền điện và một số công việc phối hợp khác, không thuê ghi chỉ số công tơ để tránh tình trạng gian lận ngay từ khâu ghi chỉ số điện.

Công ty Điện lực Hải Phòng giao chỉ tiêu tổn thất điện năng vào hệ số thưởng phạt tiền công cho bên nhận làm dịch vụ.

Điện lực Gia Lai thành lập tổ, nhóm thường xuyên kiểm tra và chỉ đạo việc thực hiện giảm tổn thất điện năng. Tại các chi nhánh đều có kỹ sư điện chuyên theo dõi, giải trình nguyên nhân và biện pháp xử lý các trạm biến áp (TBA) có tổn thất bất thường bằng những con số cụ thể về công tơ cháy, hỏng; khách hàng lắp mới chưa ghi số; khách hàng ăn cắp điện; phóng sứ; cây va quẹt vào đường dây; các trường hợp truyền tải hộ... Thường xuyên điều chỉnh điện áp đầu nguồn đảm bảo cấp điện trong các giờ cao điểm, khắc phục tình trạng điện áp thấp; lắp đặt các TBA trung gian 35/22kV.

Các chi nhánh tập trung cải tạo hệ thống điện tại các khu vực mới tiếp nhận, xử lý các công tơ chưa được cải tạo; kiểm tra toàn bộ các hệ thống đo đếm TBA chuyên dùng; tại các đầu cọc hạ áp máy biến áp chuyên dùng được quấn băng keo, niêm chì ngăn chặn việc trộm cắp điện; khoán quản lý đến từng công nhân theo từng khu vực, phúc tra, kiểm tra định kỳ tại các đơn vị có tỉ lệ điện tổn thất cao.

Công ty điện lực 1 giao chỉ tiêu tổn thất điện năng cho các tổ quản lý và trả lương cho cán bộ công nhân viên theo chỉ tiêu này; xử lý các trạm biến áp non tải, khắc phục tình trạng lệch pha, thay thế định kỳ công tơ đo đếm, quản lý lịch ghi chỉ số công tơ… xây dựng chương trình chống quá tải, trong đó các đường dây và TBA. Tại các khu vực mới tiếp nhận lưới điện phải thay thế 100% công tơ 3 pha. Đối với các dự án cải tạo, phải phối hợp với các đơn vị thi công, khi nghiệm thu phải rà soát, củng cố niêm phong để tránh trường hợp các đơn vị thi công làm ẩu tạo sơ hở cho việc trộm cắp điện. Tăng cường biện pháp kỹ thuật để phát hiện lấy cắp điện như điều tra thông tin nặc danh từ cộng đồng, thành lập đường dây nóng… Kết quả là các mô hình trên đều đem lại hiệu quả khá cao.

Để giải quyết khó khăn về vốn, EVN cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài trong các dự án điện nông thôn. Riêng PC 3 cần tận dụng tối đa nguồn vốn vay 30 triệu USD từ dự án “Phát triển năng lượng tái tạo và cải tạo, nâng cấp lưới điện các xã vùng sâu, vùng xa” do ADB tài trợ để cảo tạo lưới điện hạ áp sau tiếp nhận. Yêu cầu các công ty điện lực đăng ký nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2010 – 2012 để EVN sẽ tiếp tục thu xếp các nguồn vay ưu đãi ODA cho các dự án điện nông thôn…

Băn khoăn bài toán kinh tế

Mặc dù hết sức cố gắng nhưng thực tế, muốn giảm tổn thất để hạn chế tăng giá điện thì phải đủ vốn để đầu tư hạ tầng tốt. Để kêu gọi được vốn đầu tư thì giá điện phải đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Thế nhưng tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề… Bài toán quả trứng con gà xem ra đáp số đã có nhưng làm thế nào để đi đến đáp số này vẫn rất nan giải.
Với những khó khăn đó, EVN đã phải cân nhắc, nếu đưa tỷ lệ tổn thất về 8% ngay trong năm 2010 theo yếu cầu của Chính phủ thì trước mắt ngành điện sẽ phải đầu tư khoảng 15.596 tỷ đồng. Khi đó, lượng điện tổn thất tương ứng sẽ giảm được 1,902 tỷ kWh/năm, tương đương 1.658 tỷ đồng (chưa kể lãi vay).

Tính chung, cả giai đoạn 2009-2012 phải cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện trung hạ áp đáp ứng yêu cầu giảm tổn thất điện năng sẽ cần tới 45.573 tỷ đồng. Cách đầu tư này rõ ràng không kinh tế. Đó là chưa kể, nếu thực hiện kế hoạch cải tạo gấp lưới điện trên diện rộng trong thời gian ngắn sẽ phải cắt điện rất nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và các sinh hoạt xã hội. Khắc phục những bất cập này, EVN đã trình lên Bộ Công Thương “Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2009-2012” với đề nghị giữ tỷ lệ tổn thất năm 2010 là 9%, năm 2011 sẽ giảm xuống còn 10,1%, giảm dần đến năm 2012 còn 8,8% và sẽ đạt chỉ tiêu tổn thất còn 8% vào năm 2015. Theo EVN, đây là giải pháp tốt nhất để cân đối lộ trình giảm tổn thất điện trong điều kiện vừa phải cân đối hợp lý nguồn vốn, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt.

Theo: CôngThương