Tin thế giới

Turbine gió sâu nhất thế giới

Chủ nhật, 23/4/2023 | 17:00 GMT+7
Nền móng turbine gió ngoài khơi sâu nhất thế giới được lắp đặt cách vùng ven biển Scotland chỉ 27 km.


Tàu Sapiem 7000 lắp đặt nền móng turbine gió. Ảnh: Seagreen

Sapiem 7000, tàu cần trục bán chìm lớn thứ ba trên thế giới, lắp đặt phần nền móng nặng khoảng 200.000 kg ở độ sâu 58,6 m. Đây là nền móng thứ 112 ở trang trại điện gió Seagreen bao gồm 114 turbine gió. Đây sẽ là trang trại điện gió lớn nhất Scotland khi hoạt động đầy đủ cuối năm nay, Popular Science vừa đưa tin.

Turbine gió kiểu này hoạt động như một chiếc quạt đảo ngược. Thay vì sử dụng điện để sản xuất gió, chúng sản xuất điện bằng gió. Những cánh turbine mỏng giống cánh máy bay. Khi gió thổi ngang qua chúng, áp suất không khí ở một mặt giảm đi. Chênh lệch áp suất không khí trên bề mặt cánh quạt tạo ra cả lực nâng và lực kéo, khiến rotor quay tròn, cung cấp năng lượng cho máy phát đưa điện vào lưới điện.

Nền móng lắp đặt gần đây ở Seagreen sẽ cung cấp trụ đỡ turbine 10 MW Vestas V164. Với đường kính rotor khoảng 165 m và chiều cao 205 m, lớn hơn gấp đôi tượng Nữ thần Tự do, đây là những turbine khổng lồ. Mỗi turbine có thể sản xuất 10.000 kilowatt (KW) điện trong điều kiện tốt.

Dù Seagreen bắt đầu sản xuất điện vào mùa hè năm ngoái, khi trang trại hoạt động đầy đủ cuối năm nay, 114 turbine gió có tổng công suất 1.075 megawatt (MW). Trang trại sẽ sản xuất khoảng 5.000 gigawatt giờ (GWh) điện mỗi năm, đủ để cung cấp năng lượng sạch và bền vững cho hơn 1,6 triệu hộ gia đình, chiếm khoảng 2/3 dân số Scotland. Dù công suất của trang trại điện gió chưa thể thay thế hoàn toàn nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch, Seagreen vẫn giúp giảm hơn 2 triệu tấn carbon dioxide, bằng khoảng 1/3 khí thải từ tất cả xe hơi trên đường phố Scotland.

Trang trại điện gió như Seagreen có một số lợi thế so với turbine gió trên đất liền. Do tốc độ gió ở biển thường nhanh và đều hơn trên cạn, sản xuất lượng lớn điện trở nên dễ dàng hơn. Ngay cả sự tăng nhẹ trong tốc độ gió cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Với cơn gió tốc độ 24 km/h, turbien có thể sản xuất lượng điện gấp đôi so với cơn gió thổi ở 19 km/h.

Những khu vực ven biển thường xuyên có nhu cầu cao về điện. Ở Mỹ, hơn 40% dân số (127 triệu người) sống ở ven biển. Thông qua sản xuất điện ngoài khơi gần nơi sử dụng điện, nhu cầu truyền điện đường dài cũng giảm đi. Các thành phố không tốn nhiều diện tích để xây trạm điện. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của trang trại điện gió là cung cấp năng lượng tái tạo mà không thải chất gây ô nhiễm môi trường độc hại hoặc khí nhà kính. Những cơ sở này thậm chí không tiêu tốn tài nguyên quan trọng như nước.

Link gốc

Theo: Vnexpress