Tin mới nhất

Hiệu quả từ chương trình điện nông thôn: Khẳng định “Ý Đảng – Lòng dân”

Thứ sáu, 14/11/2008 | 14:13 GMT+7
Có thể nói đưa điện về nông là một trong những chủ trương được đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Đưa điện về nông thôn đã tạo bước phát triển quan trọng trong cuộc công cuộc điện khí hóa. Tính đến nay, lưới điện quốc gia đã được đưa tới 8838/9087 xã trên cả nước, đạt tỷ lệ 97,26% (mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2010 đạt 95%); 13,353 triệu hộ dân nông thôn/14,158 triệu hộ có điện, đạt 94,31%.
 

Theo dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hết năm 2008 số hộ dân nông thôn có điện sẽ đạt 95%. Hiện nay, tỉ lệ số xã, số hộ nông thôn có điện ở Việt Nam đã cao hơn một số nước trong khu vực như: Inđônêxia, Philippin, Bangladesh, Xrilanca, Ấn Độ…

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc bán điện trực tiếp tới khách hàng dung điện khu vực nông thôn, từ năm 1999, thông qua các chương trình  và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, EVN đã từng bước thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp và đầu tư cải tạo sau tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng nông thôn. Đến nay, EVN đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn (1999-2005); lưới điện thuỷ nông (2003-2006);  lưới điện nông lâm trường (2003-2007). Đồng thời, từng bước tiếp nhận lưới điện hạ áp tại các xã được địa phương đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau theo hình thức tăng giảm vốn, với 21 tỉnh, thành phố đã bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng toàn bộ khu vực nông thôn; 12 tỉnh đã triển khai bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn trên diện rộng và 20 tỉnh đã có văn bản đề nghị được chuyển giao lưới điện hạ thế nông thôn cho ngành điện quản lý.

Trong những năm qua cho thấy, công cuộc điện khí hóa nông thôn đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Điện về nông thôn đã góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi; tăng năng suất và sản lượng lương thực, hoa màu, cây công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông lâm hải sản, phát huy các làng nghề truyền thống và mở ra các ngành nghề mới, cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí và làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo tiền đề để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Ai cũng có thể nhận thấy cuộc sống thay đổi từ những điều giản dị nhất, như:  có điện, không còn cảnh người nông dân phải oằn vai gánh nước tưới cây; em bé vùng cao  hay ở hải đảo xã xôi đã được biết những chuyện gần xa, đây đó qua các chương trình truyền hình chứ không như trước kia chỉ biết một nơi rừng thiêng nước độc, một thôn đảo nhỏ bé bốn mùa lặng lẽ nằm nghe sóng vỗ.

Điện khí hóa nông thôn là sự thách thức về công bằng xã hội nhưng giải quyết vấn đề lại được đặt ra trong bài toán kinh tế. Vì vậy, bằng cách này, cách khác, Chính phủ đã chỉ đạo EVN từng bước vận dụng, tháo gỡ khó khăn. Từ đó, nhiều dự án điện nông thôn đã được hoàn thành và đang tích cực triển khai. Đơn cử như Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (gọi tắt là RE I), hoàn thành từ năm 2003, với tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng, trong đó vay 150 triệu USD của Ngân hàng thế giới (WB), cấp điện cho 976 xã thuộc 36 tỉnh (trong đó 391 xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135); dự án điện khí hóa nông thôn miền Nam với tổng mức đầu tư 335 tỷ đồng, trong đó vay 19 triệu euro của Cơ quan phát triển Pháp (AFD), phục vụ mở rộng cấp điện cho 138 xã ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, 156.000 hộ nông thôn được cấp điện. Các Dự án trên đã hoàn thành năm 2003. Dự án năng lượng thôn thôn II (RE II), đầu tư phục hồi, nâng cấp, mở rộng mạng lưới điện, kết hợp chuyển đổi và xây dựng mô hình quản lý điện địa phương cho khoảng 1.200 xã tại 26 tỉnh với tổng mức đầu tư 329,5 triệu USD, trong đó, vốn EVN vay WB khoảng 56 triệu USD đầu tư lưới điện trung áp, các tỉnh vay 162 triệu USD đầu tư lưới điện hạ áp. Dự án đang được triển khai, dự kiến năm 2009 sẽ hoàn thành, về đích trước 2 năm so với kế hoạch.

Bên cạnh các dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay, Chính phủ đã quyết định đầu tư dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng mức đầu tư 1.094 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% là vốn ngân sách và 15% vốn của EVN. Dự án dự kiến cấp điện cho hơn 1.200 hộ với khoảng 116.000 hộ dân trên tổng số 173.000 hộ dân chưa có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, EVN đã triển khai 30 gói thầu xây lắp/61 gói thầu xây lắp. Dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ số hộ dân được cấp điện khu vực Tây Nguyên lên trên 90%.

Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện là đồng bào Khmer của 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cũng được Chính phủ cho phép áp dụng theo cơ chế như 5 tỉnh Tây Nguyên. Dự án dự kiến cấp điện cho khoảng 41.000 hộ dân, với tổng mức đầu tư 534 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách là 454 tỷ đồng và vốn EVN khoảng 80 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang khảo sát và thiết kế bản vẽ thi công. Dự án hoàn thành sẽ đưa tỉ lệ hộ gia đình đồng bào Khmer có điện đạt trên 90%.

Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã coi công cuộc điện khí hóa nông thôn như một sự nghiệp có tầm quan trọng quốc gia đặc biệt. Thành quả từ công cuộc này, ngoài sự tham gia tích cực của các địa phương và trợ giúp của các bộ ngành liên quan, phải kể đến sự nỗ lực của EVN trong việc khẳng định vai trò chủ đạo đối với công cuộc điện khí hóa nông thôn, đóng góp quan trọng phát triển nền kinh tế nói chung.

Hiệu quả từ chương trình điện khí nông thôn được gọi là sức mạnh tổng hợp của “ý Đảng - lòng dân” /

Thanh Mai