Diễn đàn năng lượng

Hỗ trợ điện gió nối lưới

Thứ tư, 7/10/2015 | 10:41 GMT+7
Thời gian gần đây, việc bảo đảm ổn định an ninh năng lượng là một trong những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.


 
Việc tăng cường nghiên cứu, khai thác và tận dụng triệt để những nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như năng lượng gió (NLG), mặt trời, sinh khối… thật sự cần thiết, nhằm hạn chế việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái sinh, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Việc phát triển và sử dụng nguồn NLTT, nhất là NLG, giảm sự phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch là xu hướng rõ rệt trên thế giới. Trong bối cảnh trên, NLTT nói chung và NLG nói riêng là những nguồn năng lượng tiềm năng, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung năng lượng, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho các nền kinh tế. Nhu cầu ngày càng lớn của nhiều nền kinh tế về sử dụng NLTT, trong đó có NLG được ghi nhận một cách rõ ràng bởi cả Chính phủ và các doanh nghiệp. Lợi thế của NLG so với các nguồn năng lượng truyền thống khác là nguồn cung sẵn có, dồi dào, có thể tái tạo, bền vững và thân thiện với môi trường, giá cả cạnh tranh nếu được sản xuất trên quy mô lớn.

Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về NLTT, trong đó NLG được đánh giá có tiềm năng rất lớn, nhưng đến nay, việc đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu do tính kinh tế của nguồn NLTT chưa thật sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ… đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT. Để có thể hiện thực hóa việc đưa NLG vào sản xuất và sử dụng phổ biến trên quy mô đại trà trong khu vực, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: NLG do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên và vị trí địa lý nên mang tính bất ổn cao; chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thiết bị còn cao và chưa phổ biến (hiện suất đầu tư điện gió ở Việt Nam dao động khoảng 2 triệu USD/MW, giá thành điện lên tới khoảng 0,1 USD/kW giờ); chuỗi cung ứng trên thị trường, phục vụ việc sản xuất nguyên liệu đầu vào và phát triển thương mại về NLG còn gặp nhiều bất cập; tâm lý người tiêu dùng về tính ưu việt, thân thiện với môi trường của việc sử dụng NLG chưa được thuyết phục… Những nhân tố này đã và đang khiến cho việc áp dụng rộng rãi NLG còn gặp nhiều khó khăn trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng.

Nhằm giải quyết một cách hiệu quả những thách thức nêu trên, việc Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân cùng chung tay hợp tác nhằm tháo gỡ những khó khăn, tối đa hóa hiệu quả của các chương trình đầu tư vào NLG là nhân tố quan trọng. Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đặt ra trong Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 là, phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện gió sẽ đạt 1.000 MW, chiếm 0,7% tổng sản lượng điện và đạt 6.200 MW vào năm 2030, chiếm 2,4% trong cơ cấu sản xuất điện của cả nước. Trong khi Chính phủ tăng cường đầu tư vào các chương trình quốc gia, xác định và thực thi các chiến lược, kế hoạch và chính sách khuyến khích việc sản xuất và phát triển NLTT nói chung, NLG nói riêng, nhằm tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư nhiều hơn vào NLG, thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực đề xuất những sáng kiến của mình, chung tay với Chính phủ cả về mặt kỹ thuật, sáng tạo và đầu tư nguồn tài chính nhằm phát triển ngành năng lượng quan trọng này. Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công thương sớm hoàn thiện cơ chế trình Chính phủ ban hành quy định hỗ trợ, khuyến khích các dự án đầu tư điện gió trong nước, trong đó cần làm rõ những cơ chế ưu đãi cụ thể, giúp nhà đầu tư tính toán, triển khai các dự án điện gió mang tính khả thi cao; đề xuất các chính sách hỗ trợ giá điện thu mua, thuế, đất đai… để hỗ trợ điện gió nối lưới. Với những nỗ lực trên, hy vọng NLG có thể sớm trở thành một trong những nguồn NLTT thay thế hiệu quả, bền vững và ổn định.
Thanh Giang/Icon.com.vn