Tin trong nước

Hành trình mười năm bán điện sang Lào

Thứ tư, 3/12/2008 | 10:57 GMT+7
Trong các hiệp định Liên Chính phủ Việt - Lào thì vấn đề mua bán điện qua biên giới là một trong những hạng mục ưu tiên hợp tác có tính chiến lược và lâu dài nhằm vun đắp thêm mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết thủy chung son sắt giữa hai Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước.

Giám đốc ĐL Quảng Trị Phan Thành Thuý tặng quà lưu niệm cho Điện lực SaVanakhet- Lào.

Sau điểm bán điện cho vùng đất Sầm Nưa nổi tiếng phía Thượng Lào qua cửa khẩu Pa Háng (Sơn La), Công ty Điện lực 3 ký hợp đồng chính thức bán điện cho Lào qua cửa khẩu Lao Bảo - Đensavẳn, đây là điểm bán điện thứ hai trên đất nước ta cho nước bạn Lào. Trong hành trình bán điện cho Lào mười năm ấy luôn đầy ắp những sự kiện, những con số cùng với bao kỷ niệm khó quên mà mỗi con người trong cuộc đều cảm thấy tự hào và trăn trở.

Những ngày đầu gian khổ


Quảng Trị là tỉnh có chung biên giới với tỉnh Savanakhẹt và tỉnh Salavan của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Huyện biên giới phía Lào giáp với Hướng Hoá Quảng Trị là Huyện Sê Pôn huyện này mang tên dòng sông Sê Pôn- là một phần biên giới về phía Tây Nam Quảng Trị, một phụ lưu của dòng Sê Băng Hiêng, Sê Băng Hiêng được khởi nguồn từ phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị chảy qua địa phận Lào để về với dòng Mê Kông hùng vĩ. Cửa khẩu Lao Bảo là cửa khẩu Quốc tế quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây (East- West Economic Corridor : EWEC) với chiều dài 1450 km đi qua 13 tỉnh thành của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma, nối liền Thái Bình Dương (Thành phố cảng Đà Nẵng- Việt Nam ) và Ấn Độ Dương (Thành phố cảng Mawlamyine- Myanma). Được sự quan tâm của nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đối với một khu kinh tế đặc biệt, Cửa Khẩu Lao Bảo ngày trở nên sầm uất nhộn nhịp.


Nhà nước Lào cũng đã tập trung thu hút đầu tư về phía Đensavan (Sêpôn) nên bộ mặt của vùng giáp ranh hai nước ngày càng đổi mới. Mặt khác trong khuôn khổ hợp tác của các nước tiểu vùng sông Mê Kông thì việc ” Phát triển năng lượng” và “Thúc đẩy thực hiện các hiệp định về trao đổi năng lượng” là hai trong mười dự án gắn liền với việc phát triển EWEC. Do xác định đúng tiềm năng kinh tế và hợp tác khu vực nên hai nước đã sớm có những động thái cho việc xúc tiến đầu tư bán điện qua biên giới nhằm phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương lân cận. Thực tế là bằng nguồn vốn của chính phủ hai nước những tháng cuối năm 1997 đầu năm 1998 Công ty xây lắp điện 3 ( với sự phối hợp của Trung tâm thí nghiệm điện PC3) đảm nhận thi công Đường dây 35 kV Khe Sanh – Lao Bảo, Trạm cắt Lao Bảo, Trạm Trung gian 35/22 kV Đensavẳn do Công ty khảo sát thiết kế điện I, Phân viện thiết kế điện Nha Trang tham gia tư vấn.


Xác định nhiệm vụ bán điện qua cửa khẩu hai nước là nhiệm vụ mới mẻ và khó khăn đối với khu vực miền Trung nên tháng 5/1988 Công ty Điện lực 3 tổ chức đoàn công tác bao gồm Phòng kinh doanh Công ty; Trung tâm điều độ hệ thống điện 3; Lãnh đạo Điện Lực, phòng Kinh doanh, phòng Điều độ, Chi nhánh Khe Sanh Điện lực Quảng Trị tham quan học tập về công tác bán điện cho Lào tại Điện lực Sơn La, Công ty Điện lực 1. Đợt tham quan học tập này đã cho Công ty Điện lực 3 nói chung và Điện lực Quảng Trị nói riêng cách tiếp cận về một mô hình kinh doanh bán điện qua cửa khẩu hai nước. Sau đợt tham quan học tập này, các bộ phận liên quan trong Công ty, Trung tâm Điều độ hệ thống điện 3, Điện lực Quảng Trị đã khẩn trương tiến hành chuẩn bị các cơ sở dữ liệu cho việc viết quy trình vận hành và xử lý sự cố lưới điện, đào tạo nhân viên trực vận hành trạm cắt Lao Bảo phía Việt Nam và trạm trung gian 35/22 kV Đensavẳn phía Lào, chuẩn bị nội dung của hợp đồng bán điện qua cửa khẩu hai nước.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình bán điện cho Lào Qua cửa khẩu Lao Bảo các đoàn Điện lực 2 tỉnh cũng như giữa Công ty Điện lực 3 và Công ty Điện lực Lào đã có nhiều đợt tiếp xúc trực tiếp để giải quyết các vướng mắc về tiến độ thi công các hạng mục công trình, về việc di chuyển trạm cắt từ đất Lào về nằm trên đất Việt Nam, triển khai đào tạo công nhân vận hành đường dây và trạm, về việc lập phương án đóng điện, tiến hành nghiệm thu và chỉ huy đóng điện taị hiện trường.
Ngày 4/8/1998 hợp đồng mua bán điện qua cửa Khẩu Lao Bảo - Đensavẳn giữa Công ty Điện lực 3 và Điện lực Lào đã được ký kết tại Đà Nẵng, đánh dấu một trang mới trên tiến trình hợp tác bán điện qua biên giới. Ngày 8/8/1988 chính thức đóng điện toàn bộ công trình, cấp điện cho các phụ tải khu vực Đensavẳn.


Trên cơ sở của sự hợp tác bán điện thành công qua cửa khẩu Lao Bảo, tháng 8 năm 2003 (năm năm sau ngày bán điện qua cửa khẩu Lao Bảo) tại cửa khẩu La Lay giáp huyện Samuôi, TàÔi tỉnh Salavan - Lào, Điện lực Quảng Trị cùng với Công ty Điện lực 3 triển khai điểm bán điện thứ hai cho nước bạn Lào ở Quảng trị nói riêng và Công ty Điện lực 3 nói chung. Do địa hình khu vực này có nhiều đèo dốc hiểm trở, đường sá đất đá gập gềnh và qua nhiều khe suối, mặt khác mật độ dân cư tại các huyện giáp biên giới thấp nên mạng lưới điện chưa được phát triển so với các huyện thuộc tỉnh Savanakhet. Tuy vậy đây là một dự án có tính chiến lược lâu dài, là nổ lực hợp tác và chia sẽ thắm tình đoàn kết thuỷ chung đối với nhân dân các bộ tộc Lào anh em.

Thành công nhiều mặt


Qua 10 năm hợp tác bán điện qua biên giới thuộc Quảng Trị lưới điện phía bạn Lào đã phát triển khá rộng khắp, riêng chi nhánh điện Sêpôn đã phát triển trên 300 km đường dây 22 kV, gần 7000 khách hàng (trong đó có 19 xí nghiệp sản xuất) của 4 huyện Sêpôn, Mường Noong, Mường phìn và Vilảbouly, tuy sản lượng điện bán qua biên giới chỉ hơn 56,37.370.239 kWh trong 10 năm (qua cửa khẩu Lao Bảo: 54,51 triệu kWh; qua cửa khẩu La Lay: 1,85 triệu kWh), với doanh thu 53,327 tỷ đồng (3,393 triệu USD), nhưng qua quá trình mua bán điện này đã cho thấy sự hợp tác tích cực của hai bên trong các vấn đề liên quan như sự phối hợp có hiệu quả trong công tác vận hành xử lý sự cố lưới điện, vấn đề đo đếm điện năng, thanh toán tiền điện...và đặc biệt là hai bên đã phối hợp gửi các đoàn công tác tìm hiểu về nghiệp vụ cũng như việc triển khai các hoạt động giao lưu văn hoá giửa các Điện lực tỉnh, Công ty Điện lực nhằm tăng cường thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa ngành Điện hai nước. Thật cảm động khi các thế hệ cán bộ quản lý, công nhân vận hành giữa hai nước luôn thắt chặt tình cảm trong mỗi lúc có vấn đề cần giải quyết, những lúc sự cố, hay trong những đợt giao lưu văn hoá văn nghệ... Những ký ức một thời của các học sinh và “ thay giao” (thầy giáo), rồi những ngày vượt lũ đóng điện trạm Samuôi trên đất Lào, những sự cố trên đường đi, đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm vui buồn khó quên.


Trong những năm qua, cùng với việc xây dựng hoàn thiện đường dây 110 kV Đông Hà- Lao Bảo các trạm 110 kV Lao Bảo, Khe Sanh và đưa vào vận hành Nhà máy thuỷ điện Rào Quán (Công ty thuỷ điện Quảng Trị) ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp điện đối với các huyện miền Tây Quảng Trị, và các huyện biên giới thuộc hai tỉnh Savanakhẹt và Salavan giáp ranh Quảng Trị đây cũng là tiền đề cơ bản cho việc hợp tác phát triển, kinh tế xã hội an ninh quốc phòng giữa các vùng giáp ranh trong giai đoạn mới.
Khu vực biên giới Lao Bảo - Đensavan trong những ngày này thật đẹp. Hai bên cầu Xà Ớt sừng sững hai quốc môn Việt Nam - Lào với kiến trúc khá đặc trưng cho hai nền văn hoá Lào, Việt. Cột mốc đôi 605 như vẫn tươi mới cùng với các vườn hoa rực rỡ sắc màu, đây là cặp cột mốc đầu tiên được xây dựng trong khuôn khổ dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam - Lào mà Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Phó thủ tướng Lào Thongloun Sisoulit đã cắt băng khánh thành hồi đầu tháng 9 là minh chứng cho quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.


Con đường số 9 trên đất Lào phẳng lỳ và ít xe cộ dẫn chúng tôi tới thị trấn Sê Pôn. Chi nhánh điện Sê Pôn với 19 anh em thật bận rộn với công tác quản lý vận hành và mua bán điện. Các dự án đưa điện về các bản làng đang được tiếp tục triển khai trên diện rộng. Khác với năm trước, anh em với cái máy đánh chữ cũ kỹ, năm nay Chi nhánh đã có 1 chiếc máy tính để phục vụ cho công tác quản lý của mình.
Chi nhánh trưởng Khăm Con vẫn làm việc trong căn phòng bề bộn với đủ loại tài liệu, hình ảnh của Hoàng thân Xuphanuvông và Chủ tịch Cayxỏnphonevihan thật cương nghị luôn ở vị trí trang trọng và đặc biệt hơn là hai bức ảnh Cố Tổng bí thư Lê Duẩn và Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc với các đoàn cấp cao của Lào năm 1977 như chứng tỏ cho sự nâng niu gìn giữ tình đoàn kết thuỷ chung son sắt mà nhân dân các bộ tộc Lào nói chung và nhân dân tỉnh Savanakhet- quê hương của Chủ tịch Cayxỏnphonevihan nói riêng dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam chúng ta.


Bản Đông một địa danh nổi tiếng trên con đường 9, nơi từng ghi lại chiến công mà bộ đội Việt Lào từng đánh bại quân Mỹ- Nguỵ trong cuộc hành quân Lam sơn 719 Hạ Lào, hôm nay trở nên đông đúc nhộn nhịp. Chiếc cầu Sê Băng Hiêng gần thị trấn huyện lỵ Sê Pôn vẫn sừng sững như in dấu tình cảm của đất nước Liên xô ngày trước. Anh Khăm Con hồ hởi thông báo là tại Mường Phìn, dự án trồng mới cao su do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư đã được triển khai hơn một năm nay đang được chuẩn bị cấp điện với phụ tải ban đầu là 660 kVA. Một dự án trồng mới cao su của Trung Quốc cũng đang được xúc tiến tại huyện Sê Pôn. Ngoài dự án khai thác vàng tại Vilảbouly được cấp điện bằng đường dây 110 kV từ Savanakhẹt, nhiều xí nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu vẫn hoạt động đều đặn, xí nghiệp sản xuất săm lốp ô tô hợp tác Thái – Lào - Trung Quốc đã được khai trương đều có nhu cầu cao về điện từ phía Lao Bảo. Việc xây dựng thêm tuyến 22 kV từ trạm 110 kV Lao Bảo đã được tính đến trong một tương lai gần. Trước mắt chúng tôi, những kỳ vọng về một tuyến đường hữu nghị đang hiển hiện trên từng sự kiện mà anh em làm điện đã và chung tay góp sức.

Còn đó những trăn trở


Chặng đường 10 năm bán điện cho nước bạn Lào qua cửa khẩu Lao Bảo, La Lay của tỉnh Quảng Trị được xem là mô hình hợp tác khá thành công và thực sự tạo được động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đối với huyện giáp ranh thuộc hai tỉnh Savanakhẹt và Salavan Lào cũng như vun đắp thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc.


Ngoài những dự án đầu tư lớn về điện trên đất bạn Lào, trên đất nước ta nói chung và tại địa bàn Miền Trung nói riêng đã và sẽ còn nhiều đơn vị tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác bán điện qua biên giới ở quy mô nhỏ như Quảng Trị, những người làm điện chúng tôi vẫn cứ trăn trở mãi về một mô hình quản lý nhất quán và phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan như phương tiện thông tin liên lạc và sử dụng ngôn ngữ; việc áp dụng các mẫu phiếu công tác, thao tác mang tính đặc thù hiện nay có được thừa nhận ở cấp độ Quốc gia? Thẩm quyền ban hành các quy trình vận hành lưới điện có liên quan đến vấn đề bán điện qua biên giới có cần xem xét lại hay không? Việc thay thế vật tư thiết bị trên lưới điện có liên quan đến các tiêu chuẩn thí nghiệm được tiến hành như thế nào?; vấn đề ưu tiên cấp điện trong bối cảnh cắt điện luân phiên tại Việt Nam ... Chắc hẳn ngoài các cuộc gặp mặt mang tính giao lưu trao đổi, Công ty Điện lực 3 và các đơn vị liên quan sẽ rà soát lại các vấn đề trên để có sự thống nhất trong hành động sắp tới nhằm tăng cường và hoàn thiện hơn nữa công tác bán điện qua biên giới.


Mười năm trôi qua với bao kỷ niệm về một thời hợp tác xuất khẩu điện, nhất định theo dòng thời gian, trong mỗi một người làm điện luôn tin tưởng rằng, dòng điện nghĩa tình Lào - Việt sẽ được kết nối liên tục mãi mãi như một sự khẳng định về tình đoàn kết thuỷ chung keo sơn gắn bó mà chúng ta đã dày công vun đắp.

Theo: PC3