Diễn đàn năng lượng

Góc nhìn tích cực từ nguồn cung

Thứ hai, 19/7/2010 | 16:39 GMT+7
Quý II và quý III/2010, thị trường sẽ đón nhận một lượng cung cổ phiếu lớn. Không ít nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu sẽ bị pha loãng, song nhiều ý kiến khẳng định, cổ phiếu mới sẽ tiếp thêm động lực cho thị trường.
 
Ồ ạt cung hàng

Hiện trên cả hai sàn chứng khoán có tổng số trên 600 DN niêm yết (chưa bao gồm các DN trên sàn UPCoM). Đây là con số không nhỏ so với quy mô của nhiều sàn chứng khoán trên thế giới. Trong số đó, có khá nhiều tên tuổi lớn bao gồm các DN nhà nước được cổ phần hóa hay những DN tư nhân lớn mạnh.

Chỉ tính riêng trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nơi dành cho các DN có quy mô vốn nhỏ hơn so với các “đại gia” tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng đã có trên 300 mã chứng khoán niêm yết, với tổng khối lượng niêm yết 4,45 tỷ cổ phiếu. Trong đó, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, HNX đã đón thêm 54 DN lên sàn và nhiều hơn số ấy các thành viên của sàn UPCoM, tương đương hơn 1 tỷ cổ phiếu niêm yết mới.

Nhưng con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh. Theo thông tin từ website của HNX, hiện Sở có hơn 60 DN nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chờ phê duyệt. Cứ theo đà phát triển này, thời gian tới, HXN sẽ lần lượt chấp thuận niêm yết cho nhiều DN nữa.

Hàng tỷ cổ phiếu mới chào sàn sẽ cùng lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung của các công ty đang niêm yết trên sàn phát hành tăng vốn tạo nên một áp lực nguồn cung đáng kể đối với thị trường trong những tháng tiếp theo.

Áp lực đó và nỗi lo cổ phiếu bị pha loãng khiến không ít nhà đầu tư hình dung lại tình cảnh ngán ngẩm họ từng trải qua cùng thị trường, đó là những cổ phiếu ưu đãi “được” đổi tên là… cổ phiếu “ngược đãi”, hay nhà đầu tư phát hoảng khi DN công bố… thưởng bằng cổ phiếu.

Trên thực tế, giới phân tích đã chỉ ra những trường hợp DN càng tăng vốn lại càng giảm sức hấp dẫn, do việc tăng vốn không gắn với kế hoạch mở rộng sản xuất, tăng doanh thu, lợi nhuận, nghĩa là không làm cho DN gia tăng giá trị.

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, việc chia tách cổ phiếu từ nguồn vốn thặng dư vẫn diễn ra hàng năm, dù không mang lại thêm giá trị cho công ty hay cổ đông. Điều này sẽ kéo theo việc điều chỉnh giá cổ phiếu và làm giảm thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) do lượng cung tăng trước khi giá trị DN kịp tăng.

Góc nhìn tích cực từ nguồn cung

Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, ông Dominic Scriven, từng nhận định, các tổ chức có kế hoạch phát hành vốn với giá bằng mệnh giá, bởi lo ngại khả năng hấp thụ vốn của thị trường đã bị hạn chế.

Tuy vậy, động thái liên tục mua ròng từ nhiều tháng nay của nhà đầu tư nước ngoài cũng được nhà đầu tư trong nước chú ý. Đó có thể là động lực tích cực, giúp thị trường hấp thụ tốt hơn nguồn cung cổ phiếu mới. Hơn nữa, nguồn cung gia tăng sẽ giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn trong việc mua cổ phiếu.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhìn nhận, việc thị trường cần thêm nguồn cung còn nằm ở cơ cấu các mặt hàng trên thị trường. Theo VAFI, hiện thị trường chứng khoán vẫn còn thiếu vắng đại diện DN lớn đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư ở một số ngành quan trọng như viễn thông, xăng dầu, điện lực... Có thể kể đến những tên tuổi như MobiFone, VinaPhone của ngành viễn thông; hay các ông lớn khác như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng có thể được kỳ vọng là hấp lực của thị trường trong thời gian tới, thay vì từng đơn vị thành viên của các tập đoàn này như hiện nay.

Song VAFI cũng nhấn mạnh, để hấp dẫn nhà đầu tư, thị trường chứng khoán cần thêm những món hàng chất lượng, chứ không chỉ thuần túy về số lượng. Do vậy, cần có nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng chứng khoán niêm yết, như nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên sàn để sàng lọc DN tốt và hấp dẫn; đẩy nhanh cổ phần hóa các DN nhà nước có tiềm lực; tiến hành hợp nhất, sáp nhập DN, hình thành những DN mạnh trong các lĩnh vực.
Theo: VIR