Sắp tới dự kiến sẽ bổ sung khoảng 6 sản phẩm vào chương trình quản lý hiệu suất năng lượng, chương trình dán nhãn cũng như chương trình hiệu suất năng lượng tối thiểu." - ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương
Tham dự hội nghị có đại diện một số hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng; đại diện các tổ chức thử nghiệm, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điều hoà không khí cùng đông đảo các cơ quan báo chí, truyền hình.
Chương trình dán nhãn năng lượng và quản lý hiệu suất năng lượng tối thiểu tại Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2011 theo hình thức tự nguyện và chính thức áp dụng bắt buộc 2 năm sau đó (năm 2013). Chương trình này được thực hiện thông qua việc xây dựng 50 bộ tiêu chuẩn quốc gia quy định hiệu suất năng lượng cho 19 chủng loại thiết bị tiêu thụ năng lượng, trong đó có 4 chủng loại chính: sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng trong khu công nghiệp, các sản phẩm dùng trong kinh doanh và các các sản phẩm trong phương tiện giao thông.
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đang rà soát hệ thống tiêu chuẩn hiện hành và cơ sở hạ tầng phục vụ dán nhãn năng lượng. Sắp tới dự kiến sẽ bổ sung khoảng 6 sản phẩm vào chương trình quản lý hiệu suất năng lượng, chương trình dán nhãn cũng như chương trình hiệu suất năng lượng tối thiểu.
“Sản phẩm mục tiêu lớn trong giai đoạn này là sản phẩm bếp từ, bếp hồng ngoại, điều hòa VRV (điều hòa công suất lớn), bóng đèn led và một số sản phẩm khác cũng đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2025 sẽ công bố những quy định về sản phẩm hiệu suất năng lượng mới này”, ông Đặng Hải Dũng thông tin.
Bà Đoàn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng, Phòng Tiêu chuẩn Điện, điện tử - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã chia sẻ với hội nghị những tiêu chuẩn cập nhật về Hiệu suất năng lượng của điều hoà không khí. Theo đó, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã đề xuất tiêu chuẩn mới TCVN 7830:2021. Với tiêu chuẩn mới này, mức hiệu suất năng lượng của 4 sao, 5 sao được nâng lên cho phù hợp với điều hòa sử dụng công nghệ máy nén biến tần Inverter. Tiêu chuẩn này sẽ áp dụng trong thời gian tới.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hiền - Viện trưởng Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin) trình bày phương pháp thử nghiệm hiệu suất năng lượng.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hiền - Viện trưởng Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin) cũng đã có bài trình bày để giúp doanh nghiệp nắm được thông tin về phương pháp thử nghiệm hiệu suất năng lượng.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng dành nhiều thời gian cho các tổ chức thử nghiệm, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện dán nhãn năng lượng, nhất là các quy định mới liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng.
Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lợi ích của các sản phẩm có dán nhãn năng lượng, tính đến năm 2020, theo khảo sát của Bộ Công Thương đã có trên 85% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao. Đây là một tín hiệu đáng mừng về ý thức tiết kiệm năng lượng của người dân. Tuy nhiên, để việc tiết kiệm năng lượng thật sự hiệu quả, Bộ Công Thương cho biết ngoài việc lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn năng lượng, người tiêu dùng cần phân biệt rõ các loại nhãn năng lượng để chọn được sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng.