Công nghệ với đầu tư luôn được EVNNPC quan tâm đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ra đời vào năm 1969 khi đất nước vẫn còn bị chia cắt, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành điện nói riêng và của nền kinh tế đất nước nói chung. Từ những ngày đầu với qui mô rất nhỏ, công ty đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một Tổng Công ty hàng đầu của ngành Điện lực Việt Nam.
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển của Tổng công ty Điện lực miền Bắc gắn với hình ảnh người thợ điện anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, thông minh, bản lĩnh, không ngừng đổi mới sáng tạo trong xây dựng và hiện đại hóa lưới điện, nâng tầm dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu về điện phục vụ hàng triệu, chục triệu khách hàng từ nông thôn, miền núi, đồng bằng đến hải đảo, tiền tuyến xa xôi.
Anh dũng trong chiến đấu
Khoảng thời gian đế quốc Mỹ tấn công mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhiều nhà máy điện đã trở thành những trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ.
Nhà máy điện Hàm Rồng được khánh thành vào tháng 4/1964 với công suất 3.000 kW đã liên tục bị bắn phá trong suốt ba năm sau đó. Theo kí ức của những người công nhân nơi đây, có ngày máy bay Mỹ ném tới hàng chục trận bom với sức tàn phá khủng khiếp.
Tuy nhiên, cùng với nhân dân Thanh Hoá, những cán bộ ngành điện vẫn bám trụ kiên cường, liên tục phục hồi, duy trì sản xuất để đưa điện lên lưới, cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng.
Tương tự như vậy, nhiều nhà máy điện khác như Nhà máy điện Cửa Cấm, Nhà máy điện Việt Trì, Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình cũng là những nơi chịu gánh chịu sự tấn công nặng nề của máy bay Mỹ.
Những người cán bộ, công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm, nhà máy điện than đầu tiên của Đông Dương tại Hải Phòng vẫn không thể quên được những tháng năm gian khổ đó, sự tàn phá nặng nề đến mức phải tạm ngừng hoạt động. Họ thường xuyên luyện tập các phương án xử lí khi máy bay địch đánh phá với tinh thần "ngồi trên bệ phóng không nòng", quyết tâm bảo vệ dòng điện phục vụ cho đời sống và sản xuất chiến đấu của thành phố.
Ông Lê Nhân Vĩnh, Nguyên Giám đốc Công ty Điện lực 1, chia sẻ về hồi ức: "Với phương châm 'Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu', lực lượng tự vệ Nhà máy điện Việt Trì đã xác định, bằng mọi giá phải bám lò, bám máy, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất, quyết không để mất điện.” Khó khăn là vậy nhưng tinh thần sống và chiến đấu của những người cán bộ ngành điện ở những nơi đây vẫn luôn mãnh liệt với quyết tâm “giữ điện như giữ máu”, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và sản xuất của nhà máy.
Xây dựng từ gian khó
Công nhân PC Cao Bằng kiểm tra lưới điện trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đồng hành cùng với xây dựng và phát triển nền kinh tế không thể không nhắc đến vai trò cực kì quan trọng của ngành điện. Điện được ví như dòng máu không những mang lại ánh sáng mà còn mang lại sức sống cho những máy móc, nhà máy sản xuất.
Là tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp sau khi đất nước thống nhất, Công ty Điện lực Thái Bình là một điểm sáng về điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong thời kì đổi mới. Với yêu cầu đưa tiến bộ khoa học, cơ giới hoá vào sản xuất, nhu cầu điện năng của Thái Bình ngày càng cao nhưng lại gặp vấn đề về việc đầu tư mở rộng mạng lưới do ảnh hưởng của chế độ bao cấp, quản lí tập trung quan liêu và nền kinh tế cực kì khó khăn. Thời gian đó, những “chiến sĩ” ngành điện Thái Bình đã không quản ngày đêm ngừng nghỉ, quên ăn quên ngủ để xây dựng những trạm điện, lưới điện, kịp thời đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh công tác điện khí hóa nông nghiệp, đảm bảo tăng trưởng sản lượng sản xuất lúc bấy giờ. Tinh thần làm việc hăng say đó đã lan toả sang cả những người dân lao động và những người cán bộ tỉnh, tạo nên một khối đoàn kết cùng chia sẻ và hoàn thành nhiệm vụ dựng xây quê “lúa”.
Cũng nhờ những hi sinh bữa ăn giấc ngủ của những cán bộ nơi đây mà Điện lực Thái Bình đã có thể phát triển mạnh về lưới điện khắp tỉnh, góp phần tăng nhanh năng suất lúa từ 5 tấn lên 10 tấn, 12 tấn/ha vào những năm 1980. Đó là cơ sở để Thái Bình tiếp tục hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới thời kì sau.
Không những Thái Bình, sau ngày giải phóng, biết bao điện lực các tỉnh thành phố trên toàn miền Bắc cũng không quản gian khó, vất vả, sáng tạo để từng bước hiện đại hóa nông thôn miền Bắc như: Thanh Hóa, Nghệ An Hải Phòng,…
Chính các Điện lực (nay là Công ty Điện lực tỉnh thuộc EVNNPC) đã góp phần cũng Điện lực miền Bắc gây dựng và gìn giữ, tiếp nối truyền thông và ngành điện được Đảng, Nhà nước phân giao, phát triển điện vươn xa muôn nơi, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch,…., là động lực không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương và đời sống an sinh xã hội trong nhân dân.
Thắp sáng những miền quê
Công nhân PC Lai Châu hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Anh dũng trong thời chiến, bản lĩnh, đồng lòng đổi mới, sáng tạo trong thời bình, “người EVNNPC” đã làm nên một Tổng công ty trở thành đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn. Đến nay, 100% số xã thuộc địa bàn quản lí của EVNNPC được cấp điện, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,79%.
Công tác đưa điện về những vùng sâu, vùng xa, biên giới phía Bắc là cực kì khó khăn và gian khổ bởi địa hình vô cùng hiểm trở, cơ sở vật chất tại những nơi đó nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên, điều đó lại càng tiếp thêm dũng khí cho người làm điện ở EVNNPC. Bất chấp hiệu quả kinh tế không cao hoặc có thể không có lãi, EVNNPC vẫn quyết tâm đưa lưới điện quốc gia phủ sóng toàn bộ những bản làng xa xôi.
Sơn La là một trong những tỉnh vùng núi phía Bắc có địa hình phức tạp và có nhiều khó khăn trong công tác khai phát lưới điện. Cùng với định hướng của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Công Thương, ngành điện tỉnh Sơn La đã hoàn thành nhiều dự án lớn cung cấp điện lớn với tổng giá trị đầu tư hàng trăm tỉ đồng mang điện đến cho hàng chục nghìn hộ dân. Ông Vừ A Dơ, Trưởng bản Ten Ư, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn la phấn khởi chia sẻ trong ngày được sử dụng điện lưới quốc đúng ngày kỷ niệm 131 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2021), được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành điện lực mà ánh sáng điện đã đến từng nhà, thỏa lòng mong đợi của bà con nơi đây. Điện về được xem tivi, tin tức thời sự, học hỏi cách sản xuất, cơ sở y tế khang trang hơn để đời sống dần được nâng lên, đặc biệt rất vui, hạnh phúc vì bà con được sử dụng điện lưới quốc gia, điện về mang theo những niềm vui, niềm hy vọng, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng và hạnh phúc góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Công ty Điện lực Lai Châu vừa đóng điện, đưa điện lưới quốc gia đến với 140 hộ dân 2 bản Tìa Khí và Phi Én, thuộc xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vào dịp 2/9/2021. Ông Cháng A Chí – Bí thư bản Tìa Khí xã Tủa Sín Chải chia sẻ trong ngày điện về: Bà con trong bản chủ yếu là người H’Mông, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Nay niềm mơ ước điện lưới Quốc gia về với bản đã thành hiện thực, bà con nhân dân 2 bản Tìa Khí và Phi Én rất vui mừng phấn khởi, khi có điện sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân trong bản cũng như xã Tủa Sín Chải.
Cụ Cháng Từ Tú đã sinh ra và lớn lên tại bản Tìa Khí, nay đã ngoài 70 tuổi; Cụ đã chia sẻ với chúng tôi trong niềm xúc động: “Tôi không tin nổi điện có thể đưa đến được nơi này; cả cuộc đời tôi chỉ mong ước được nhìn thấy ánh sáng điện Quốc gia một lần trong đời và nay niềm mong ước đó đã thành hiện thực”.
Còn rất nhiều vùng quê, bản làng xa xôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn…..đã được những cán bộ EVNNPC đưa điện lưới đến. Cùng với sự có mặt của dòng diện là sự phát triển rõ rệt của những vùng quê vốn nghèo nàn, lạc hậu. Những nụ cười và phấn khởi của những người dân nơi đây khi đón dòng điện về có lẽ là một phần thưởng quí giá cho bất cứ một cán bộ ngành điện nào.
Qua từng chặng đường lịch sử, hình ảnh của những người làm điện tại EVNNPC đã hiện hữu ở khắp mọi nơi từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, lên rừng hay xuống biển, ra đảo ra hay nơi tiền tuyến, Điện lực miền Bắc đang tiếp nối những chặng đường của ông cha, của truyền thống anh cả đỏ để tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả, của niềm tin thắp sáng mà triệu triệu khách hàng không ngừng tin tưởng và gửi gắm.
Chuyển đổi sáng tạo, năng động là điều kiện để hội nhập
Nói về chặng mục tiêu nhiệm vụ cho chặng đường phía trước để đáp ứng đòi hỏi của công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa lưới điện, người đứng đầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc – Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV chia sẻ: Trong năm 2020, EVNNPC đã có nhiều biện pháp quản lý điều hành hiệu quả, tập thể các kỹ sư, công nhân và CBNV của Tổng công ty đã thể hiện trách nhiệm của những người đảm bảo thông suốt dòng điện - dòng máu của nền kinh tế, đáp ứng đủ nhu cầu điện năng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt, đảm bảo cấp điện ổn định trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị và tham gia tích cực vào sự nghiệp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời, EVNNPC đã triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý kỹ thuật, vận hành, đặc biệt trong quản trị doanh nghiệp.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 của EVNNPC đạt 74,86 tỷ kWh, với sản lượng điện cấp cho công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ 64,17%, cho quản lý và tiêu dùng chiếm tỷ lệ 29,44%, cho thương mại - dịch vụ chiếm 2,55%. Trong đó, do ảnh hưởng của Covid-19, sản lượng điện cấp cho lĩnh vực dịch vụ đã giảm 6,45% so với năm 2019, còn cho các lĩnh vực khác đều tăng từ 6,6 ÷ 8,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty đã đạt được mức tăng trưởng rất ấn tượng, như các Công ty Điện lực: Thanh Hóa (19,66%), Bắc Giang (16,01%), Bắc Ninh (8,54%), Hưng Yên (10,44%), Nghệ An (9,99%), Hà Nam (7,39%) v.v...
Có thể nói, ngành Điện lực Việt Nam nói chung, EVNNPC nói riêng đã có điều kiện tiệm cận sớm với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư trong lĩnh vực năng lượng như kết nối vạn vật, tự động hóa, đo lường, điều khiển từ xa v.v... Vì vậy, EVNNPC cũng đã nhanh chóng chuyển trạng thái thích nghi với đại dịch Covid-19, cố gắng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, công tác chăm sóc khách hàng từ xa cũng ngày càng được hoàn thiện: Trong năm 2020, EVNNPC đã gửi 193,5 triệu lượt tin nhắn SMS và 80,8 triệu tin nhắn Zalo cho khách hàng.
Năm 2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 55,7%; doanh thu bán điện không dùng tiền mặt đạt xấp xỉ 88%. EVNNPC đã tiếp nhận gián tiếp qua hệ thống hơn 2,1 triệu (trong tổng số gần 2,2 triệu) yêu cầu của khách hàng về dịch vụ điện (chiếm 95,6%) và, ở chiều ngược lại, tỷ lệ dịch vụ điện được Tổng công ty cung cấp cho khách hàng theo phương thức điện tử đạt 82,9%.
Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động SXKD của EVNNPC, bà Đỗ Nguyệt Anh cho biết: Chuyển đổi số tại EVNNPC là một cuộc đại cách mạng, giai đoạn 2021-2022 là cột mốc xây chắc "nền móng" chuyển đổi số tại EVNNPC, đặc biệt, Tổng công ty kêu gọi và khuyến khích toàn thể CBCNV phát huy trí tuệ cá nhân, tập thể để có những sáng kiến trong công tác chuyển đổi số góp phần đưa EVNNPC phát triển toàn diện, thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, dịch vụ khách hàn,… để sớm trở thành doanh nghiệp số.