Ảnh: Trần Hải.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Cuộc họp được truyền trực tuyến tới trụ sở Uỷ ban nhân dân các địa phương có tuyến ĐZ 500kV mạch 3 đi qua.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối
Theo báo cáo của EVN, tình hình thực hiện các dự án đến ngày 22/5, về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay, tổng cộng 4 Dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1.177/1.177 (100%) vị trí móng cột và 478/513 (gần 93%) khoảng néo (KN), còn 35/513 KN chưa bàn giao. 2 tỉnh đã hoàn thành bàn giao hành lang tuyến là Quảng Bình và Ninh Bình. 7 tỉnh chưa hoàn thành bàn giao hành lang tuyến là: Hà Tĩnh (còn 9/113 KN), Nghệ An (còn 3/71 KN), Thanh Hóa (còn 1/137 KN), Nam Định (còn 7/54 KN), Thái Bình (còn 5/46 KN), Hải Dương (còn 1/28 KN) và Hưng Yên (còn 9/26 KN).
Hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh đang tiến hành phê duyệt các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, vận động người dân bàn giao hành lang tuyến còn lại phù hợp với tiến độ thi công của các Dự án.
Về công tác cung cấp cột thép, tổng cộng có 75 gói thầu cung cấp cột thép, do 18 nhà thầu, liên danh nhà thầu thực hiện, gồm 1.177 vị trí cột, tương ứng gần 139.000 tấn thép. Đến nay đã bàn giao 667/1.177 vị trí cột, còn 510/1.177 vị trí cột chưa bàn giao.
Đối với công tác cung cấp vật tư thiết bị, hiện nay EVNNPT và các Ban Quản lý dự án đang quyết liệt đôn đốc các nhà thầu khẩn trương cung cấp, bàn giao vật tư thiết bị để triển khai thi công lắp đặt. Tuy nhiên, còn một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị (sứ, phụ kiện) được sản xuất, cấp hàng từ Trung Quốc chậm tiến độ, dự kiến đầu tháng 6/2024 mới bàn giao hàng hóa.
Đối với Dự án ĐZ 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa, công tác đúc móng đã hoàn thành ngày 16/5 và tiến hành dựng cột, lắp đặt cách điện, phụ kiện, kéo dây từ từ 28/4 đến 20/6. Dự kiến sẽ thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện từ 20 đến 30/6/2024.
Đối với Dự án ĐZ 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, công tác đúc móng từ 18/1 đến 23/5; Dựng cột từ 16/3 đến 15/6; Lắp đặt cách điện, phụ kiện và kéo dây từ 8/5 đến 20/6. Dự kiến công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện từ 20-30/6.
Đối với Dự án ĐZ 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, đúc móng từ 18/1 đến 23/5; dựng cột từ 8/3 đến 15/6; lắp đặt cách điện, phụ kiện và kéo dây từ 11/5 đến 20/06/2024. Dự kiến công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện từ 20 đến 30/6.
Đối với Dự án ĐZ 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đúc móng từ 18/1 đến 23/5; Dựng cột từ 28/3 đến 15/6; lắp đặt cách điện, phụ kiện và kéo dây từ 15/5 đến 20/6. Dự kiến công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện từ 20 - 30/6.
Hiện nay, EVN, EVNNPT đang gặp phải một số khó khăn về nhân lực thi công dựng cột, kéo dây do khối lượng công việc dựng cột và kéo dây là rất lớn, trong khi thời gian thi công còn lại ngắn. Các công việc này đòi hỏi nhân lực thi công phải có năng lực, kinh nghiệm, dẫn đến khó khăn trong công tác huy động nhân lực. Dự kiến vào thời gian cao điểm sẽ cần 8.000 - 10.000 người tham gia thực hiện dựng cột và kéo dây.
Đồng thời về cung cấp vật tư thiết bị cũng gặp khó do một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị (sứ, phụ kiện) được sản xuất, cấp hàng từ Trung Quốc chậm tiến độ, dự kiến đầu tháng 6/2024 mới bàn giao hàng hóa. Mặt khác, thời tiết cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công do mặt bằng tuyến đường dây trải dài trên 9 tỉnh, có đoạn nằm trên vùng núi cao hiểm trở, từ đầu tháng 5 đã xuất hiện mưa giông, sấm chớp gây trơn trợt, đặc biệt đối với công việc ở trên cao như dựng cột, lắp đặt dây dẫn và phụ kiện…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Trần Hải.
Phát biểu ý kiến kết luận về tiến độ thi công dự án ĐZ 500kV Quảng Trạch - Phố Nối, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), các bộ, ngành liên quan; cảm ơn lãnh đạo 9 tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua.
Thủ tướng nêu rõ, kết quả đạt được của quá trình thi công Đường dây 500kV mạch 3 này là rất đáng ghi nhận, đến thời điểm này đã hoàn thành tốt giải phóng mặt bằng, xây dựng móng, cột, kéo dây. Điều này có sự vào cuộc tích cực của các Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Bí thư cấp uỷ các cấp từ huyện đến xã; sự vào cuộc, ủng hộ của nhân dân đã nhường nơi ở, sản xuất, đất canh tác cho dự án. Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của EVN, EVNNPT khi lãnh đạo EVN, EVNNPT đã luôn ra công trường đôn đốc, rà soát tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hoan nghênh tinh thần của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc trên công trường với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An báo cáo. Ảnh: Trần Hải.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình triển khai dự án vẫn còn nhiều khó khăn, đó là công tác dựng cột và kéo dây, vật tư, thiết bị nhập khẩu... Thủ tướng đề nghị, các tập đoàn Viettel VNPT, PVN có chức năng, kinh nghiệm, kéo dây chi viện ngay nhân lực cho EVN. Đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan, nhất là chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, người lao động cần nỗ lực cao hơn nữa, vượt mọi khó khăn, thách thức, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. EVN rà soát, xây dựng lại đường găng tiến độ đến 20/6 phải hoàn thành công tác kéo dây để còn tiến hành thí nghiệm, đóng điện, nghiệm thu.
Thủ tướng giao các Bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với EVN khẩn trương thẩm định hoàn thiện khung chính sách bồi thường để ban hành sớm; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan quản lý sớm hoàn tất các thoả thuận biện pháp thi công các vị trí giao chéo đường dây với đường bộ, đường sắt; Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với EVN để có các biện pháp làm việc với các đối tác nước ngoài, nhất là cơ quan hải quan, có công điện gửi hải quan các cửa khẩu, bến cảng để tạo thuận lợi thủ tục nhập khẩu vật tư, thiết bị; Bộ Công thương chỉ đạo các đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mà EVN nhập khẩu vật tư thiết bị để giải quyết công việc; tiếp tục kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình dự án.
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng báo cáo. Ảnh: Trần Hải.
Thủ tướng đề nghị các Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư cấp uỷ các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công trình này; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải bảo đảm các công việc theo thẩm quyền, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là EVN, EVNNPT tại địa phương; bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, người dân tại địa bàn có đường dây đi qua, gặp gỡ, đối thoại với người dân; bảo đảm mặt bằng thi công kéo dây với tinh thần “còn 1 hộ cũng phải đến vận động”.
EVN phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đơn vị điện lực địa phương giải quyết ngay các khó khăn bảo đảm đồng bộ, có biện pháp giải quyết tốt vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng người dân xung quanh, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, nhất là nhà thầu cung cấp cột thép. EVNNPT chuẩn bị nghiệm thu, quyết tâm hoàn thành đóng điện công trình vào ngày 30/6 tới.
Nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ điện dịp cao điểm nắng nóng
Ảnh: Trần Hải.
Tại cuộc họp, Bộ Công thương cho biết, tình hình cung ứng điện 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện lũy kế ước thực tế 5 tháng đầu năm 2024 khoảng 124,1 tỷ kW giờ, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài 3 miền đã ở cả làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục (công suất cực đại toàn quốc đạt tới 47.670 MW, tăng 13,2%, sản lượng ngày đạt 987,39 triệu kW giờ cao hơn 6,87% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn các tháng đầu năm không thuận lợi, để tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Kết hợp giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung hỗ trợ cho miền Bắc, cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước.
Ảnh: Trần Hải.
Về tình hình cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2024 cơ bản được đảm bảo. Trong thời gian tới, sau khi Đường dây (ĐZ) 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, với dự kiến tăng trưởng phụ tải (điện năng/công suất) đạt 10% mỗi năm, việc cung - cầu của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than (đã vận hành nhiều năm). Do vậy, việc bổ sung sớm nguồn điện mới (đặc biệt là các nguồn điện chạy nền) cho miền Bắc là hết sức cần thiết.
Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế đang tiến triển tích cực, do đó phải bảo đảm đáp ứng đủ điện. Thủ tướng nêu rõ, nguồn điện phải đa dạng, chuẩn bị tốt nhất có thể, kể cả nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, Lào…; tích cực tận dụng tối đa khả năng các nguồn trong nước: nhiệt điện than, thủy điện. Bộ Công thương phải khẩn trương hoàn thành xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG. Đồng thời đẩy mạnh tiết kiệm điện, thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện; tăng cường tuyên truyền về tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả.