Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, nếu phân tích kĩ thì nhiều quốc gia đang phát triển và hệ thống năng lượng của họ lại có những đặc điểm “độc nhất vô nhị” khiến họ có được những lợi thế nhất định so với các thị trường khác, đồng thời mở ra cho họ những cơ hội lớn để có thể triển khai trên diện rộng dạng năng lượng đang được thế giới yêu thích này.
Thứ nhất, các quốc gia đang phát triển lại là những nơi có nguồn năng lượng mặt trời tốt nhất.
Tất cả các quốc gia được xếp loại “ít phát triển nhất” hoặc “đang phát triển” theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc (UN) và Quỹ tiển tệ quốc tế (IMF) đều nằm trong vùng gọi là “vành đai mặt trời”. Điều này có nghĩa là các quốc gia này có thể an tâm về nguồn ánh sáng mặt trời cho việc sản xuất năng lượng của họ.
Thứ hai, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu là khá cao nhưng điện mặt trời lại mang đến cơ hội thay thế rẻ hơn cho một số công nghệ phát điện đang được sử dụng ở các quốc gia này.
Không giống như các quốc gia phát triển, nơi mà điện mặt trời phải cạnh tranh gay gắt với những công nghệ có chi phí đầu tư thấp như là than đá và khí đốt, nhiều quốc gia đang phát triển lại đang phải chi một số tiền đáng kể cho những nhà máy năng lượng chạy bằng nguồn dầu mỏ đắt đỏ - lên đến 0,40 USD/kWh.
Nếu thử so sánh một chút với Kenya, quốc gia hiện đang sản xuất điện mặt trời với mức phí ước tính là từ 0,17 đến 0,3 USD/kWh, hay xa hơn một chút là mức giá 0,10 USD/kWh tại những cuộc đấu thầu gần đây nhất ở Nam Phi để được quyền sản xuất năng lượng tái tạo thì rõ ràng mức chi phí trên là khá cao.
Hiện tại, 20% tổng sản lượng điện được tạo ra ở 100 trong tổng số 156 quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới là từ các nhà máy phát điện chạy bằng dầu mỏ, và nếu chỉ tính các quốc gia kém phát triển nhất thì con số này là 45%. Vì vậy, điện mặt trời chính là cơ hội lớn về mặt kinh tế để giảm việc sử dụng lượng dầu mỏ và chi phí phát điện.
Thứ ba, các nhà máy điện mặt trời có thể tránh được hai rào cản quan trọng trong việc phát điện truyền thống vì chúng có thể được đặt gần những trung tâm tải điện lớn, cũng như có thể được xây dựng một cách nhanh chóng và tăng dần kích thước lên.
Để tiết kiệm được chi phí sản xuất và đạt được chi phí thấp hơn cho mỗi kW điện tạo ra, các nhà máy hoạt động bằng than đá cần phải có được công suất tối thiểu. Tuy nhiên, mức tối thiểu này lại thường vượt quá nhu cầu cao nhất của một quốc gia.
Chẳng hạn như ở châu Phi, ít nhất 20 quốc gia tại đây hiện có nhu cầu thấp hơn mức được xem là hiệu quả để xây dựng một nhà máy phát điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, dù các nhà máy chạy bằng khí đốt có thể được xây dựng với quy mô khiêm tốn hơn, nhưng, cũng như than đá, chúng đòi hỏi cần phải có sự đầu tư về cảng, đường ống dẫn khí, các trạm thu giữ khí, và những cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác.
Điều này tạo ra những rào cản khổng lồ cho các quốc gia đang phát triển khi muốn xây những hệ thống năng lượng dựa trên các công nghệ truyền thống, đó là chưa kể đến chuyện họ còn phải vất vả lo nguồn tài chính cho những thứ khác cần thiết hơn.
Vì thế, các nhà máy điện mặt trời sẽ mang lại cho họ một cơ hội đầy hứa hẹn trong việc cung cấp năng lượng cho những trung tâm tải điện lớn mà không cần phải đầu tư thêm nhiều về cơ sở hạ tầng, và dĩ nhiên không phải chịu thiệt hại về mặt kinh tế do chưa đạt đúng quy mô cần thiết.
Thứ tư, các quốc gia đang phát triển có được vị trí tốt hơn để quản lý sự không liên tục và tính dễ thay đổi của năng lượng mặt trời, vốn là một rào cản lớn trong việc triển khai những mạng lưới các nguồn năng lượng tái tạo được kết nối với nhau ở những quốc gia phát triển.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực hạ Sahara, đã có được nguồn điện linh động hơn nhờ những nhà máy thủy điện được xây gần các hồ chứa nước. Nguồn điện này có thể được dùng để bù đắp cho nguồn điện mặt trời bị thiếu hụt, do lượng ánh sáng bị thay đổi, từ các nhà máy quang điện.
Việc kết hợp các nhà máy thủy điện từ những hồ chứa nước với năng lượng mặt trời có thể làm giảm lượng tải cực điểm của mạng lưới, làm cho độ biến đổi dòng điện mượt mà hơn, và giảm cường độ hoạt động của các máy phát điện.
Ở ít nhất 24 quốc gia châu Phi, trên 40% công suất đã được đưa vào sử dụng là đến từ thủy điện. Những ước tính hiện tại cho thấy rằng vẫn còn có đến 151 GW thủy điện khả thi về mặt kinh tế chưa được triển khai ở lục địa này, vượt xa công suất hiện có của tất cả các công nghệ khác gộp lại.
Do vậy, cơ hội cho các quốc gia đang phát triển xây nên những nhà máy thủy điện thậm chí linh động hơn để bù đắp cho mạng lưới những nguồn năng lượng tái tạo không ổn định là rất lớn. Và trên thực tế là, một vài dự án lớn hiện đã được bắt đầu.
Tóm lại, các quốc gia đang phát triển hiện đang ở một vị thế “hiếm có” để tránh được những hệ thống năng lượng có lượng khí thải carbon lớn mà những quốc gia phát triển đang cố gắng thay thế. Bằng việc đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không kém phần cụ thể và khả thi, cho điện mặt trời, các quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể tạo ra một hướng đi “xanh” hơn, rẻ hơn để có được sự phát triển bền vững.