Diễn đàn năng lượng

TTCK đang “lớn” lên từng ngày

Thứ năm, 15/7/2010 | 11:08 GMT+7

CLB Các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam ra đời từ ngày 16/8/2005, là một tổ chức tình nguyện của các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam, hoạt động dựa trên tôn chỉ “tập hợp, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN niêm yết”.

Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch CLB chia sẻ với ĐTCK nhân dịp TTCK kỷ niệm 10 năm thành lập và CLB Các DN niêm yết sắp bước sang tuổi thứ 6.

TTCK Việt Nam đã trải qua 10 năm hoạt động, ông có nhận xét gì về tầm vóc hôm nay so với những ngày đầu thành lập?

Trải qua 10 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực về quy mô thị trường, cơ sở hạ tầng công nghệ, phương thức giao dịch. Và quan trọng hơn chính là sự trưởng thành của các DN niêm yết cũng như các NĐT. Tôi còn nhớ như in phiên giao dịch đầu tiên với 2 mã chứng khoán trên bảng điện, 4.200 đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh với giá trị giao dịch chỉ 70 triệu đồng. Cho đến nay, TTCK đã có 547 DN niêm yết, giá trị giao dịch trung bình một ngày 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Không chỉ là những con số, TTCK còn có một bước tiến vượt bậc về mặt công nghệ, cả hai sàn tập trung đều đã triển khai phương thức giao dịch trực tuyến. Chính sự thay đổi này đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh về quy mô thị trường, thu hút nhiều NĐT và chấm dứt thời kỳ xếp hàng đặt lệnh. Có thể nói, qua nhiều thăng trầm của thị trường, đặc biệt là 2 đợt “bong bóng chứng khoán” lớn vào năm 2002 và năm 2007, các NĐT Việt Nam đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm và kiến thức đầu tư, để tự tin hơn khi tham gia thị trường.

CLB Các DN niêm yết đã hoạt động được 5 năm, song tầm ảnh hưởng đến TTCK chưa lớn và cũng không phải ai cũng biết được vai trò và sứ mệnh của Câu lạc bộ, thưa ông?

Tôi cho rằng, CLB đã thực hiện được sứ mệnh là nơi tập hợp, kêu gọi các DN tham gia niêm yết trên TTCK để tạo tính minh bạch, đồng thời cung cấp nhiều hàng hoá đa dạng phục vụ nhu cầu của thị trường. CLB cũng dần trở thành một tổ chức đứng ra bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, phối hợp giữa các thành viên vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đưa ra những kế hoạch và định hướng phát triển cũng như các quy chế quản trị, điều hành công ty. CLB Các DN niêm yết trong các năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức hội thảo giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật lập báo cáo thường niên, kinh nghiệm công bố thông tin đúng quy định...; hàng năm đều tổ chức các buổi đối thoại giữa DN niêm yết với NĐT…, qua đó giúp NĐT có thể nắm bắt  tình hình hoạt động của từng DN để đưa ra những quyết định đầu tư có hiệu quả hơn.

So với số lượng 2 DN từ lúc đầu thành lập sàn chứng khoán tập trung, đến nay đã có 547 DN niêm yết, chưa kể sàn UPCoM, là một bước tiến vượt bậc về quy mô thị trường. Tuy nhiên, so với số lượng các DN hiện đang hoạt động (không tính các DN 100% vốn nước ngoài) thì con số này còn khá khiêm tốn. Trong thời gian sắp tới, các cơ quan chức năng cần xúc tiến để các công ty đại chúng lớn nhanh chóng niêm yết, nhằm đa dạng chủng loại hàng hóa có chất lượng và nâng cao mức cạnh tranh giữa các DN niêm yết.

Để nâng cao tính chuyên nghiệp của một thị trường tài chính bậc cao như TTCK, Câu lạc bộ Các DN niêm yết có kiến nghị gì với cơ quan quản lý, thưa ông?

Trước hết, cơ quan quản lý cần có các biện pháp nhằm nâng cao tính thanh khoản cho thị trường, sớm rút ngắn thời gian thanh toán, vì đây là mong muốn lớn nhất của các NĐT trong thời điểm hiện nay. Cụ thể, cần đẩy nhanh việc mua bán T+2, kế đến là T+1 và T+0, cho phép mua và bán cùng một mã chứng khoán trong một phiên, kéo dài thời gian giao dịch trên cả 2 sàn, từng bước triển khai các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tăng cường các biện pháp giám sát nhằm tăng tính minh bạch và công bằng trên thị trường. Bên cạnh đó, để hạn chế các mặt tiêu cực như hiện tượng làm giá, đầu cơ, thao túng thị trường…, UBCK cần giám sát chặt các giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, giám sát việc công bố thông tin (bao gồm việc công bố các thông tin của các DN niêm yết và việc công bố giao dịch của các cổ đông lớn).

Ngoài ra, rất cần tăng cường công tác giám sát đối với các tổ chức đầu tư, đây là vấn đề rất quan trọng và cũng là việc khó làm nhất hiện nay. Theo lộ trình, năm 2012 tới, các CTCK 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam. Với quy mô và tiềm lực tài chính của mình, các tổ chức này sẽ có tác động rất lớn đến TTCK Việt Nam (cả tích cực lẫn tiêu cực). Điều này đặt ra trách nhiệm giám sát rất lớn đối với cơ quan quản lý.

Ông kỳ vọng như thế nào về sự phát triển của thị trường trong thời gian tới ?

Với nền tảng kinh tế Việt Nam khá vững, trong thời gian tới, tin rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững, sẽ không còn tình trạng tăng quá nóng như giai đoạn cuối năm 2007. TTCK Việt Nam đã hình thành được 10 năm, trải qua nhiều đợt lên - xuống mạnh, các NĐT đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nắm bắt được các quy luật của thị trường và hiệu quả của việc “đầu tư theo giá trị”. Cùng với việc “nguồn cung chứng khoán” ngày càng nhiều và chất lượng các DN niêm yết ngày càng được cải thiện, NĐT sẽ có nhiều lựa chọn và ngày càng cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu tư.

Theo: VIR