Sự kiện

Hà Nội: Nâng cao chất lượng điện nông thôn

Thứ hai, 15/7/2013 | 13:21 GMT+7
Sau khi Thủ đô được mở rộng địa giới hành chính từ ngày 1/8/2008, công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, được UBND TP. Hà Nội đặc biệt chú trọng. Đến nay, hệ thống điện nông thôn Hà Nội đã có nhiều cải thiện đáng kể, đảm bảo 100% người dân Thủ đô có điện sử dụng.


Kiểm tra lưới điện nông thôn Hà Nội sau đầu tư

Cải thiện hệ thống cung cấp điện

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã có Nghị quyết chuyên đề phê duyệt “Đề án điện nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2008-2012” nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sinh hoạt và một phần cho phát triển kinh tế tại địa phương. Hà Nội đã tập trung đầu tư cải tạo và nâng cấp lưới điện nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Hệ thống lưới điện nông thôn đã được cải tạo và nâng cấp thông qua nhiều kênh huy động, từ vốn vay WB, vốn đối ứng ngân sách cho các xã tham gia dự án RE2, vốn của Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho các xã không đủ điều kiện phải chuyển giao đến vốn tự có của các tổ chức kinh doanh điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đến nay, chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, an toàn và mỹ quan hơn, điện áp cuối nguồn tăng, tổn thất điện năng giảm từ trên 30% xuống còn trung bình 10%, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ngoại thành Hà Nội.

Công tác hỗ trợ và thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế tại 13 xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đã hoàn thành, góp phần quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng sống tại các vùng miền xa xôi, hẻo lánh theo đúng định hướng của Đảng và nhà nước. Cùng với đó, công tác hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo ở vùng nông thôn và miền núi đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác điện nông thôn của Hà Nội vẫn còn những tồn tại. Hệ thống lưới điện trung, hạ áp chưa đáp ứng đủ điện phục vụ sản xuất phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành điện. Công suất lưới điện trung áp nông thôn còn thiếu, vận hành chưa tin cậy. Chất lượng dịch vụ cung cấp điện tuy đã được cải thiện, mô hình kinh doanh điện theo hình thức cai thầu đã được xóa bỏ, nông dân đã được hưởng giá bán lẻ điện theo giá nhà nước quy định, nhưng năng lực quản lý và kinh doanh điện nông thôn của một số tổ chức kinh doanh điện ngoài EVN vẫn còn yếu, quản lý kinh doanh điện theo mô hình hiện tại còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo cung cấp điện ổn định.

Chất lượng điện năng chưa đạt được chỉ tiêu, tổn thất điện năng của lưới điện vẫn còn trên mức 8%. Tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng điện chưa đáp ứng kịp thời với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm khu vực nông thôn, vẫn còn xảy ra tình trạng cắt giảm điện luân phiên để đảm bảo an toàn vận hành (đặc biệt là khu vực phát triển nhanh như huyện Hoài Đức, Đan Phượng…). Trong khi đó giá bán buôn điện nông thôn theo quy định chỉ có một mức giá duy nhất không phân biệt cấp điện áp, vì vậy không khuyến khích được các tổ chức kinh doanh điện đầu tư vì không thể bù đắp chi phí. Công tác quản lý của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn, đặc biệt là các tổ chức không tham gia dự án RE2 còn buông lỏng, chưa bài bản, một vài nơi vẫn thực hiện theo chế độ khoán nên tổn thất thương mại cao, lợi nhuận thấp, không tích lũy kịp để tái đầu tư cải tạo phát triển lưới điện.


Ban quản lý Dự án điện nông thôn 2 Hà Nội

Hoàn thành tốt dự án Năng lượng nông thôn 2

Nhằm cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống điện nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn giai đoạn 2010-2020 cho các xã thuộc 16 quận, huyện và thị xã Sơn Tây, Hà Nội, ngày 29/10/2009, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Dự án Năng lượng nông thôn 2 Hà Nội (giai đoạn 2) quy mô thực hiện 89 xã, tổng mức đầu tư 387,077 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là tăng cường độ tin cậy và chất lượng lưới điện, giảm tổn thất điện năng, hạ giá bán điện; nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực quản lý tại các địa phương tham gia dự án, có khả năng quản lý, vận hành, kinh doanh lưới điện đảm bảo có lãi và hoàn trả vốn vay. Đến hết năm 2012, dự án đã hoàn thành đầu tư mới tại 89 xã, trong đó đã thực hiện cải tạo, xây dựng 1.911,8 km đường dây hạ áp, đầu tư 188.799 công tơ, xây dựng 23.992 cột điện.

Ông Đàm Tiến Thắng - Trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công Thương Hà Nội: Sở Công Thương Hà Nội thường xuyên chủ động đề xuất và tham mưu cho UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đưa hoạt động quản lý nhà nước về điện năng trên địa bàn thành phố vào nền nếp, đảm bảo kỷ cương nhằm tạo dựng môi trường minh bạch và thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực phát triển tốt theo quy định của pháp luật, đồng thời bảo vệ lợi ích người tiêu dùng điện, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo ông Đàm Tiến Thắng - Trưởng phòng quản lý điện năng Sở Công Thương kiêm Phó Trưởng ban quản lý Dự án điện nông thôn 2 Hà Nội- Dự án đáp ứng được mục tiêu từng bước cải tạo và nâng cấp lưới điện hạ thế, đáp ứng nhu cầu dùng điện và phát triển kinh tế - xã hội của các xã tham gia dự án. Đồng thời đào tạo và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh điện nông thôn đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững. Lưới điện nông thôn Hà Nội sau đầu tư về cơ bản đã đảm bảo về chất lượng, cung cấp điện an toàn và mỹ quan. Các tổ chức kinh doanh điện được tiếp nhận lưới điện đạt tiêu chuẩn, kinh doanh có lãi và sẵn sàng trả nợ vốn vay.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về điện năng

Hệ thống luật pháp về điện đã được xây dựng và phát triển từ nhiều năm trước, nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện còn thiếu. Việc quản lý quy hoạch qua khâu đấu nối vào mạng điện thành phố gặp khó khăn. Từ những bất cập trên, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành quy định về quản lý thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn thành phố. Sở cũng đã hoàn thành đề xuất xây dựng đề án Hiện đại hóa lưới điện nông thôn TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt đang tăng rất nhanh ở nông thôn, đồng thời giảm tổn thất điện năng, thực hiện tiết kiệm năng lượng cho quốc gia.

Sở cũng đã phối hợp với các huyện, thị xã rà soát lại các tổ chức kinh doanh điện nông thôn đang có giấy phép hoạt động điện lực để xác định các đơn vị được tiếp tục kinh doanh điện; tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND thành phố các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ, xử lý các vướng mắc, bất cập trong công tác điện nông thôn như: Giá bán buôn điện nông thôn, bàn giao hoàn trả lưới điện…
Theo: Công Thương Online