Khởi công dự án điện gió tại Sóc Trăng quy mô 129MW có diện tích chiếm đất ít hơn nhiều so với quy định của Bộ Công thương

Thứ năm, 5/3/2020 | 13:25 GMT+7
Sáng nay (05/3), Dự án Nhà máy Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng được khởi công xây dựng tại Ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có tổng công suất 129MW, tổng vốn đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. 

Ảnh minh họa.
 
Trong đó, giai đoạn đầu của dự án được khởi công hôm nay có công suất 30MW, dự kiến hoàn thành trong năm 2021 để được hưởng chính sách giá ưu đãi (giá FIT) của Nhà nước tại Quyết định 39 của Chính phủ. 
 
Dự án được thiết kế tiết kiệm nhất diện tích sử dụng đất – chỉ với diện tích 7,5 hecta cho cả dự án - thấp hơn nhiều quy định của Bộ Công Thương là 10,5 hecta. 
 
Ông Lê Anh Tùng - chủ đầu tư dự án này cho biết, ngoài các thủ tục như đánh giá tác động môi trường (DTM) theo quy định, Công ty còn thực hiện thêm các Báo cáo đánh giá môi trường - xã hội theo các tiêu chuẩn cao nhất của IFC - Tổ chức tài chính quốc tế và đạt được những tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao nhất khắt khe nhất. Chính vì vậy, Dự án Nhà máy Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng đã được các tổ chức tín dụng thẩm định và sẵn sàng cho vay mà không yêu cầu tài sản bảo đảm bởi độ tin cậy cao. 
 
Việc đầu tư xây dựng nhà máy tại đây cũng sẽ tạo ra một phần cơ sở hạ tầng giao thông tốt. Sau khi dự án hoàn thành, người dân sẽ được sử dụng chung phần đường mà Nhà máy đã đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản, thủy sản của người dân. Công ty cũng cam kết sử dụng cao nhất nguồn lao động tại địa phương cho dự án này tạo ra một số công ăn việc làm cho người dân địa phương tại khu vực dự án đầu tư. 
 
Tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là nơi có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên nắng và gió, là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp điện từ năng lượng tái tạo. Việc phát triển nguồn điện gió sẽ góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương khi Sóc Trăng là một trong số các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước, đất đai khô cằn, nứt nẻ… hết sức khó khăn cho phát triển nông nghiệp. 
 
Điện gió cũng là nguồn điện được ưu tiên trong các chính sách phát triển năng lượng của Đảng và Nhà nước ta. Cụ thể, ngày 11-2-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị đã ký, ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết chỉ rõ: “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”; Với tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045... 
 
Trước đó, ngày 10/09/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 39 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37 (ban hành ngày 29/06/2011) về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Với quyết định này, mỗi kWh điện gió của các dự án trong đất liền sẽ được mua với giá 8,5 cent (tương ứng 1.928 đồng). Cơ chế giá điện này được áp dụng tới ngày 1/11/2021. Đây là các chính sách quan trọng để các nhà đầu tư tham gia vào điện gió, góp phần đưa mục tiêu công suất điện gió đạt hơn 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030 (theo Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh).
Nguyên Long