Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh thi công kéo cáp đưa điện lưới quốc gia ra ấp đảo Thiềng Liềng.
Cảm nhận xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ sau hơn một năm hoàn thành dự án xây dựng tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển, cấp điện cho xã Thạnh An chính là sự thay da đổi thịt của cuộc sống con người trên hòn đảo tiền tiêu của thành phố. Nhịp sống trên đảo dường như đang sôi động lên từng ngày. Giờ đây, hầu như mọi nhà đều dùng ti-vi, tủ lạnh, nhiều hộ dân sau bao nhiêu năm “nhịn” sử dụng điều hòa, máy giặt vì nguồn điện không ổn định thì nay đã mua sắm đầy đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình. Giấc mơ tưởng chừng như sẽ không bao giờ được thực hiện thì nay đã hiện hữu trong từng ngôi nhà, tuyến đường trên đảo. Dẫn chúng tôi “vi hành” một vòng quanh các ấp, lãnh đạo xã đảo Thạnh An không giấu nổi niềm vui khi chứng kiến đời sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày, Chủ tịch HĐND xã Thạnh An Trần Văn Thanh cho biết: Trước kia, do nguồn điện chạy bằng máy phát không ổn định cho nên nhiều hộ dân không dám đầu tư để kinh doanh, phát triển các cơ sở làm ăn, nhưng nay hộ thì mở tiệm bánh mỳ, hộ thì mở xưởng may, hộ làm nước đá, xưởng cơ khí... Chừng đó cũng đã đáp ứng gần như cơ bản đời sống của người dân, thay cho cảnh thiếu gì phải lội đò vào tận trung tâm huyện hay mất cả buổi sang tận Bà Rịa - Vũng Tàu để mua sắm. Theo ông Trần Văn Thanh, với việc điện lưới quốc gia về tới xã đảo không chỉ thỏa niềm mơ ước của hàng nghìn hộ dân xã đảo mà sẽ là một mốc son tạo động lực cho sự phát triển của xã đảo vốn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố khách quan suốt thời gian qua.
Nhằm đáp ứng một trong những yếu tố quan trọng về cơ sở hạ tầng để xã Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung “cất cánh”, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh bằng trách nhiệm với cộng đồng của mình đã đầu tư dự án xây dựng tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển, cấp điện cho xã Thạnh An. Đặc biệt hơn, công trình này được thực hiện trong không khí người dân thành phố nô nức lập thành tích kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015). Dù rằng trong suốt quá trình hình thành và phát triển, ngành điện TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng trăm dự án về điện nhưng đây là công trình cáp ngầm vượt biển đầu tiên mà đơn vị triển khai. Nhớ lại thời điểm đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh Phạm Quốc Bảo cho biết: “Biết trước là khó khăn nhưng tập thể lãnh đạo, các kỹ sư, công nhân của đơn vị xác định, những công trình dân sinh nhằm phục vụ lợi ích cho người dân xã đảo thì khó đến đâu cũng phải làm cho bằng được”.
Khi mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, đơn vị thi công vận chuyển thiết bị ra biển để triển khai thi công thì những đơn vị liên quan của ngành điện gần như “ăn, ngủ tại chỗ” để theo dõi, kiểm tra và động viên anh em công nhân thi công dự án. Việc triển khai dự án đúng thời điểm gió chướng nên công tác thi công gặp rất nhiều khó khăn, việc thi công gần như diễn ra suốt 24 giờ để bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình.
Trực tiếp chỉ đạo và giám sát công trình này, ông Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh: Đây là một công trình quan trọng của ngành điện thành phố. Nó có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã đảo Thạnh An. Ý nghĩa lớn nhất mà công trình đạt được chính là chương trình an sinh xã hội, tạo cơ hội vươn lên phát triển cho những hộ dân vốn thiệt thòi về điều kiện sử dụng điện suốt những năm qua. Đặc biệt, công trình góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới mà xã đảo Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung.
Trong quá trình triển khai dự án này, ngành điện thành phố xác định chất lượng của công trình là yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu nên Tổng Công ty đã thành lập tổ điều hành dự án do Phó Tổng Giám đốc Phạm Quốc Bảo làm trưởng ban cùng lãnh đạo các ban chuyên môn có liên quan, Ban Quản lý dự án lưới điện TP Hồ Chí Minh và Công ty Ðiện lực Duyên Hải để phối hợp với huyện Cần Giờ, xã Thạnh An, Cục Hàng hải, Biên phòng Hải đội 2. Tổng Công ty cũng lựa chọn các đơn vị lập dự án đầu tư, thi công, tư vấn giám sát thực hiện công trình là những đơn vị có uy tín từng thực hiện các dự án cáp ngầm đưa điện ra đảo như: Công ty CP tư vấn và Xây dựng Ðông Hải, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương - NMS,... Tuyến cáp ngầm xuyên biển đưa điện về Thạnh An đã góp phần xóa cách trở về địa lý, đưa điện lưới quốc gia đến cho người dân xã đảo Thạnh An, địa phương cuối cùng của TP Hồ Chí Minh sử dụng nguồn điện từ chạy dầu diezen.
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An Huỳnh Anh Tuấn cũng cho biết: Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, có điện lưới quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện xã có khoảng 4.700 người dân sinh sống. Theo kế hoạch phát triển, xã sẽ sắp xếp lại dân cư, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, đẩy mạnh các cơ sở, dịch vụ hậu cần nghề cá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bên cạnh các ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và làm muối. Nhu cầu về điện sẽ tăng lên nhưng cùng với đó là sự phát triển sôi động hơn trong đời sống của người dân.
Cũng trong thời gian dự án lưới điện cáp ngầm về Thạnh An được triển khai, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh thực hiện việc xây dựng 128 căn nhà nông thôn mới theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Đáng mừng là không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành chỉ tiêu do Thành ủy giao, trong quá trình khảo sát, thấy đời sống của nhiều hộ dân trên đảo còn khó khăn, Ðảng ủy, Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã quyết định nâng tổng số hộ được hỗ trợ lên con số 128 dù danh sách xã Thạnh An gửi lên chỉ có 65 hộ cần hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Chao, ấp Thạnh Hòa phấn khởi cho biết: "Ðược sự quan tâm của chính quyền thành phố, gia đình tôi được hỗ trợ kinh phí để cất lại nhà. Nay ngành điện lại đưa điện lưới về cho người dân trên đảo, thật là mừng hết biết. Tôi tin, cuộc sống của dân đảo chúng tôi sẽ có nhiều bước phát triển mới". Niềm vui của ông Chao cũng là niềm vui của hàng nghìn hộ dân trên đảo khi điện lưới quốc gia trở thành động lực và niềm tin để đưa Thạnh An bước sang một giai đoạn phát triển mới đồng thời từng bước xóa khoảng cách so với nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố. Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Quốc Bảo, với công trình này, xã đảo Thạnh An sẽ được cấp điện ổn định với công suất lớn từ lưới điện quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã theo quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch đến năm 2020. Ðồng thời, hạn chế tổn thất lưới điện và không còn phải bù lỗ trong vận hành máy phát điện cung ứng điện trên địa bàn xã Thạnh An như thời gian vừa qua.
Khi hàng nghìn hộ dân của xã đảo Thạnh An còn “lâng lâng” niềm vui thì chỉ một năm sau đó, ấp đảo Thiềng Liềng (một trong những ấp của xã đảo Thạnh An), nằm cách trung tâm xã gần một giờ đi đò cũng đón một tin vui là ngành điện thành phố sẽ thực hiện tiếp dự án đưa điện lưới ra ấp đảo này. Theo ông Phạm Quốc Bảo, đây là công trình thể hiện nỗ lực, quyết tâm và tình cảm của ngành điện nói riêng và của thành phố nói chung đối với những người dân ấp đảo chỉ ngót nghét 200 hộ dân sinh sống. Với quyết tâm, mục tiêu 100% hộ dân đều có điện lưới sử dụng, một đường cáp ngầm dài hơn 6 km đã xuyên rừng, vượt biển về cấp điện cho người dân ấp đảo. Trực tiếp chỉ đạo, giám sát thi công dự án này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Quốc Bảo cho biết: “Đoạn thi công trên biển do phụ thuộc vào con nước nên anh em gặp nhiều khó khăn. Còn đoạn vượt rừng, gần như anh em phải ngâm mình trong nước để rải cáp do không thể sử dụng phương tiện cơ giới để hỗ trợ như ở các địa hình khác”.
Bà Lưu Thị Ngọc Mai, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An vui mừng cho biết: Có điện lưới quốc gia, gia đình tôi đã mạnh dạn mua sắm máy móc để làm bánh mỳ. Có nguồn điện ổn định nên công việc diễn ra rất suôn sẻ. Có điện rồi, bà con ở đây ai cũng phấn khởi. Thời gian qua, đoàn viên thanh niên của Tổng Công ty cũng đã tổ chức các đoàn về sửa chữa, tư vấn và hỗ trợ miễn phí cho người dân về sử dụng điện.
Đánh giá về những dự án có ý nghĩa lớn về mặt dân sinh này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho rằng: Các công trình này không những có ý nghĩa rất lớn góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng mà còn tạo điều kiện thuận lợi để huyện đạt tiêu chí nông thôn mới và cộng đồng dân cư nơi đây phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Dự án đưa điện về xã Thạnh An nói chung và ấp Thiềng Liềng nói riêng là một công trình mang tính nhân văn rất lớn mà ngành điện bằng trách nhiệm với cộng đồng đã hoàn thành một cách rất đáng ghi nhận.
Công trình “Xây dựng mới lưới điện 22 kV xuyên rừng cấp điện cho ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ” do Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư. Công trình gồm lưới điện 22 kV với hơn sáu km đường dây trung thế và năm km đường dây hạ thế được kéo từ xã đảo Thạnh An. Tổng vốn đầu tư của công trình là 51 tỷ đồng. Ấp Thiềng Liềng, hiện có hơn 200 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu hành nghề đánh bắt thủy, hải sản, làm muối.
Dự án xây dựng tuyến cáp ngầm vượt biển cấp điện cho xã đảo Thạnh An. Quy mô của dự án bao gồm: Xây dựng một mạch cáp ngầm 22 kV dưới biển từ trạm ngắt 22 kV Cần Thạnh (xây dựng trạm ngắt mới tại bến đò Tắc Xuất) đến trạm ngắt 22 kV Thạnh An (xây dựng trạm mới tại trạm phát diezen Thạnh An trên đảo Thạnh An) với chiều dài tuyến cáp là 5.875 m.
|