Luật Điện lực

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung

Thứ sáu, 17/5/2024 | 10:39 GMT+7
Ngày 15-16/5/2024, tại Quảng Bình, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung. 

Quang cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung. 

Hội thảo nghị góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) khu vực các tỉnh miền Trung có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đại diện các Sở Công Thương các tỉnh miền Trung cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và các nhà khoa học. Về phía EVN có ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc, đại diện lãnh đạo EVNCPC và các đơn vị thành viên.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung đã có những sự phát triển nhanh chóng trong vài năm trở lại đây với nhiều hình thức, dạng nguồn năng lượng được phát triển mạnh mẽ dẫn tới Luật Điện lực hiện hành không theo kịp sự phát triển của ngành điện trong thời kỳ mới.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết và đề xuất cũng như thể chế hoá đầy đủ nội dung Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời hoàn thiện các quy định của Luật Điện lực để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo.

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe thành viên Ban soạn thảo giới thiệu về các nhóm nội dung chính của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Dự thảo Luật bám sát vào 06 chính sách, bao gồm 9 chương với 94 điều, bao gồm các nội dung chính là Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Các đại biểu đã đóng góp trực tiếp nhiều ý kiến liên quan tới các quy định về đầu tư xây dựng dự án điện lực, việc xử lý các dự án chậm tiến độ và chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; An toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ…

Trả lời các vấn đề do các đại biểu đặt ra, đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương đã giải thích rõ các vấn đề trong Luật Điện lực, đồng thời ghi nhận các ý kiến làm rõ hợp lý và có kiến nghị đề xuất tham mưu bổ sung. Ban soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tiếp thu đầy đủ và ở mức cao nhất từng ý kiến để tập trung hoàn thiện các nội dung dự thảo Luật, từ đó báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Hương Nguyên