Người dân Nepal dùng khí sinh học để đun nấu.
|
Ngoài ba nước Ðông Dương và nước sở tại còn có các chuyên gia về khí sinh học của một số nước đang phát triển khác như Bangladesh, Ethiopia và Rwanda.
Khí sinh học (Biogas) đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới từ rất sớm. Ðó là hỗn hợp khí methane và khí carbonic, được sinh ra từ quá trình phân giải phân và nước tiểu của người, gia súc và gia cầm. Trước đây theo mô hình của Trung Quốc người ta đưa xuống bể khí sinh học cả rác thải, rơm rạ, phân xanh... nhưng xem ra rất bất tiện cho việc điều hành và vì vậy tất cả các báo cáo trình bày trong Hội thảo cũng như qua thực tiễn quan sát tại các làng xóm ở Nepal thì không thấy đưa vào bể bất kỳ vật liệu gì khác ngoài phân và nước tiểu (kể cả giấy vệ sinh).
Nepal đã ứng dụng khí sinh học từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước và từ năm 1992 với sự hỗ trợ của Dự án SNV, Chính phủ Nepal đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ Khí sinh học (BSP) và nhờ đó đã xây dựng thêm được rất nhiều bể khí sinh học. Từ chỗ chỉ có khoảng 2.000 bể khí sinh học vào năm 1991-1992 đến nay đã xây dựng thêm mỗi năm khoảng 16.000 đến 18.000 bể khí sinh học. Cho đến nay ở Nepal đã có 140.000 bể khí sinh học cho các gia đình nông dân ở 62 địa phương và phục vụ cho lợi ích thiết thực của 11.000 nông dân. Nepal không nuôi lợn cho nên chủ yếu chỉ dùng phân và nước tiểu của người và trâu bò.
Mô hình của Nepal khác Việt Nam ở chỗ phải có thêm một bể tròn có cánh khuấy để đánh tan phân trâu bò trong nước trước khi cho chảy vào bể (ở Việt Nam chủ yếu sử dụng tại các chuồng lợn vì vậy có nơi để cho nước rửa chuồng cùng phân lợn chảy thẳng vào bể khí sinh học).
Các nhà vệ sinh ở Nepal có đường ống dẫn phân và nước tiểu chảy xuống bể. Khí sinh học sinh ra sẽ đẩy dịch phân sau lên men (gọi là nước phân - giàu dinh dưỡng, không mùi hôi và đã tiêu diệt được phần lớn mầm bệnh, gồm vi khuẩn và trứng giun sán qua quá trình lên men sinh nhiệt) lên một bể nổi có nắp đậy bằng những tấm bê-tông và thoát ra ngoài. Lượng nước phân này được dùng để ủ với rơm rạ, rác sinh hoạt, lá cây... làm phân ủ, để nuôi giun đất, hoặc chứa vào một hố (bên trên là một giàn mướp hay bầu bí) để múc dần tưới cho rau đậu và hoa ở gần nhà, cũng có thể dùng bơm để dẫn theo ống nhựa đến các cánh đồng ở xa. Loại nước phân này còn được dùng để đưa xuống các ao hồ nuôi cá.
Khí (chủ yếu là methane) nổi lên ở phần trên của bể khí sinh học sẽ được dẫn theo đường ống vào nhà bếp để đun nấu thay mọi thứ nhiên liệu khác (củi, than, rơm rạ...). Có van để mở hoặc đóng tại nắp bể khí sinh học và tại bếp.
Nhờ có bể khí sinh học mà môi trường nông thôn được cải thiện một cách rõ rệt. Chuồng trâu bò sạch sẽ, không có ruồi muỗi và không có mùi hôi thối. Môi trường sống được thay đổi. Nguồn phân và nước tiểu được tận dụng và được chuyển hóa thành các loại phân hữu cơ (đặc và lỏng) vừa có chất lượng cao, vừa an toàn (không có mầm bệnh, giảm đáng kể lượng phân hóa học), dễ cho cây trồng hấp thu, dễ chuyển thành chất mùn làm cải thiện chất đất. Ðáng chú ý là nếu chăn nuôi đủ số lượng trâu, bò cần thiết thì sẽ có đủ lượng khí sinh học để chạy máy nổ nhỏ nhằm có điện thắp sáng và xem ti-vi, nghe radio...
Việc xây dựng các bể khí sinh học do các công ty tư nhân đảm nhiệm. Tiền xây dựng hoàn chỉnh các bể khí sinh học thay đổi tùy thuộc vào các vùng khác nhau. Dự án hỗ trợ trực tiếp một phần kinh phí cho nông dân. Trong thực tế vào thời điểm 2003, 2004 ở Nepal để xây dựng một bể khí sinh học dung tích sáu mét khối thì tổng chi phí ở vùng núi mất khoảng 334,85 USD và ở vùng xuôi mất khoảng 322,78 USD (giá thành ở Việt Nam cho một bể khí sinh học tương đương là thấp hơn nhiều).
Phần nông dân bỏ ra thêm để xây dựng bể khí sinh học có thể thu hồi rất nhanh do tiết kiệm được nhiên liệu đun nấu và phân hóa học. Trung bình mỗi năm mỗi hộ tiết kiệm được 59,19 USD tiền củi, 12,16 USD tiền dầu, 8,07 USD tiền phân đạm, 5,28 USD tiền phân lân và 8,07 USD tiền phân kali... Theo tổng kết (2007) thì nhờ sử dụng nước phân của khí sinh học mà đã tăng năng suất được 38,1% với lúa; 32,2% với ngô; 34,2% với lúa mì; 42,1% với khoai tây và 30,4% với rau, đậu...
Mô hình bể khí sinh học ở Ethiopia tương tự như ở Nepal. Một hộ nông dân nuôi từ hai đến bốn con bò đủ nguyên liệu cho một bể khí sinh học ngoài việc có sản phẩm bón ruộng còn đủ để đun nấu và thắp sáng.
Tại Cam-pu-chia ngoài việc dùng để bón trực tiếp còn dùng nước phân này để ủ phân với rơm rạ, cây cỏ, để nuôi giun, nuôi cá... Nước bạn còn có sáng kiến dùng nước phân ở bể khí sinh học ngâm với một số nguyên liệu thực vật, ủ trong hai tuần rồi pha một lít này với bốn lít nước, dùng thay thuốc trừ sâu hóa học, vừa đạt hiệu quả tốt, vừa góp phần có sản phẩm an toàn...
Tại Lào, chương trình khí sinh học mới chỉ được triển khai ở bốn huyện thuộc Viêng Chăn và mới thực hiện được ở 120 hộ nông dân. Chương trình do Vụ Chăn nuôi và nghề cá thuộc Bộ Nông Lâm nghiệp Lào thực hiện và dự kiến sẽ mở rộng phạm vi ứng dụng trong năm 2008.
Hội thảo hoan nghênh các kết quả triển khai rất có hiệu quả ở Việt Nam. Trong thực tế các bể khí sinh học đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1960 và nhất là sau 1975 đã được nhiều cơ quan nghiên cứu, triển khai.
Tuy nhiên phải đến năm 2002 với sự hỗ trợ kinh phí từ phía Chính phủ Hà Lan việc triển khai mới được thực hiện với tốc độ nhanh chóng. Trong giai đoạn I (2003-2005) đã xây dựng được 18.000 bể khí sinh học tại 12 tỉnh thuộc tám vùng kinh tế khác nhau. Ðến cuối năm 2006 đã có 27.000 bể khí sinh học và đến năm 2007 đã xây thêm được 16.000 bể khí sinh học tại 24 tỉnh, nâng tổng số bể khí sinh học đang hoạt động lên tới 27.000 bể.
Dự kiến trong giai đoạn II của Dự án sẽ xây dựng tiếp 113.000 bể khí sinh học, nâng tổng số lên 140.000 bể tại 53 tỉnh thuộc các vùng khác nhau trong cả nước. Nếu các hộ nông dân đều có bể khí sinh học thì tình trạng vệ sinh nông thôn sẽ thay đổi đáng kể, tiết kiệm được toàn bộ nguồn phân và nước tiểu của người và gia súc, gia cầm, giảm được chi phí về nhiên liệu đun nấu và về phân bón hóa học, phát triển được các cánh đồng thực phẩm an toàn và sẽ có điện sinh hoạt cho các vùng chưa có điện lưới quốc gia.