Công nhân Điện lực Đồng Xoài (Công ty Điện lực Bình Phước) phát quang cây cao su để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.
Vẫn còn những tai nạn thương tâm
Thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp củng cố công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ) cao áp; đồng thời gửi văn bản đến các tỉnh thành đề nghị hỗ trợ ngành điện thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ vi phạm hành lang ATLĐ cao áp và ngăn ngừa tai nạn điện trong dân.
Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên thu thập thông tin, hình ảnh sai phạm tại hiện trường đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo đúng quy định đối với các trường hợp để xảy ra sự cố, tai nạn do vi phạm hành lang và an toàn sử dụng điện, tránh những tai nạn đáng tiếc tiếp tục xảy ra.
(Ông Hồ Quang Ái, Phó tổng giám đốc EVN SPC)
|
Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang ATLĐ cao áp và tai nạn điện trong những tháng đầu năm 2016 vẫn còn phức tạp. Theo thống kê của EVN SPC, tính đến ngày 15.5 đã xảy ra 43 vụ sự cố do vi phạm hành lang lưới điện (110 kV xảy ra 9 vụ, 22 kV xảy ra 34 vụ). Tổng công suất mất lưới 110 kV là 290,36 MW, sản lượng điện mất 104,25 MWh; Tổng công suất mất điện lưới 22 kV là 226,19 MW, sản lượng điện mất 177,78 MWh. Đặc biệt, có đến 9 vụ tai nạn điện trong dân, trong đó có 7 vụ do vi phạm hành lang ATLĐ cao áp và 2 vụ công tơ làm chết 4 người, bị thương 5 người.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu do người dân chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn điện, dẫn đến vi phạm hành lang ATLĐ cao áp như: dựng ăng ten tivi, thả diều, bắn kim tuyến, chặt cây ngã vào đường dây, xây dựng, cơi nới nhà ở vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện và sử dụng điện không an toàn ở các khu vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sử dụng điện để bơm nước, bẫy chuột...
Giải pháp ngăn chặn
Ông Hồ Quang Ái, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết đến nay EVN SPC đã chỉ đạo Công ty Điện lực tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể, triển khai thực hiện công tác phối hợp với địa phương xử lý vi phạm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật trong việc bảo vệ hành lang ATLĐ cao áp và sử dụng điện an toàn trong dân. Đề xuất các tỉnh thành có cơ chế phối hợp giữa ngành điện và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền định kỳ, phục vụ cộng đồng, ổn định xã hội, phòng tránh những thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt là thiệt hại về con người.
Ban An toàn cũng đã xây dựng nội dung, hình thức và tổ chức tuyên truyền phù hợp theo đối tượng, theo mùa như: mùa đốt rẫy, đốt đồng, thả diều, mùa cưới, tuốt lúa, mùa mưa bão, lũ, dùng điện bẩy chuột, chích cá... nhằm ngăn ngừa các hoạt động có khả năng gây sự cố lưới điện. Việc kiểm tra, giám sát hành lang lưới điện, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm cũng được thực hiện thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, ngành điện ở các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, phối hợp xử lý đường dây mất an toàn sau điện kế (dây câu đuôi); xử lý dây câu tạp, bảng hiệu, lưới điện hạ áp khách hàng, cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên trụ điện lực (đặc biệt tại các vị trí vượt đường giao thông) chưa đạt khoảng cách theo quy định.