Tin trong nước

Hơn 2.399 sáng kiến tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến” giai đoạn 1

Thứ sáu, 3/6/2022 | 09:06 GMT+7
Sau hơn 6 tháng, Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tích cực triển khai, phát động đến các cấp Công đoàn trong Tập đoàn, kết thúc giai đoạn 1 đã đạt được kết quả 2.399 sáng kiến.
 

 
Để triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến”, ngày 14/2/2022, Công đoàn ĐLVN đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-CĐĐVN phát động sâu rộng đến các đơn vị và CNVCLĐ trong Tập đoàn. Thông qua chương trình để thúc đẩy phong trào sáng kiến, sáng tạo nhằm tạo động lực để Tập đoàn và các đơn vị vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu kép đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; hoàn thành lộ trình chuyển đổi số trong Tập đoàn.
 
Công đoàn Điện lực Việt Nam đặt ra chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành 10.000 sáng kiến trong Tập đoàn giai đoạn 2022 - 2023 đóng góp tỷ lệ 10% số lượng cán bộ, đoàn viên và người lao động của EVN vào Chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.
 
Hơn 2.399 sáng kiến của đoàn viên, người lao động
 
Đến hết ngày 31/5, kết thúc giai đoạn 1, đã có 2.399 sáng kiến của đoàn viên, người lao động trong Tập đoàn đăng ký thành công vào Chương trình “1 triệu sáng kiến” của Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Góp phần vào thành quả của giai đoạn 1, nhiều đơn vị đã tích cực tham gia với nhiều sáng kiến hay, mang lại hiệu quả cao trong lao động, sản xuất, kinh doanh như: Công đoàn Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội với 363/223 sáng kiến, vượt 140 sáng kiến (tương đương 163%); Công đoàn Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh với 344/202 sáng kiến (vượt 170%); Công đoàn Tổng công ty Phát điện 1 với 203/108, vượt 159%; Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia với 272/213 sáng kiến, vượt 128%; Công đoàn Công ty Thủy điện Sơn La với 27/9; Công đoàn Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với 20/17; Công đoàn Công ty Nhiệt điện Thủ Đức với 15/4 sáng kiến, vượt 375%; Công đoàn Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (14/14 sáng kiến), đạt 100%…
 
Những sáng kiến tham gia Chương trình đều có những liên quan đến giải pháp về quản lý kỹ thuật, giải pháp về quản lý trong vận hành hệ thống lưới điện; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số tại các đơn vị trong lao động sản xuất, kinh doanh trong Tập đoàn và các đơn vị đang triển khai thực hiện. Có những sáng kiến giá trị cao được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp Bằng độc quyền “Máy biến áp phân phối thông minh chuyên dùng trong lưới điện đi ngầm đến cấp 35kV” của Thạc sĩ Nguyễn Thế Vĩnh, Ban Kinh doanh, Cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Kỹ sư Trần Xuân Huấn - Giám đốc Điện lực Phong Thổ, Công ty Điện lực Lai Châu với sáng kiến “Sử dụng phần mềm Zoom trong quá trình xử lý sự cố”; Kỹ sư Lê Hoài Sơn – chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng sáng kiến “Xây dựng bảng tra chỉnh định thông số bảo vệ aptomat lưới điện hạ áp”; đặc biệt là sáng kiến “Treo puly trên dây dẫn khoảng cột 2-3 đường dây 500kV Duyên Hải – Mỹ Tho” của Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn, Phó giám đốc Truyền tải điện miền Tây 2 có giá trị kinh tế làm lợi 19 tỷ đồng… 
 
Sáng tạo trong công tác triển khai
 
Để triển khai hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, Ban Thường vụ Công đoàn ĐLVN đã ban hành các văn bản tuyên truyền; phát động và khen thưởng tới các đơn vị; lập các nhóm kết nối, trao đổi thông tin đến các cơ sở để thường xuyên tương tác đoàn viên, người lao động; phối hợp Ban Truyền thông Tập đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh truyền thông nội bộ; đăng tải video clip hướng dẫn chi tiết quy trình cập nhật sáng kiến đưa lên NHÓM ĐỒNG NGHIỆP EVN trang facebook và kênh Youtube Điện lực Việt Nam thu hút đoàn viên, NLĐ xem, chia sẻ và tương tác; các đơn vị đa dạng hình thức tuyên truyền, đăng tải thông tin về Chương trình tới đoàn viên, người lao động.
Tác giả Nguyễn Thế Vĩnh, Ban Kinh doanh EVN nhận chứng nhận Bằng sáng chế độc quyền “Máy biến áp phân phối thông minh". Sáng kiến này cũng được anh đăng ký sớm nhất của Công đoàn ĐLVN tham gia Chương trình "1 triệu sáng kiến" do Tổng Liên đoàn phát động. 
 
Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Uông Quang Huy nhận xét: Tham gia Chương trình 10 ngàn sáng kiến trong Tập đoàn theo Chương trình “1 triệu sáng kiến” của Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, vừa có ý nghĩa vận động, động viên, người lao động chủ động phát huy, đề xuất các sáng kiến hiệu quả, cách làm hay trong đơn vị; những giải pháp sáng kiến là những dòng chảy không ngừng, liên tục trong quá trình lao động và còn là sự chung tay của người lao động và tổ chức công đoàn đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau những năm khó khăn của đại dịch COVID-19; thể hiện tinh thần đổi mới hoạt động của Công đoàn theo Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. 
 
Theo ông Phùng Lê Dũng, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, các Ban chuyên môn của Công đoàn Điện lực Việt Nam có những hướng các đơn vị triển khai, cách làm sáng tạo như thành lập tổ tư vấn và hỗ trợ sáng kiến; kịp thời đôn đốc và đúc rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Mỗi sáng kiến của đoàn viên không chỉ về giá trị làm lợi mà còn là những câu chuyện đam mê, tìm tòi sáng tạo trong lao động. Hình thức này tạo động lực để thúc đẩy đoàn viên, người lao động tham gia và cán đích giai đoạn 1 của kế hoạch đề ra- Chủ tịch Công đoàn EVNHANOI cho biết.  
Văn Lương