Sự kiện

Nặng gánh cho điện!

Thứ ba, 9/7/2013 | 15:52 GMT+7
Thông tin giá điện không tăng đã được người dân đón nhận rất hào hứng. Rất nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp (DN) đã lên tiếng bình luận quyết định này đã góp phần quan trọng giảm tải áp lực cho nền kinh tế, cho DN.

Tuy nhiên, giá điện không tăng cũng đồng nghĩa với việc khả năng tích lũy vốn đầu tư của ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng sẽ tiếp tục là bài toán khó. Người dân, DN có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng cái áp lực vỗn dĩ đó giờ đã được đẩy sang vai ngành điện. Và như vậy, bài toán vốn hay nỗi khổ của ngành điện sẽ còn lâu nữa mới được giải tỏa!

Vòng luẩn quẩn

Chuyện giá điện tăng hay giảm không phải vấn đề mới của nền kinh tế mà từ nhiều năm nay, hễ khi nào người ta nghe thấy thông tin giá điện tăng là một loạt phép toán mang nặng tính kinh tế cũng được đặt ra. Chẳng phải nói đâu xa, ngay thời gian này, trước khi thông tin chính thức về việc tăng giá điện được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2013 của Bộ Công Thương, chẳng mấy khó khăn để chúng ta bắt gặp mệnh đề “nếu giá điện được điều chỉnh thì…” và tất nhiên, đi kèm theo cái “…” sẽ là một loạt những hệ lụy mang tầm kinh tế vĩ mô, những vết thương khó lành của nền kinh tế sẽ được đưa ra. Những ý kiến kiểu như vậy được đưa ra với mật độ dày đặc nhưng mặc nhiên, chẳng có một phép toán kinh tế nào dành cho ngành điện. Nền kinh tế, giới chuyên gia, cộng đồng DN đòi hỏi ở ngành điện trách nhiệm nhưng lại không muốn có nghĩa vụ với lĩnh vực này. Điệp khúc này đã diễn ra nhiều năm nay và xem ra nó sẽ còn tái diễn trong nhiều năm tiếp theo.
 


Đấu nối đường dây 110kV từ Thủy điện Bản Rạ vào lưới điện Quốc gia

Những ngày cuối tháng 6 vừa rồi, khi thông tin về tăng giá điện theo lộ trình được Chính phủ quy định được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành điện lập tức nhận được sự phản ứng mạnh mẽ từ xã hội. Như đã nói ở trên, sự phản ứng này là hết sức vô lý dù xét ở bất kỳ góc độ nào. Theo những quan điểm này thì việc tăng giá điện sẽ “giết chết” ngành xi măng, sắt thép… bởi nó sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng. Một loạt các phân tích sau đó như tồn kho tăng, nợ xấu cũng tăng… đã được đưa ra sau đó. Phép toán kinh tế của họ là vậy. Nhưng cũng chính họ khi nói về việc mất điện, thiếu điện đã không ngần ngại than rằng: Nếu để xảy ra tình trạng mất điện, thiếu điện thì DN sẽ thiệt hại cả tỉ đồng. Đáng buồn hơn nữa khi ông Đinh Quang Trí - Phó tổng giám đốc EVN lên tiếng khẳng định: “Chắc chắn vào ngày 1/7 tới (tức ngày 1/7/2013 - PV) chưa tăng giá điện” thì những ý kiến như trên vẫn xuất hiện.

Một điểm nữa, theo tính toán của EVN, để đáp ứng đủ mức tăng nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế, từ nay đến năm 2020, vốn đầu tư phát triển của ngành điện sẽ lên tới 5 tỉ USD/năm. Đây có thể xem là con số cực lớn, nếu không muốn nói là vượt quá sức của ngành điện bởi như đã nói, việc giá điện không được điều chỉnh tăng trong nhiều thời điểm mà đáng lẽ nó được tăng đã khiến khả năng tích lũy vốn tái đầu tư của ngành điện là rất thấp. Trong khi đó, mặc dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN ngoài ngành tham gia đầu tư phát triển hệ thống điện nhưng hiệu quả của nó mang lại là rất thấp. Ông Alain Cany - đồng Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013 cũng đã chia sẻ, giá điện còn thấp như hiện nay thì khó có thể thu hút được nhà đầu tư bởi không sinh lợi nhuận. Ông cũng cho rằng, việc không thu hút được dòng vốn đầu tư từ nước ngoài hay các DN tư nhân sẽ khiến tình trạng căng thẳng về nguồn cung điện, quá tải đường dây truyền tải Bắc - Nam, chất lượng điện không ổn định…

Tăng giá điện theo lộ trình quy định là hợp lý cho một phép toán kinh tế nhưng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh mới chỉ đang trên đà phục hồi, ngành điện đã không làm điều đó. Ngành điện đã chấp nhận hy sinh, bởi theo cách nói của ông Trí thì bài toán lợi nhuận không phải là vấn đề trước mắt của EVN. Nhưng cũng chính từ đây, cái vòng luẩn quẩn về vốn và nỗi khổ mà ngành điện phải đối diện nhiều năm nay đã nảy sinh. Và như vậy, con số 5 tỉ USD/năm trên sẽ tiếp tục do một mình ngành điện gánh vác thêm một thời gian nữa.

Tiếp tục vượt khó

Mặc dù đang phải đối diện với vô vàn khó khăn về vốn cũng như những vướng mắc chính sách nhưng bằng nỗ lực, sự quyết tâm của toàn ngành, EVN đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện cũng như các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cơ bản, góp phần quan trọng vào đà phục hồi của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2013. Theo đánh giá chung của EVN thì, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống điện có công suất dự phòng và được vận hành hợp lý. Các chỉ tiêu kinh doanh điện năng đạt kế hoạch. Tập đoàn cân bằng được tài chính. Công tác chỉ đạo điều hành sản xuất và cung ứng điện của Tập đoàn đã bám sát diễn biến tình hình cấp khí, than và thời tiết, thủy văn cũng như nhu cầu phụ tải điện từng tuần, từng tháng, từng khu vực. Chính vì vậy, hệ thống điện được vận hành đạt hiệu quả kinh tế, khai thác hợp lý cơ cấu các nguồn điện trong điều kiện thiếu hụt công suất và sản lượng từ các hồ thủy điện khu vực miền Trung và truyền tải cao từ Bắc vào Nam.

Đặc biệt, EVN đã khai thác tối ưu các hồ thủy điện sát với nhu cầu cấp nước cho sản xuất vụ đông xuân ở đồng bằng Bắc Bộ, vụ đông xuân và vụ hè thu ở miền Trung và Tây Nguyên. Trong điều kiện khu vực miền Trung và Tây Nguyên xảy ra khô hạn nghiêm trọng, Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chủ các nhà máy thủy điện ngoài EVN và chính quyền địa phương đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và bảo vệ môi trường phía hạ du các hồ thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, sông Ba Hạ, sông Hinh, An Khê - KaNak, Đại Ninh, Đồng Nai 3, 4...

Bước sang quý III, IV/2013, trước những dự báo đầy khó khăn, thách thức, EVN xác định: Công tác vận hành nguồn và lưới điện trong các tháng cuối năm sẽ rất phức tạp, đặc biệt trên tuyến truyền tải 500kV Bắc - Nam và hệ thống phân phối điện miền Nam. Chính vì vậy, mục tiêu tổng quát 6 tháng cuối năm của toàn Tập đoàn sẽ là đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành đạt và vượt các nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch năm 2013: chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất và cung ứng điện năm 2014.

Trước mắt, trong tháng 7/2013, EVN đã chỉ đạo các công ty truyền tải điện và các công ty điện lực bảo đảm vận hành an toàn lưới điện 220-500kV, nhất là ĐD 500kV Bắc - Nam và lưới điện phân phối khu vực miền Nam; các tổng công ty điện lực, công ty điện lực đảm bảo đủ điện cho các kỳ thi đại học, cao đẳng; chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống bão lụt; thực hiện phương án bảo vệ và vận hành an toàn các hồ thủy điện để đối phó kịp thời với các diễn biến bất thường của thời tiết và thiên tai.

Ngành điện nói chung và EVN nói riêng đã phải chấp nhận thiệt thòi quá nhiều, đội ngũ cán bộ ngành điện cũng phải sống với nỗi khổ tâm vì sự không thấu hiểu của cộng đồng xã hội, của nền kinh tế, của DN quá lâu như thế nhưng họ không oán, cũng chẳng kêu. Suốt dọc dài đất nước bao năm nay, những bóng áo cam vẫn ngày ngày lặn lội, băng rừng vượt suốt, phơi nắng, phơi sương cho dòng điện của tổ quốc được thông suốt. Họ có tủi thân hay không? Chúng tôi nghĩ là có bởi, những nỗ lực của họ nhiều năm nay đã không được nhìn nhận đúng mức. Lần này cũng vậy, một lần nữa ngành điện chấp nhận hy sinh vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh…
Theo: (PetroTimes)