Làm thế nào để Chỉ thị của Thủ tướng thực sự đi vào đời sống, có tác dụng mạnh mẽ, nhất là với những đơn vị sử dụng ngân sách?
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Để Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc. Đặc biệt, cần lắp đặt các thiết bị đo kiểm, giám sát tình hình sử dụng điện ở các phòng, ban; đồng thời có cơ chế thưởng/phạt hàng tháng rõ ràng, nâng cao ý thức sử dụng điện của từng cán bộ, công chức… Và quan trọng hơn, đó là sự quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị trong việc thực hiện Chỉ thị một cách nghiêm túc, công bằng. (Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương).
Nên công khai đơn vị lãng phí điện
Muốn thực hiện hiệu quả Chỉ thị 34/CT-TTg của Thủ tướng, các cơ quan công sở cần phải xây dựng kế hoạch, giao khoán chỉ tiêu sử dụng điện hàng tháng, hàng năm cho từng phòng, ban, bộ phận cụ thể; định kỳ có kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện… Qua đó, có cơ chế thưởng/phạt đối với những cá nhân, phòng/ban/bộ phận trong thực hành TKĐ.
Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Trung ương (đầu mối là Bộ Công Thương) và địa phương (đầu mối là Sở Công Thương) cần phối hợp với các cơ quan sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ các đơn vị áp dụng các giải pháp TKĐ hiệu quả hơn; định kỳ (ít nhất mỗi năm một lần) tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện TKĐ tại các đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, các cơ quan QLNN cần cập nhật và công khai các trường hợp sử dụng điện lãng phí, chưa hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của UBND tỉnh/thành phố và Bộ Công Thương. (Ông Trần Viết Nguyên - Phó Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Phải có các công cụ kiểm soát
Trong Chỉ thị 34/CT-TTg, Thủ tướng cũng đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thống kê, theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện tại các công sở, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, có so sánh với mức sử dụng điện của cùng kỳ năm trước, báo cáo Sở Công Thương, Sở Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, khách hàng không thực hiện TKĐ. Những số liệu được cung cấp từ ngành Điện sẽ là cơ sở để các cơ quan QLNN đối chiếu, so sánh với kết quả báo cáo của các đơn vị, để có được những kết quả chính xác và khách quan nhất. Từ đó, cần kịp thời biểu dương, khuyến khích những nơi làm tốt, cũng như răn đe những đơn vị vẫn còn lãng phí điện năng. (Ông Trần Cảnh Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm TKNL và Sản xuất sạch hơn Hải Phòng).