Tin thế giới

Khó khăn trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Australia

Thứ ba, 25/4/2023 | 14:45 GMT+7
Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, mạng lưới điện lớn nhất của “xứ sở Chuột túi” sẽ cần tăng gấp 3 lần công suất trong vòng 8 năm và Australia sẽ phải tiêu tốn tới hàng nghìn tỷ USD.

Một mỏ đất hiếm ở miền Tây Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang mạng abc.net.au, Australia đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt được điều đó, mạng lưới điện lớn nhất của “xứ sở Chuột túi” sẽ cần tăng gấp 3 lần công suất trong vòng 8 năm và Australia sẽ phải tiêu tốn tới hàng nghìn tỷ USD.
 
Tuy nhiên, một nhóm các tổ chức nghiên cứu hàng đầu - bao gồm các trường đại học Melbourne, Queensland (Australia) và Princeton của Mỹ - cho rằng lượng công suất phát điện bằng khí đốt sẽ cần phải tăng gấp đôi để duy trì hoạt động chiếu sáng.

Cụ thể, báo cáo của nhóm cho biết công suất của mạng lưới điện lớn nhất của Australia sẽ phải tăng gấp ba lần vào năm 2030 để theo kịp mục tiêu trung hòa carbon. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ngoài nhu cầu về công suất để thay thế sản lượng của các nhà máy nhiệt điện đang “già cỗi”, cần đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ vì nhiều nền kinh tế hoạt động bằng năng lượng tái tạo hơn là nhiên liệu hóa thạch.

Để đạt được mục tiêu này, Australia sẽ cần "triển khai nhanh chóng" năng lượng tái tạo, đường truyền, phương tiện lưu trữ như pin, xe điện và máy bơm nhiệt tại nhà.

Michael Brear, Giám đốc Viện Năng lượng Melbourne thuộc Đại học Melbourne và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết khối lượng công việc ở phía trước là rất lớn và khó khăn. Theo ông, Australia sẽ phải chi hàng nghìn tỷ AUD để nâng cấp và mở rộng lưới điện cũng như thay thế các ngành xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sinh lợi như than và khí đốt bằng các loại năng lượng thay thế sạch như hydro xanh. Năm ngoái, xuất khẩu than và khí tự nhiên hóa lỏng của Australia đạt hơn 200 tỷ AUD (134,7 tỷ USD). Giáo sư Brear nói: “Chúng tôi thực sự chỉ đang cố gắng vẽ ra một bức tranh về ý nghĩa thực sự của trung hòa carbon đối với tất cả người dân Australia. Tất cả đều có quy mô lớn, rất phức tạp và sẽ có chi phí đáng kể".

Theo Giáo sư Brear, điện chạy bằng khí đốt sẽ đóng vai trò hạn chế nhưng quan trọng trong việc giữ cho hệ thống điện ổn định và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với chi phí thấp hơn. Ông cho biết mặc dù các nguồn năng lượng xanh như năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời sẽ cung cấp phần lớn nhu cầu năng lượng của Australia vào cuối thập kỷ này, nhưng đôi khi điều này là không đủ.

Trong những trường hợp như vậy, các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ đảm bảo nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu vào thời gian cao điểm. Ông nhấn mạnh, các kết quả nghiên cứu cho thấy Australia cần nhiều tuabin khí hơn nhưng chúng sẽ được vận hành với tần suất ít hơn nhiều so với hiện nay.

Tim Buckley, một người ủng hộ năng lượng tái tạo hàng đầu và là giám đốc của quỹ đầu tư năng lượng sạch Clean Energy Finance, cho biết những phát hiện của báo cáo là đáng tin cậy. Ông Buckley đồng ý với ý kiến cho rằng khí đốt sẽ tiếp tục được sử dụng làm nhiên liệu để sản xuất điện vào thời điểm nhu cầu điện cao nhất, thường xảy ra trong thời tiết khắc nghiệt vào mùa Hè và mùa Đông.
 
Về lâu dài, ông Buckley cho biết việc chuyển sang sử dụng xe điện sẽ giúp ổn định hệ thống điện của Australia. Ông cho biết các tiêu chuẩn khắt khe liên quan tới độ tin cậy về điện của Australia sẽ củng cố nhu cầu về điện chạy bằng khí đốt, tạo ra mạng lưới nguồn cung an toàn. Mặc dù vậy, ông cho rằng lượng khí thải từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt của Australia sẽ giảm mạnh.

Giáo sư Brear cho biết Australia bắt buộc phải tận dụng các cơ hội xuất khẩu do quá trình khử carbon mang lại bởi nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch của nước này chắc chắn sẽ giảm. Theo ông, việc đó có thể hỗ trợ sự phát triển kinh tế thịnh vượng của Australia trong nhiều năm. Giáo sư Brear nhấn mạnh, đóng góp lớn nhất của Australia đối với nhiệm vụ khử carbon toàn cầu là "làm sạch" hàng xuất khẩu cũng như "làm sạch" hệ thống năng lượng trong nước. Đó là một nhiệm vụ khó khăn nhưng "thế giới là một nơi rộng lớn và có rất nhiều tiềm lực, nhân lực để giúp Australia thực hiện nhiệm vụ này".

Link gốc

 

Theo: BNews