Hiệu quả từ phần mềm điều khiển tích hợp trạm biến áp

Thứ tư, 22/12/2021 | 08:44 GMT+7
Với mong muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành và làm chủ công nghệ đối với lưới truyền tải điện quốc gia, năm 2020-2021 các kỹ sư của Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS)- thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã nghiên cứu và ứng dụng thành công “Phần mềm điều khiển, tích hợp trạm biến áp –NPTSA”

Phần mềm được ứng dụng tại TBA 220 kV Sơn Động.

Tháng 11/2021 vừa qua, Phần mềm đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận Quyền đăng ký tác giả.

Vượt qua thách thức
 
Tính đến thời điểm hiện tại, EVNNPT đang quản lý và vận hành 134 trạm biến áp (220kV và 500kV), trong đó có 29 trạm sử dụng điều khiển truyền thống chiếm 21,64%, còn lại 105 trạm (chiếm 79,36%) sử dụng hệ thống điều khiển tích hợp của nhiều hãng sản xuất trên thế giới. Tính tổng cộng có khoảng 16 loại hệ thống điều khiển khác nhau dẫn đến sự phụ thuộc và khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện truyền tải của EVNNPT.
 
Theo quy hoạch Điện VII điều chỉnh, dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ có đến 312 TBA 220kV và 61 TBA 500 kV đưa vào vận hành. Nếu không làm chủ được công nghệ trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng lưới điện thông minh, trong đó có việc chuyển đổi các trạm biến áp hiện hữu sang chế độ không người trực, sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý vận hành, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng cung cấp điện. Do đó, yêu cầu cấp thiết của ngành điện là phải có một phần mềm có khả năng tích hợp, điều khiển được tất cả các TBA của các nhà sản xuất khác nhau.
 
Để giải quyết vấn đề trên, đồng thời thực hiện Đề án tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại EVNNPT và Đề án lưới điện thông minh của EVNNPT, năm 2020, EVNNPT đã giao NPTS triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp TBA trên nền tảng giao thức IEC 61850 sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập với nhà sản xuất thiết bị”. Mục tiêu của đề tài là xây dựng được hệ thống điều khiển bảo vệ tích hợp TBA độc lập, không phụ thuộc nhà sản xuất, có thể tích hợp được thiết bị điều khiển, bảo vệ của nhiều hãng khác nhau. Sản phẩm của đề tài được kỳ vọng nếu thành công sẽ giúp tiết giảm chi phí về thời gian và tiền bạc rất lớn cho ngành điện trong công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc NPTS, Chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện tại, hầu hết các đơn vị trong EVN nói chung chưa làm chủ được công nghệ của các nhà cung cấp thiết bị. Chưa có đơn vị nào tự nghiên cứu ứng dụng triển khai một phần mềm độc lập với nhà sản xuất thiết bị điều khiển và bảo vệ để xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp cho riêng mình. Bên cạnh đó, các khiếm khuyết, tồn tại liên quan đến kết nối hệ thống điều khiển tích hợp, hệ thống SCADA chưa kiểm soát hết.
 
“Trong thời gian tới, khi đưa các TBA không người trực vào thì nhu cầu của các Công ty Truyền tải điện về việc sửa chữa, khắc phục các tín hiệu SCADA là rất cao và cấp thiết (xử lý nhanh) để đảm bảo duy trì lưới điện truyền tải vận hành tin cậy, ổn định do vậy yêu cầu phải làm chủ, tự xử lý nhanh các tình huống khiếm khuyết sự cố đối với hệ thống điều khiển tích hợp là rất cấp thiết” - Ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
 
Khẳng định trí tuệ Việt
 
Sau hơn một năm làm việc, nỗ lực nghiên cứu, phần mềm điều khiển tích hợp trạm biến áp đã được thử nghiệm thành công và ứng dụng tại 13 TBA, vượt chỉ tiêu kế hoạch EVNNPT giao cho NPTS.
 
Hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp được nghiên cứu xây dựng dựa trên phần mềm zenon Energy Edition có các chức năng giám sát, điều khiển, cảnh báo,...tương đương với các phần mềm của các hãng lớn trên thế giới như MicroSCADA của ABB, SICAM PAS của SIEMENS, phù hợp với quy định về Hệ thống điều khiển trạm biến áp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng thì việc nghiên cứu, ứng dụng một phầm mềm third-party độc lập với nhà sản xuất để xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp TBA dựa trên nền tảng IEC61850 đã giúp cho việc quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đơn giản hơn rất nhiều, góp tăng năng suất lao động. Đồng thời, không phải phụ thuộc vào nhà sản xuất, đảm bảo tính cạnh tranh cho các thiết bị điều khiển bảo vệ của các hãng khác nhau. Khi tự chủ về công nghệ thì ngành điện cũng sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn do không phải tốn các chi phí, thời gian cho các chuyên gia của hãng sản xuất khi sự cố xảy ra.
 
Mặt khác, việc làm chủ công nghệ sẽ giúp EVNNPT chủ động trong việc đầu tư các TBA mới cũng như nâng cấp, xây dựng các hệ thống điều khiển tích hợp TBA lưới điện truyền tải mà không phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp. Từ đó giảm được chi phí đầu tư, chi phí thuê chuyên gia trong việc triển khai xây dựng hệ thống điều khiển TBA trên lưới truyền tải điện, đặc biệt đối với việc nâng cấp, cải tạo hệ thống điều khiển của trạm biến áp cũ.
 
Hiện EVNNPT đã xây dựng và ban hành quy định yêu cầu kỹ thuật cơ bản hệ thống điều khiển TBA trên nền tảng tiêu chuẩn IEC 61850. Đây là quy định rất quan trọng để góp phần giúp EVNNPT thống nhất và làm chủ hệ thống điều khiển máy tính TBA trên lưới điện truyền tải.
 
Từ những lợi ích mang lại từ Phần mềm điều khiển, tích hợp trạm biến áp – NPTSA, EVNNPT đã giao NPTS triển khai ứng dụng cho 100% các TBA do EVNNPT quản lý, vận hành.

Phần mềm điều khiển, tích hợp trạm biến áp – NPTSA là một minh chứng rõ ràng về trí tuệ và sự trưởng thành của các kỹ sư ngành truyền tải điện Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành tin cậy hệ thống truyền tải điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên số.
Theo: Báo Công Thương