Tin trong nước

“Hai Hờn”, người anh cả 35 năm tâm huyết với ngành điện

Thứ năm, 23/6/2022 | 09:03 GMT+7
Tốt nghiệp Đại học, được nhận vào làm việc trong ngành điện, rồi khi tái lập tỉnh Bình Phước đầu năm 1997, lại lên vùng đất mới công tác. 

Ông Đỗ Văn Hờn.
 
Trải qua hơn 35 năm gắn bó với ngành điện, trong đó có hơn 6 năm làm Giám đốc, dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông là Đỗ Văn Hờn, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước, một con người được nhiều người ấn tượng bởi sự cởi mở, hòa đồng, thân thiện khi tiếp xúc và làm việc. 
 
Điện phải đi trước một bước 
 
Ông Đỗ Văn Hờn, tên thân mật là ông Hai Hờn, năm nay gần 60 tuổi, cho biết ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, ông được nhận vào làm việc tại Sở Điện lực Sông Bé (cũ). Công tác được một thời gian ông đi học văn bằng 2 tốt nghiệp kỹ sư điện, sau này hoàn thành thêm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh để đáp ứng nhu cầu công việc. 
 
Khi tái lập tỉnh Bình Phước đầu năm 1997, ông lên vùng đất mới công tác và đến nay đã có hơn 35 năm gắn bó với ngành. Ông Hai Hờn kể: là tỉnh miền núi với địa hình rộng, phức tạp, hiểm trở, hạ tầng giao thông yếu kém, di chuyển rất khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt nên công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh những năm đầu gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Khi mới tái lập, toàn tỉnh chỉ có 2 chi nhánh điện đặt tại Phước Long và Bình Long với cơ sở vật chất thiếu thốn, lưới điện cũ nát, chắp vá; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia mới đạt khoảng 50%, còn lại sử dụng điện từ các máy phát điện, bình ắc quy, hay tận dụng các con sông, suối, kênh rạch… rồi đặt các tua bin thô sơ để lấy điện sử dụng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, ngày mới thành lập, Công ty có 24 người cộng với người của 2 Chi nhánh điện, cả Công ty Điện lực Bình Phước lúc đó chỉ có 113 lao động. 
 
Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về điện khí hóa nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sứ mệnh “Điện phải đi trước một bước”, Công ty Điện lực Bình Phước đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư mới, cũng như cải tạo, nâng cấp các điểm xung yếu nhằm nâng cao chất lượng điện. Tập trung thực hiện nâng cấp đường dây, trạm biến áp từ thấp lên cao, cụ thể từ 6kV lên 22kV, từ 10kV lên 22kV…, đẩy mạnh xây dựng trạm 110 kV ở những khu vực có khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ… trên khắp địa bàn tỉnh, đồng thời xóa bỏ một số trạm trung gian. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn sau khi tiếp nhận vì hầu như đã cũ nát, không đảm bảo chất lượng điện năng. 
 
“Những năm đầu đời sống anh em cán bộ, công nhân viên gặp không ít khó khăn. Cả công ty lúc đó chỉ có 1 chiếc xe tải 2,5 tấn vừa làm nhiệm vụ chở anh em chung với thiết bị đi làm việc. Hồi ấy việc di chuyển rất khó khăn, nhiều nơi còn đường đất, lối mòn, nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội, có khi từ tỉnh xuống đến trung tâm huyện đi cả nửa ngày trời. Việc nghỉ ngơi, hầu hết anh em phải ở tạm tại các Tổ điện, nước thì chở từ hồ Suối Cam về dùng, anh em các huyện thì dùng nước giếng đào. Trong số 113 con người thì có hàng chục người đang làm việc tại các trạm phát máy điện của địa phương, chưa được đào tạo chuyên ngành, không có bằng cấp, chuyên môn nhưng Công ty vẫn phải giữ lại làm việc vì cho nghỉ thì số này họ sẽ không có việc làm, biết làm gì? Khi ổn định tổ chức thì kỹ sư lành nghề truyền nghề cho người biết ít, người biết ít truyền lại cho người không biết, rồi cử anh em đi học tập chuyên môn tại các trường đại học, cao đẳng. Từ đó anh em đã đáp ứng tốt công việc, giờ có người đã về hưu, có người vẫn còn gắn bó với ngành” – ông Hai Hờn nhớ lại. 
 
Đề cập đến nguyên nhân đạt được thành tựu như hôm nay, ông Hai Hờn nói: “Chủ trương của Đảng, Nhà nước đề ra là “điện phải đi trước một bước”, có điện thì các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mới phát triển được. Từ chủ trương lớn đó, ngay từ khi mới tái lập Tỉnh, thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Với sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự nỗ lực và quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công nhân viên. Và cả sự hy sinh, ủng hộ của người dân, họ sẵn sàng hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc để mở mang đường điện đi qua.
 
Với sự đầu tư bài bản, khoa học, chỉ trong thời gian từ 1997 đến 1999, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được hưởng niềm vui từ lưới điện quốc gia. Đến nay tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt gần 100%. Nhờ có điện lưới quốc gia đã đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các khu vực còn nhiều khó khăn của tỉnh”.
 
Cần sự chung tay của người dân
 

 
Theo ông Hai Hờn, mặc dù mạng lưới điện quốc gia trên địa bàn Tỉnh đã được phủ khắp, nhưng để đảm bảo quá trình vận hành điện xuyên suốt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, ngành điện đang đầu tư xây dựng thêm khoảng 10 trạm biến áp 110kV. Cùng với đó là phải giải tỏa hàng trăm km đường điện đi qua. “Nguồn điện miền Nam hiện đảm bảo cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt nhưng hiện vẫn có nguy cơ cao xảy ra mất điện, đứt quãng do hạ tầng của tỉnh chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ở những thời điểm cao, hơn nữa ngành công nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ nên về lâu dài cần sớm được hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là công tác giải tỏa, vì để có mặt bằng xây dựng được 10 trạm biến áp 110kV thì bắt buộc phải giải tỏa hàng trăm km đường điện đi qua khắp các địa phương trong tỉnh. Khi bắt tay vào xây dựng sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều hộ dân, do đó ngành điện rất cần sự chung tay ủng hộ của người dân để hoàn thiện hạ tầng lưới điện, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp” – ông Hai Hờn nói. 
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Hai Hờn còn một số trăn trở vì hiện nay công nghệ phục vụ cho ngành điện đã phát triển vượt bậc, nhưng do nguồn kinh phí đầu tư cho ngành điện chưa tương xứng nên nhiều trang thiết bị sử dụng trong ngành hiện vẫn còn cũ kỹ, lạc hậu, chưa được thay mới. “Tôi đơn cử như đồng hồ điện hiện nay gắn cho khách hàng vẫn còn đến 35% chưa được thay thế công nghệ mới. Nếu được thay thế mới toàn bộ sẽ giảm được thời gian đi thu tiền điện, thì anh em đâu còn phải mất công đến từng hộ ghi chỉ số điện. Hay như việc thanh toán tiền điện đã có ngân hàng thì hiện nay vẫn còn nhiều người dân, nhất là vùng nông thôn vẫn chưa mở tài khoản nên vẫn phải thu, nộp thủ công, vừa mất thời gian, vừa mất chi phí di chuyển” – ông Hai Hờn nêu ví dụ. 
 
Hơn 35 năm tuổi nghề, hơn 60 năm tuổi đời, từng kinh qua nhiều chức vụ, vị trí công tác, trong đó có hơn 6 năm làm Giám đốc, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, ông Hai Hờn đã cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Bình Phước vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Cá nhân ông được nhận được nhiều danh hiệu cao quý của các cấp các ngành. Đây là những phần thưởng cao quý, ghi nhận chặng đường cống hiến và dành tâm huyết cho ngành điện Bình Phước, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương.
 
Ông Hai Hờn là con người tâm huyết với nghề, giành cả cuộc đời cùng các đồng nghiệp trải qua biết bao khó nhọc để đem nguồn sáng cho mọi nhà. Chỉ còn vài tháng nữa là ông nghỉ hưu theo chế độ, sẽ chia tay ngôi nhà chung ngành điện Bình Phước, chia tay người “anh Cả” hơn 35 năm gắn bó để trở về vui cùng vợ con, các cháu. “Tôi sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm và mãi tự hào vì được đóng góp cho ngành điện Bình Phước” – ông Hai Hờn tâm sự. 
 
 
Ngành điện đã xây dựng được bản sắc văn hóa riêng và đã trở thành truyền thống. Đặc tính của ngành là sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ điện. Ngành điện với tôi luôn là đam mê, là nhiệt huyết, lấy khách hàng làm trung tâm, vì khách hàng phục vụ, luôn kịp thời, đúng giờ. Tôi đặc biệt tâm đắc nhất là sự chuyển biến về ý thức, phong cách phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ, công nhân viên ngành điện những năm gần đây - Điều mà ông Hai Hờn tâm đắc khi nói về công việc mà ông gắn bó hơn 35 năm qua.
 
Thanh Liêm – Thanh Huyền