Ảnh: Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu.
Hội thảo được tổ chức trên nền tảng Zoom, kết nối từ EVN tới các điểm cầu quốc tế tại Điện lực SPG (Singapore), Điện lực PLN (Indonesia), Điện lực TNB (Malaysia), Điện lực Meralco (Philippines), Điện lực EGAT, PEA, MEA (Thái Lan); và điểm cầu với chuyên gia tại Úc.
Về phía EVN, Tổng Giám đốc EVN- Trần Đình Nhân, Thành viên HTĐV EVN- Cao Quang Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc EVN- Võ Quang Lâm dự Hội thảo. Lãnh đạo Công đoàn Điện lực Việt Nam, các Ban chuyên môn EVN, lãnh đạo các đơn vị trong EVN cũng kết nối tham gia hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Giám đốc EVN- Võ Quang Lâm cho biết, kỷ nguyên số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới cùng với tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới toàn diện và sâu sắc trong mọi lĩnh vực theo hướng tự động hoá, áp dụng công nghệ số. Mặc dù ngành Điện là một ngành công nghiệp hạ tầng truyền thống nhưng trong thời gian vừa qua cũng chứng kiến nhiều sự biến đổi to lớn, ảnh hưởng cơ bản đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của chúng ta.
“Chuyển đổi số là quá trình chúng ta đang chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Những gì chúng ta đang làm trong thế giới thực thì sẽ có một phiên bản như vậy trên môi trường số... Trong những giai đoạn đầu tiên của chuyển đổi số, nhận thức của những người liên quan, đặc biệt là sự quyết tâm của lãnh đạo, nhà quản lý các cấp sẽ là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định thành công trên hành trình này. Trong hành trình chuyển đổi số, việc lựa chọn các mốc (milestone) và mục tiêu hợp lý trong từng giai đoạn là điều rất quan trọng. Đồng thời, trên hành trình thực hiện sẽ rút ra nhiều bài học quý báu”. – Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
EVN tổ chức Hội thảo trực tuyến này với mong muốn cùng nhau chia sẻ, học hỏi từ ngành Điện các nước để rút ngắn và đi nhanh hơn trong hành trình chuyển đổi số.
Tại Hội thảo, Trưởng Ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN -Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, năm 2021, EVN đã lựa chọn chủ đề năm là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, hướng tới mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022.
Mục tiêu tổng quát của EVN khi chuyển đổi số là hướng đến các hoạt động của Tập đoàn được số hóa, các hoạt động chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chất lượng dịch vụ; năng suất lao động; năng lực quản trị để EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2030.
Theo Trưởng Ban VT&CNTT EVN, trên hành trình chuyển đổi số, EVN xác định 3 giai đoạn chuyển đổi. Cụ thể, giai đoạn 1: 2021-2022, Tập đoàn sẽ hiệu chỉnh mô hình nghiệp vụ, hoàn thiện khung pháp lý để chuyển thành qui trình số trong các lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số; nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ mới/công nghệ số; nâng cấp và chuyển đổi hệ thống CNTT; lựa chọn công nghệ và các nền tảng áp dụng. Trong giai đoạn đầu tiên này, triển khai 66 nhiệm vụ cấp EVN và 110 nhiệm vụ cấp đơn vị.
Giai đoạn 2: 2023-2025, EVN sẽ triển khai 26 nhiệm vụ cấp EVN và 38 nhiệm vụ cấp đơn vị. Nâng cao các chương trình chuyển đổi số giai đoạn trước; và triển khai ứng dụng rộng rãi các thử nghiệm thành công cho tất cả các đơn vị trong EVN.
Tới giai đoạn 3: 2025-2030, đưa EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Và tiếp tục rà soát và hoàn thiện chương trình chuyển đổi số của EVN.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn cũng chia sẻ các mục tiêu cụ thể của EVN trong 5 lĩnh vực chuyển đổi số của EVN: Sản xuất; Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng; Đầu tư xây dựng; Quản trị nội bộ; Viễn thông và CNTT.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp ngành Điện các nước ASEAN đã sôi nổi chia sẻ các nội dung liên quan về chuyển đổi số. Một số nội dung như: Bối cảnh toàn cầu của chuyển đổi số và những xu hướng lớn ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong ngành điện năng (ông Đỗ Đức – chuyên gia quốc tế); Đẩy mạnh hiệu quả với đấu thầu số (PLN); Chuyển đổi số trong doanh nghiệp điện (SPG); Phân tích dữ liệu và nhân sự số (TNB); Triển khai IOT với máy biến áp sử dụng bộ chỉnh áp có tải trong lưới phân phối (MEA)…
Dịp này, CBCNV EVN và đại diện doanh nghiệp ngành Điện các nước dành nhiều thời gian để thảo luận, trao đổi, chia sẻ những giải pháp cụ thể về triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản trị, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản lý kỹ thuật, vận hành và bảo dưỡng, đầu tư xây dựng... Qua đó, rút ra những kinh nghiệm quý báu, học hỏi những câu chuyện thành công để áp dụng thực tiễn trên hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành Điện.