Hợp tác đào tạo nhân lực năng lượng hạt nhân giữa Việt Nam và CH Pháp

Thứ năm, 25/2/2016 | 14:26 GMT+7
Ngày 22/2 tại Bộ Quốc gia Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Pháp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã ký kết với phía Pháp văn bản hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Lễ ký kết văn bản hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân giữa Việt Nam và Pháp (Paris ngày 23-2-2016).

Tham dự lễ ký kết có lãnh đạo 4 trường ĐH trong đề án đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam và ông Phạm Mạnh Thắng - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Theo đó, Việt Nam và Pháp sẽ hợp tác trong đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ phát triển các chương trình giảng dạy trong các trường đại học của Việt Nam (trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ); tạo điều kiện để sinh viên, thực tập sinh Việt Nam tiếp cận các chương trình giảng dạy về lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đang áp dụng tại Pháp; phối hợp giảng dạy và phát triển các cơ sở đào tạo năng lượng hạt nhân tại Việt Nam; khuyến khích trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học ở các trình độ đào tạo khác nhau…

Trên cơ sở thỏa thuận đã được ký kết, phía Pháp giao cho Viện năng lượng hạt nhân quốc tế Pháp (I2EN) và phía Việt Nam giao cho Ban điều hành đề án đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân lập kế hoạch triển khai cụ thể.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bùi Văn Ga và đoàn công tác đã có buổi làm việc Bộ Quốc gia Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Pháp Pháp. Hai Bộ đã trao đổi những kết quả nổi bật của các dự án đang triển khai và bàn bạc những triển vọng có thể hợp tác trong những năm sắp tới.

Bà Marianne DE BRUNHOFF - Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Âu và quốc tế (DREIC) - đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cả hai bên để nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác. Sinh viên Việt Nam đến Pháp học ngày càng đông và nhiều người đã rất thành đạt.

Đại diện Bộ Quốc gia Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Pháp Pháp cũng thông báo cho đoàn tình hình đổi mới giáo dục đại học ở Pháp hiện nay.

Đặc biệt là sự sắp xếp lại các trường đại học thành các “cộng đồng cơ sở đào tạo” (Communauté d’Etablissements). Mô hình này tương tự như mô hình hai Đại học quốc gia và Đại học vùng ở Việt Nam. Việc sắp xếp này nhằm mục đích làm tăng tính cạnh tranh của giáo dục đại học Pháp trên trường quốc tế.

Thay mặt đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã điểm qua hoạt động của các dự án hợp tác chính trong lĩnh vực giáo dục đại học giữa Việt Năm và Pháp. Đó là các dự án Đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV), Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý Việt Pháp (CFVG), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp và Bộ Giáo dục Pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong nhiều năm qua thông qua các dự án này.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị với phía Pháp trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tực thực hiện các dự án đã có, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện đánh giá và kiểm định các chương trình đào tạo tại các trường ĐH Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Đây là hoạt động quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã có 61 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế kiểm định, trong đó có 16 chương trình đào tạo thuộc Chương trình PFIEV do CTI kiểm định).

Trong thời gian công tác tại Pháp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga và đoàn công tác cũng có các buổi làm việc với Tổ hợp các trường Đại học Pháp hỗ trợ cho chương trình PFIEV, với Ủy ban kiểm định bằng kỹ sư Pháp (CTI), Hội đồng đánh giá chất lượng nghiên cứu và giảng dạy đại học Pháp (HCERES) để bàn bạc các khả năng hợp tác trong kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.

Một số thông tin cơ bản về Chương trình PFIEV

Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao PFIEV được bắt đầu thực hiện từ năm 1999. Mục tiêu của Chương trình PFIEV là đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ giảng viên giỏi, có khả năng làm việc với quốc tế, kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu với sản xuất, bằng kỹ sư được công nhận trê bình diện quốc tế.

Chương trình được thực hiện trong 4 trường đại học của Việt Nam là: Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM với sự hỗ trợ tích cực của 8 trường (grandes ecoles) đào tạo kỹ sư của Pháp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, cử giảng viên sang dạy một số môn, tổ chức hội thảo và tham gia hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Sinh viên năm cuối PFIEV có thể đăng ký học chuyển tiếp thạc sĩ. Bằng cấp của Chương trình PFIEV được Ủy ban Bằng kỹ sư của Pháp (CTI) công nhận trên bình diện quốc tế từ 2004-2015. Năm 2016, CTI sẽ vào Việt Nam để kiểm định và tái công nhận văn bằng PFIEV cho giai đoạn từ 2016 trở về sau.
Theo: GD&ĐT