Bác Hồ tới thăm hỏi, động viên những người thợ điện Thủ đô (ngày 21/12/1954). Ảnh tư liệu nangluongvietnam.vn
Trần Bi- Nguyên Chính trị viên Mặt trận Hà Nội (1954)
Nguồn: Sách "Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng", Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, NXB Hà Nội- 2014.
Ông vào Hoài Đức gây dựng cơ sở từ mùa thu năm 1947, rồi vào hẳn nội thành làm chính trị viên Quận đội 1 nội thành, tham gia trận phá bốt biến thế điện (24/1/1950), cứu đồng chí Lê Nghĩa - quận trưởng công an nội thành (tháng 5/1950); đánh sân bay Gia Lâm (đêm mồng 3 rạng sáng 4/3/1954). Lúc này ông là chính trị viên Mặt trận Hà Nội.
Trên căn gác nhỏ, đơn sơ ở 18 phố Tăng Bạt Hổ, ông đã nhớ và kể lại năm tháng hoạt động và những kỷ niệm khi tiếp quản thủ đô Hà Nội tràn đầy nhiệt huyết của tuổi thanh xuân.
Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí của ông, của mỗi người, mỗi thế hệ trẻ hôm nay.
Tiếp quản Thủ đô là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, đòi hỏi nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lực lượng cùng tham gia mới có thể hoàn thành tốt việc tiếp quản, bảo đảm được an ninh trật tự, làm cho nhân dân phấn khởi. Để sinh hoạt của nhân dân được ổn định thì điện, nước phải cung cấp cho dân bình thường không bị mất nước, mất điện.
Để sinh hoạt của nhân dân được ổn định thì điện, nước phải cung cấp cho dân bình thường không bị mất nước, mất điện.
Với tinh thần ấy, từ tháng 8/1954 đến tháng 10/1954, chúng tôi gồm các cán bộ quân sự: anh Hải Lương (còn có tên là Phúc) vào làm việc tại Nhà máy Nước; anh Đặng Văn Nguyên vốn là cán bộ tiểu đội của đại đội 8 Mặt trận Hà Nội được phân công vào Nhà máy Đèn Bờ Hồ và tôi - Trần Bi thực hiện nhiệm vụ tổ chức lực lượng, đấu tranh với địch để giữ máy móc, thiết bị, tài liệu và cùng các lực lượng bạn bảo đảm tiếp quản các nhà máy này trong tình trạng hoạt động an toàn.
Khi đến nơi, tiếp cận với nhân mối, tôi thấy lực lượng ta còn quá mỏng, mỗi nhà máy chỉ có vài ba người là cơ sở bí mật trong anh em công nhân. Nhờ sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng nội thành, Ban Chấp hành Công đoàn của Nhà máy Điện Yên Phụ và nhân dân yêu nước, nên chỉ hơn một tháng, tại Nhà máy Điện Yên Phụ đã tổ chức được lực lượng tự vệ có 70 đồng chí.
Toàn cảnh (phía sau) Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Ảnh tư liệu: EVN
Số anh em này được sắp xếp theo ngành nghề chuyên môn như: Tiểu đội văn phòng, tiểu đội máy, tiểu đội khóa, rồi lựa chọn mỗi tiểu đội 1, 2 người lấy cớ nghỉ phép để ra vùng tự do huấn luyện hai ngày về chính sách tiếp quản Thủ đô.
Học xong, anh em lại trở về nhà máy làm việc, mỗi người mang theo nhiều bản chính sách tiếp quản để chuyển tay cho những anh em công nhân tốt và gia đình cơ sở đọc.
Nhà máy đèn Bờ Hồ trên đường F.Garnier bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Ảnh tư liệu EVN
Trong lúc đang vui mừng, phấn khởi, bí mật chuẩn bị thì được tin các chủ nhà máy ra lệnh chuyển máy móc, phụ tùng, nguyên vật liệu dự trữ và tài liệu quan trọng đi nơi khác. Anh chị em đã dùng lý lẽ thuyết phục, quyết không cho mang đi.
Ngoài lực lượng tại chỗ của Nhà máy Điện, anh em còn huy động cả gia đình, vợ con đến đấu tranh. Địch đưa hiến binh, mật thám đến thì lực lượng tự vệ xông lên chặn trước đầu xe. Cuối cùng, chúng không thể mang đi được mà còn buộc phải bổ sung 300 tấn than cho nhà máy. Thắng lợi này bảo đảm cho 13 bể than của nhà máy lúc nào cũng đầy.
Công nhân Nhà máy điện Yên Phụ ký đơn đấu tranh đòi không được mang máy móc vào miền nam và có đủ than dự trữ . Ảnh tư liệu EVN
Trước lúc đại quân ta vào tiếp quản thì chủ nhà máy nước ra lệnh mở hết các van nước, anh em công nhân đấu tranh đòi giữ nguyên chế độ vận hành bình thường, họ phải chịu và cử người có mặt tại các vọng gác, canh gác cửa van cho đến lúc quân ta vào.
Khi những đơn vị của đại quân ta vào tiếp quản đã tiếp nhận các vị trí từ những tên lính địch, mỗi chiến sĩ ta đến một vọng gác lại phất một lá cờ đỏ với lưỡi lê sáng quắc, đứng hiên ngang bảo vệ nhà máy. Những tên lính Pháp rút khỏi vọng gác tranh nhau lên xe rời khỏi nhà máy.
Trong tư thế chiến thắng, anh em công nhân trong nhà máy kéo cờ đỏ sao vàng lên chào mừng Tổ quốc được hòa bình, chào mừng anh bộ đội đã chiến thắng trở về Hà Nội.
Mấy anh em cán bộ quân sự Mặt trận Hà Nội vào nội thành hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng được sự cộng tác chặt chẽ của anh em công đoàn công nhân tự vệ ba nhà máy Điện, Nước Yên Phụ, Đèn Bờ Hồ đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm điện, nước sinh hoạt cho nhân dân được ổn định, góp phần tiếp quản Thủ đô giành thắng lợi.
Sáng 10/10/1954, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 8 năm bị tạm chiếm. Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, nhân dân Thủ đô cùng đồng bào cả nước hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về trong ngày lịch sử.
Nguồn: Ban Liên lạc miền E, Hồi ký kể chuyện hoạt động kháng chiến ở miền E (1947-1954). Sở VHTT Hà Nội-Ban QLDT nhà tù Hỏa Lò, H.2005, tr. 146-148
Link gốc