Việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Nhà máy điện gió tại tỉnh Ninh Thuận.
Lợi ích tự thân
Tại Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket, tiết kiệm năng lượng đã trở thành nhu cầu cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Công ty đã cải tạo hệ thống chiếu sáng bằng cách thay các bóng đèn huỳnh quang 1,2m T5 bằng bóng đèn led, giúp giảm lượng điện tiêu thụ 42.000kWh/năm, tương đương tiết kiệm 66 triệu đồng/năm. Giải pháp lắp biến tần cho động cơ quạt gió và hút gió thải lò hơi 3.5T/h giúp giảm 17.940 kWh/năm, tương đương tiết kiệm 35 triệu đồng/năm.
Colusa - Miliket cũng thực hiện bảo ôn đường ống cung cấp hơi và các van hơi cho các dây chuyền sản xuất, giúp giảm 7,2 tấn than/năm, tương đương tiết kiệm 40 triệu đồng/năm. Giải pháp đầu tư lò hơi tầng sôi sử dụng nhiên liệu củi trấu thay cho lò hơi đốt bằng than, giúp giảm tiêu thụ 52 tấn than/năm, tương đương tiết kiệm 385 triệu đồng/năm.
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng điện cho hệ thống máy nén khí, Colusa - Miliket đã tiến hành thay thế máy nén khí piston hiệu suất thấp bằng máy nén khí trục vít có hiệu suất cao tích hợp biến tần. Giải pháp này giúp Công ty giảm 52.246 kWh/năm, tương đương tiết kiệm 82 triệu đồng/năm
Trong năm 2016, việc thực hiện hàng loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng đã giúp doanh nghiệp này giảm được 25% cường độ sử dụng năng lượng cho một sản phẩm so với năm 2010.
Ông Tôn Thất Minh, đại diện Colusa - Miliket cho hay, thời gian tới, Công ty sẽ ưu tiên đầu tư các loại thiết bị có hiệu suất cao, nhằm mang lại hiệu quả sử dụng năng lượng nhiều hơn, như lắp đặt các đồng hồ giám sát điện năng tiêu thụ cho các thiết bị tiêu thụ điện năng chính, hay thay thế các bẫy hơi cũ dạng phao, dạng đồng tiền bằng bẫy hơi loại Steamgard cho các dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, với việc tận dụng trấu - dạng nguyên liệu sinh khối, thân thiện với môi trường, thay cho than đá, Colusa - Miliket cũng đã được thêm điểm cộng để giành giải Nhất hạng mục Giải pháp Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả tiêu biểu của Giải thưởng Quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp 2017.
Đối với Công ty Cơ nhiệt điện lạnh Bách khoa (Polyco), giải Nhất hạng mục Giải pháp Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả Độc đáo, Sáng tạo đến từ việc triển khai hàng loạt giải pháp sáng tạo, góp phần làm giảm 1.260 tấn CO2 phát thải hàng năm.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, lắp đặt, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong ngành điện lạnh, chế biến thực phẩm và có khả năng thực hiện hợp đồng theo phương thức chìa khóa trao tay EPC với hệ thống các phân xưởng sản xuất, các nhà máy hoàn chỉnh ngành bia, rượu, cồn, sữa… Polyco đã áp dụng hàng loạt giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Đơn cử như việc lắp đặt hệ thống lạnh phân tầng, các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong giờ cao điểm và việc thu hồi nhiệt từ nồi sôi trong quá trình sản xuất, đã được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, giúp các khách hàng của Công ty tiết kiệm 369 tấn dầu quy đổi (TOE) trong giai đoạn 2013 - 2016 và giảm 10% cường độ tiêu thụ năng lượng trên sản phẩm vào năm 2016.
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Phát ra 500 thư mời, Ban Tổ chức Giải thưởng Quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 nhận được 33 hồ sơ với 351 giải pháp hiệu quả năng lượng được thực hiện từ năm 2010 - 2016, trong đó, có doanh nghiệp đã triển khai 96 giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Những giải pháp này được đánh giá là có hiệu quả, tiết kiệm năng lượng cao, thời gian hoàn vốn ngắn, từ 2-4 năm.
Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển năng động nhất ở khu vực châu Á, Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện tăng lên nhanh chóng. Các ngành sản xuất công nghiệp hiện là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, chiếm tới 47% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia.
Mặc dù vui mừng khi các doanh nghiệp tham gia đã thực sự quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng, nhưng ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, thành viên Ban Giám khảo cũng cho rằng:
So với 500 thư mời và hồ sơ phát ra, con số 33 hồ sơ tham gia chiếm tỷ lệ khá nhỏ, các hồ sơ tham gia đa phần đến từ doanh nghiệp lớn, trọng điểm, nằm trong diện buộc phải thực hiện kiểm toán năng lượng.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vắng bóng trong giải thưởng, trong khi đây là đối tượng được khuyến khích thực hiện tiết kiệm năng lượng chứ không phải bắt buộc. Bởi vậy, hy vọng trong các lần sau, số doanh nghiệp tham gia và đến từ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng hơn”, ông Hào nói.
Chia sẻ cơ hội từ tiết kiệm năng lượng, ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công thương - GIZ cho hay, tại Việt Nam, tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên đến 30%. Trong bối cảnh đó, các biện pháp hiệu quả năng lượng là một cơ hội tuyệt vời, giúp tiết kiệm nguồn vốn phải tiêu tốn cho các dự án hạ tầng năng lượng đắt đỏ, mà không gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.