Việc thao tác điều khiển thiết bị chính được thực hiện từ các Trung tâm điều khiển xa đặt tại cấp các điều độ. Việc kiểm tra giám sát thiết bị trong chế độ vận hành bình thường và giám sát thiết bị trong chế chế độ thao tác cần phải áp dụng công nghệ giám sát thay thế con người trực vận hành tại chỗ. Hiện nay, việc thu thập thông tin vận hành tại các trạm biến áp trên lưới điện Truyền tải được thực hiện thông qua hệ thống điều khiển tích hợp (ĐKTH), hệ thống thu thập công tơ điện tử theo thời gian thực (MDMS) và camera quan sát an ninh. Tuy nhiên vẫn còn một số dữ liệu cần phải do con người thực hiện như: Giám sát tình trạng phát nhiệt tại các kẹp cực thiết bị, tại các biến điện áp, biến dòng điện, sứ máy biến áp,..; Giám sát thao tác thiết bị theo lệnh điều độ.
Vì vậy triển khai khai nghiên cứu giải pháp, thiết kế xây dựng chương trình hỗ trợ giám sát vận hành Trạm biến áp không người trực cần thực hiện 02 nội dung sau:
Nội dung 1: Hỗ trợ giám sát trực tuyến nhiệt độ thiết bị trong vận hành: Định kỳ camera hồng ngoại lắp đặt tại các Trạm biến áp tự động chụp ảnh nhiệt các kẹp cực mối nối, thiết bị và nạp vào chương trình tiến hành xử lý hình ảnh, số hóa số liệu nhiệt độ và vị trí thiết bị, cảnh báo lên hệ thống giám sát từ xa khi quá nhiệt độ cho phép.
Mục đích nhằm giúp nhân viên vận hành giám sát vận hành thiết bị một cách trực quan; Phán đoán, phát hiện nhanh các hiện tượng phát nhiệt bất thường và xử lý nhanh, kịp thời nhằm hạn chế sự cố có nguyên nhân phát nhiệt trên thiết bị; Chủ động trong công tác kiểm tra ngăn ngừa; có thể kiểm tra nhanh trong nhiều điều kiện khác nhau như: ban đêm, ngày; xử lý các điểm xung yếu trước mùa mưa bão, chuẩn bị cấp điện trong các dịp lễ, hội, các hội nghị lớn…;Rút ngắn thời gian kiểm tra định kỳ, xác định chính xác vị trí cần xử lý; Chủ động trong công tác dự phòng, chuẩn bị vật tư thiết bị trước khi tiến hành công tác trên lưới điện; Hình ảnh kết quả đo có thể lưu trữ lại phục vụ cho công tác theo dõi vận hành, phân tích báo cáo…;
Tóm lại việc xây dựng chương trình hỗ trợ giám sát nhiệt độ thiết bị vận hành online trong điều kiện vận hành bình thường, điều kiện vận hành quá tải hoặc hoặc trong điều kiện phương thức vận hành bất lợi so với phương thức cơ bản nhằm phát hiện các hiện tượng bất thường của thiết bị một cách kịp thời, chính xác, trực quan từ xa tại các Trung tâm vận hành (TTVH) và Trung tâm điều khiển (TTĐK).
Nội dung 2: Hỗ trợ giám sát trạng thái vận hành, thao tác thiết bị từ xa: Nhân viên vận hành thực hiện thao tác thiết bị, hệ thống camera tự động zoom vào vị trí thiết bị theo tọa độ đã cài đặt, tiến hành chụp ảnh và gửi thông tin hình ảnh và vị trí về hệ thống giám sát. Hệ thống tự động nạp hinh ảnh vào chương trình và phân tích cho ra kết quả chính xác trạng thái thiết bị đồng thời khóa thao tác khi điều kiện liên động không thỏa mãn. Mục đích: Nhằm giám sát trạng thái của các thiết bị tại các trạm biến áp không người trực từ trung tâm vận hành (TTVH) hoặc Trung tâm điều khiển xa (TTĐKX) một cách trực quan, tự động, thường xuyên và liên tục; giảm thiểu sự cố do thao tác nhầm của nhân viên vận hành khi dao cách ly, dao tiếp địa đóng mở không hoàn toàn, nâng cao mức độ an toàn cho người vận hành; đáp ứng các yêu cầu của thị trường điện và lưới điện thông minh (Smart Grid).
Đề tài đã được triển khai áp dụng thử nghiệm giám sát nhiệt độ thiết bị trong vận hành tại Trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi và giám sát trạng thái dao cách ly, dao tiếp địa ngăn lộ Xuất Tuyến đường dây 220kV tại Trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi.
Kết quả thực hiện:
1. Ứng dụng chương trình hỗ trợ giám sát nhiệt độ các thiết bị trong vận hành
Hình 1. Chương trình xử lý ảnh nhiệt
2. Triển khai ứng dụng chương trình giám sát vận hành thực hiện nhận dạng trạng thái dao cách ly, dao tiếp địa thực tế vận hành ngăn lộ D01 tại TBA 220kV Quảng Ngãi
- Viết chương trình xử lý nhận dạng dao các ly mở. Kết quả chương trình Labview trên máy tính xử lý nhận dạng dao các ly mở như hình.
Hình 2. Chương trình xử lý nhận dạng dao cách ly mở.
- Viết chương trình xử lý nhận dạng dao các ly đóng. Kết quả chương trình Labview trên máy tính xử lý nhận dạng dao các ly đóng như hình.
Hình 3. Chương trình xử lý nhận dạng dao cách ly đóng.
- Viết chương trình xử lý nhận dạng dao tiếp địa đóng. Kết quả chương trình Labview trên máy tính xử lý nhận dạng dao tiếp địa đóng như hình.
Hình 4. Chương trình xử lý nhận dạng dao tiếp địa đóng.
- Viết chương trình xử lý nhận dạng dao tiếp địa mở. Kết quả chương trình Labview trên máy tính xử lý nhận dạng dao tiếp địa mở như hình.
Hình 5. Chương trình xử lý nhận dạng dao tiếp địa mở.
3. Thiết kê kết nối tín hiệu xử lý từ hệ thống camera lên hệ thống điều khiển tích hợp (hệ thống giám sát và điều khiển thiết bị từ xa tại các Trạm biến áp)
Tại Trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi đang sử dụng hệ thống máy tính điều khiển tích hợp MicroSCADA SYS600 9.1 của ABB. Giao thức truyền thông trong trạm là IEC61850.
Hình 6. Giao diện giám sát vận hành đã thực hiện bổ sung tín hiệu giám sát
- Cấu hình bổ sung liên động mền trên hệ thống điều khiển tích hợp
Để đảm bảo thao tác từ xa, tiến hành khai báo liên động cho đối tượng thao tác. Mục đích, khi có tín hiệu báo dao tiếp địa (DTĐ 275-15) mở, thì được phép thao tác đóng dao cách ly (DCL 275-1); Khi có tín hiệu báo dao cách ly (DCL 275-1) mở, thì được thao tác đóng/mở dao tiếp địa (DTĐ 275-15); Khi đã khóa liên động, dao diện thao tác sẽ mờ nút nhấn đóng, mở.
Giao diện thao tác thiết bị.
4. Kết quả thử nghiệm
Sau khi hoàn thành, tác giả đã tiến hành thử nghiệm chương trình thực tế tại Trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi. Kết quả như sau:
- Chương trình giám sát nhiệt độ vận hành thiết bị thực hiện định kỳ theo quy trình đo nhiệt độ mối nối tiếp xúc, chương trình phân tích số liệu nhiệt độ thiết bị từ ảnh nhiệt và cho ra số liệu chính xác, kết quả được xuất ra dưới dạng file excel, phục vụ công tác báo cáo và lưu trữ.
- Chương trình giám sát trạng thái vận hành, thao tác thiết bị: Được thử nghiệm trong công tác nghiệm thu, tiếp nhận vận hành ngăn lộ D01 (XT 220kV Quảng Ngãi – Phước An), chương trình xử lý ảnh và đưa ra kết quả trạng thái của các thiết bị rất chính xác và ổn định.
Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có bước tiến dài trong ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh điện năng, góp phần tăng năng suất lao động một cách bền vững.
Trạm biến áp không người trực là giải pháp hợp lý cho hệ thống điện vì được quản lý vận hành một cách tự động, nâng cao năng suất lao động, giảm tối đa nhân lực. Trong tương lai, hàng loạt trạm biến áp không người trực, vận hành tự động, điều khiển từ xa sẽ được ngành Điện đưa vào vận hành. Đây cũng là hướng đi tất yếu, tiến tới thực hiện lộ trình lưới điện thông minh.
Nhằm đáp ứng được nhu cầu và định hướng triển khai trung tâm vận hành và Trạm biến áp 220kV không người trực đến năm 2020 của Công ty Truyền tải điện 2 theo chủ trương của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc Gia. Đề tài đã nghiên cứu, thiết kế xây dựng các chương trình hỗ trợ giám sát phục vụ mục tiêu tự động hóa trạm biến áp không người trực. Đã được áp dụng thử nghiệm giám sát nhiệt độ thiết bị trong vận hành tại Trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi và giám sát trạng thái dao cách ly, dao tiếp địa ngăn lộ 220kV Xuất Tuyến đường dây Quảng Ngãi – Phước An tại Trạm biến áp 220kV Quảng Ngãi.
Để nâng cao mức độ tự động hóa trong các trạm biến áp cũng như giám sát thiết bị trong vận hành tại các trung tâm điều khiển và trung tâm vận hành từ xa; với kết quả đạt được trong phạm vi nghiên cứu của đề tài. Tác giả đề xuất trong thời gian tới các Công ty Truyền tải điện và công ty Lưới điện cao thế thực hiện trang bị đồng bộ tại các trạm biến áp không người trực hệ thống CAMERA giám sát thiết bị trong vận hành bằng loại CAMERA hồng ngoại, có khả năng định vị tọa độ thiết bị trên sơ đồ quan sát để áp dụng đề tài nghiên cứu thực hiện chức năng giám sát nhiệt độ thiết bị và giám sát trạng thái thao tác thiết bị trong vận hành.