Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở trạm biến áp 110kV Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa. Ảnh: NAM KHÁNH
Theo Công ty Điện lực Phú Yên, trước tháng 5/2019, khi chưa có hệ thống điện mặt trời áp mái thì sản lượng điện tự dùng của 7 trạm biến áp 110kV do Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Phú Yên quản lý khoảng 51.936kWh. Nguồn điện này được lấy từ hệ thống máy biến áp tự dùng tại các trạm.
Đến tháng 8/2019, khi đưa hệ thống điện mặt trời áp mái vào sử dụng thì lượng điện lấy từ hệ thống máy biến áp tự dùng của 7 trạm chỉ còn khoảng 35.646kWh. Khoảng 16.000kWh còn lại được lấy từ hệ thống điện mặt trời áp mái. Đồng thời, hệ thống này còn phát ngược lên lưới khoảng 37.000kWh.
Việc phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái không những giải quyết được một phần nhu cầu sử dụng điện tự dùng tại các trụ sở điện lực, trạm biến áp, mà còn góp phần phát huy hiệu quả về tài chính và bảo vệ môi trường.
Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: Công trình lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các cơ sở điện lực và các trạm biến áp 110kV giai đoạn 3 có tổng công suất 199,71kWp, chi phí đầu tư 5,5 tỉ đồng. Với mô hình lắp điện mặt trời áp mái tại các trụ sở điện lực, Tổng công ty Điện lực Miền Trung nói chung và Công ty Điện lực Phú Yên nói riêng đã có những bước đi tiên phong trong việc triển khai và thực hiện chủ trương của ngành Điện về chương trình phát triển điện mặt trời áp mái để giảm một phần gánh nặng cho hệ thống điện, đồng thời tạo nguồn điện phát lên lưới, góp phần giảm tổn thất điện năng trên lưới điện.
Theo: Báo Phú Yên